Nhà văn của những giấc mơ

Đinh Phương là một nhân vật khá đặc biệt trong số những nhà văn cuối 8x, đầu 9x trên văn đàn hiện nay. Trong khi nhiều bạn văn cùng trang lứa mải mê với những tác phẩm mang hơi thở đời sống, lấy bối cảnh đô thị tấp nập, đầy quen thuộc, thì anh lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Đinh Phương giãi bày cảm hứng với những áng văn lung linh, huyền ảo, đầy màu sắc của tưởng tượng.

Dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, Đinh Phương cũng cố gắng xây dựng cho mình những không gian rất riêng. Nơi đó có sự giao hòa giữa thế giới thực và mộng. Những giấc mơ là bối cảnh khá quen thuộc trong sáng tác của nhà văn này. Trong bối cảnh không có thực ấy, anh khéo léo thể hiện quan điểm của mình về con người cùng những giá trị nhân văn. Nói như vậy không có nghĩa là văn của Đinh Phương xa rời hiện thực. Một số sáng tác trong tập truyện ngắn "Mơ Lam Kinh" của anh mang đậm hơi thở đời sống, phản ánh những mặt trái của xã hội phát triển. Nhưng tác giả không dùng một cốt truyện bình thường để truyền tải thông điệp, anh thích phiêu lưu trong thế giới tưởng tượng của mình.

Là một tác giả trẻ nhưng Đinh Phương khá hứng thú với đề tài lịch sử. Khi khai thác nhân vật và sự kiện trong quá khứ, anh khéo léo lồng vào đó quan điểm và góc nhìn riêng.

Ngoài viết văn xuôi, Đinh Phương còn làm thơ. Những bài thơ của anh cho ta thấy một “cái tôi sáng tạo” khác với truyện ngắn và tiểu thuyết. Nếu trong văn xuôi tác giả người Quảng Ninh này thể hiện một cái tôi trầm tư, nhiều suy luận và triết lý, thì với thơ, chúng ta bắt gặp một chàng trai trẻ đầy mơ mộng nhưng cũng lắm u hoài, trăn trở, vấn vương về tuổi trẻ, về sự chia ly trong tình yêu.

Ở thể loại nào, thơ hay văn xuôi, nhà văn 8x này luôn tìm cách thể hiện thế mạnh về ngôn từ của mình. Trong khi một số tác giả đầu tư xây dựng cốt truyện, lớp lang nhịp nhàng, cài cắm những nút thắt đầy bất ngờ để gây ấn tượng với độc giả thì Đinh Phương thu hút bạn đọc bởi giọng văn mượt mà, nhiều màu sắc với cách sử dụng từ ngữ linh hoạt đầy biến hóa.

Là một cây bút mạnh về miêu tả, trong văn của Đinh Phương không thiếu những chi tiết đặc tả, gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc. Hệ thống từ láy, từ tượng thanh, tượng hình được sử dụng một cách liên tục và nhịp nhàng, tạo nên những câu văn sống động, đầy màu sắc. Từng ngọn cỏ, lá cây hiện lên trong bức tranh ngôn từ của Đinh Phương đều chân thực và có sức lay động lạ kỳ. Câu văn của Đinh Phương thường có vần điệu, mang âm hưởng của thơ, nên tác động được tới xúc cảm của độc giả, khiến con người ta buồn vui theo trang viết. Bởi vậy, dù sáng tác của anh không có tình tiết bất ngờ, kịch tính nhưng vẫn lôi cuốn bạn đọc theo một cách riêng.

Văn chương của Đinh Phương kén độc giả. Trong dòng chảy miên man của sự mơ mộng và suy niệm, độc giả phải miệt mài bóc tách từng lớp ý nghĩa được gói ghém một cách khéo léo dưới ngôn từ mượt mà. Đã có người hỏi Đinh Phương rằng anh có buồn khi nhiều tác phẩm của mình chưa được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Nhà văn trẻ này cho rằng: “Viết lách là một công việc đầy ích kỷ. Để hài lòng với những sáng tác của mình, đầu tiên bạn phải viết ra thứ mà bản thân muốn đọc”. Tuy không phải là một nhà văn ăn khách, nhưng Đinh Phương vẫn có những độc giả trung thành, những người luôn yêu thích sự sáng tạo đầy cá tính của anh.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/989767/nha-van-cua-nhung-giac-mo