Nhà vườn phấn khởi với nhiều mặt hàng trái cây được giá

Ghi nhận từ đầu tháng 8/2024 đến nay, nhiều mặt hàng nông sản đều có giá và ổn định ở mức khá cao. Trong đó, giá dừa khô trái từ 65.000 - 70.000 đồng/chục (12 trái), nay tăng lên 130.000 đồng/chục; giá chôm chôm từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, tăng lên 13.000 - 15.000 đồng/kg; có thời điểm trên 20.000 đồng/kg; riêng đối với cây có múi như cam sành, chanh, thường có giá dao động 4.000 -5.000 đồng/kg, hiện nay tăng lên 13.000 - 14.000 đồng/kg đối với chanh và 7.000 - 8.000 đồng/kg đối với cam sành...

Nhà vườn ở Ấp 4, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè với mô hình trồng chanh xen dừa, cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Nhà vườn ở Ấp 4, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè với mô hình trồng chanh xen dừa, cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Trước tình hình giá các mặt hàng trái cây được giá và được mùa đã giúp cho nhiều nhà vườn phấn khởi khi gần 02 năm qua, giá nhiều mặt hàng trái cây giảm mạnh, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của các nhà vườn.

Nhà vườn Phạm Văn Kha, ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè phấn khởi cho biết: gia đình có gần 0,4ha trồng giống chanh bông tím chùm Tàu; trước đây, khi vào mùa mưa là giá chanh giảm mạnh, chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nhưng mùa mưa năm nay thì khác, giá chanh tăng quá cao, gia đình vừa thu hoạch gần 04 tấn chanh, bán với giá 14.000 đồng/kg. Năng suất chanh thường dao động 25 - 30 tấn trái/ha/năm và chỉ cần chanh ở mức giá 5.000 đồng/kg là nhà vườn có thu nhập ổn định.

Theo thống kê của Hội Làm vườn huyện Cầu Kè, hiện toàn huyện có hơn 154ha chôm chôm với sản lượng 2.700 tấn/năm, 330ha chanh với sản lượng 8.500 tấn trái/năm, 2.600ha cam sành với sản lượng 157.770 tấn trái/năm và hơn 4.900ha dừa, sản lượng 76.697 tấn/năm…

Tìm hiểu về giá dừa tăng cao hiện nay, theo các lái thu mua dừa khô trái, do hiện tại sản lượng dừa giảm với nguyên nhân là ở những tháng trong giai đoạn khô hạn trước đó (từ tháng 3 đến tháng 6) và các vườn dừa ra buồng và đậu trái vào thời điểm này bị giảm, rụng trái. Cùng với đó, nguồn dừa khô trái được các thương lái ở tỉnh Bến Tre sang thu mua và xuất mạnh về Trung Quốc.

Anh Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Tuân Hằng, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: hiện giá dừa khô trái được hợp tác xã mua vào là 117.000 đồng/chục (nếu chủ vườn hái sẽ cộng vào 10.000 đồng/chục) và giá dừa tăng cao hay thấp còn tùy vào vùng trồng. Đối với các vùng trồng dừa của huyện Càng Long, Cầu Kè thường có giá cao hơn so với các địa phương khác.

Bà Cao Thị Thu Thủy, ấp An Hòa, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có khoảng 0,3ha dừa, trong tháng 8/2024, gia đình thu hoạch được 60 chục dừa và với giá dừa khô khoảng 90.000 đồng/chục. Đến tháng 9/2024, giá dừa khô trái tăng khá cao, thương lái thu mua tại vườn là 130.000 đồng/chục (gia đình tự hái cộng thêm 10.000 đồng/chục); với giá dừa như vậy, thu nhập của nhà vườn rất ổn định; bình quân đạt 22 - 25 triệu đồng/ha/tháng.

Theo bà Lưu Thị Phúc An, chủ vựa trái cây Phúc An, ấp Mỹ Văn, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè: đối với mặt hàng trái cây năm nay có giá tương đối cao hơn so với năm 2023. Nguyên nhân do giá một số trái cây như xoài Đài Loan, bưởi giảm mạnh từ năm 2022, 2023 nên nhà vườn đốn, chuyển sang cây trồng khác. Hiện nay, sản lượng xoài giảm mạnh, nên giá tăng 50% so với năm 2023, dao động ở mức 10.000 đồng/kg xoài sô; xoài trái có bao, giá cao hơn 2.500 - 3.000 đồng/kg và ổi Nữ Hoàng, giá dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg…

Đồng chí Phạm Thanh Toàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: trong sản xuất, nhà vườn cần nắm bắt thị trường cũng như chủ động trong chọn lựa cây trồng mang tính phù hợp với vùng đất canh tác cần chuyển đổi; tránh chạy theo thị hiếu và thị trường, để rơi vào tình trạng “trồng - chặt - trồng”. Trong đó, nhà vườn cần chú trọng khâu chăm sóc và duy trì, ổn định năng suất, chất lượng trái cây để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng có sự cạnh tranh tốt…

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nha-vuon-phan-khoi-voi-nhieu-mat-hang-trai-cay-duoc-gia-40206.html