Nhân chứng lịch sử: Công nhân - Công đoàn ôn lại Ngày Giải phóng Thủ đô

Ngày 26/9, Báo Lao động Thủ đô tổ chức Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử 'Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai'.

Trong không khí hào hùng của người dân Thủ đô và cả nước hướng tới chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Chương trình nhằm giúp độc giả hiểu thêm về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm, về phía lãnh đạo Thành phố, có các đồng chí: Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó còn có các vị diễn giả: Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm - Công dân Thủ đô ưu tú, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng; ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông; Nhà báo, nhà văn, Công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Ngọc Tiến; chị Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng Quản lý chi phí, Công ty TNHH Canon Việt Nam - 1 trong 100 công nhân lao động được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng Bằng công nhận "Sáng kiến, sáng tạo trong Công nhân lao động Thủ đô năm 2024".

Các đồng chí lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, LĐLĐ Thành phố, Báo Lao động Thủ đô tặng hoa các diễn giả tham gia Tọa đàm.

Các đồng chí lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, LĐLĐ Thành phố, Báo Lao động Thủ đô tặng hoa các diễn giả tham gia Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những dấu mốc son lịch sử về Ngày Giải phóng Thủ đô, quá khứ đầy tự hào, những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Hà Nội góp phần vào thắng lợi vẻ vang trong công cuộc Giải phóng Thủ đô.

Ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ, thời điểm giải phóng Thủ đô ông đang là thiếu niên, những ký ức về Tháng Mười lịch sử năm ấy vẫn in đậm trong tâm trí ông.

Theo ông Độ, thời điểm năm 1954 khi Thủ đô giải phóng, ông mới 13 tuổi và nhà ở Thanh Trì, nhưng trong ký ức vẫn đậm nét kỷ niệm không thể nào quên về không khí hào hùng ngày 10/10/1954. Để chuẩn bị cuộc mít tinh chào mừng, trước ngày 10/10/1954 nhiều tuần lễ, ông được các anh, chị dân quân tự vệ trong làng lựa chọn vào đội cổ động tuyên truyền nên ông rất vinh dự tự hào.

Ông Độ cùng các bạn được chọn đêm đêm đều tập trung ra ngoài sân đình để tập đội ngũ để tập đi, tập nghỉ, tập quay trái, tập quay phải, tập hát, tập múa… Ai nấy đều rất hào hứng; không khí cách mạng sục sôi.

"Đến tối ngày 9/10/1954, vào khoảng 9h tối, chúng tôi được tập trung. Khi ấy, mỗi người chúng tôi được trao cho nắm cơm và muối vừng. Nắm cơm ấy được gói trong lá chuối khô để lo cho ngày đón bộ đội. Nắm cơm ấy chúng tôi dành cho những anh hùng, những chú bộ đội chưa kịp dùng bữa khi tiến vào Thủ đô. Đêm ấy dù không đèn đuốc, từ làng lên phố đường xá vẫn quanh co, đi bộ cả đêm nhưng không ai kêu than mệt mỏi. Ai ai cũng háo hức đón đoàn quân giải phóng. Sáng hôm sau chúng tôi nhập vào đoàn người đón quân giải phóng. Giờ đây, mỗi khi nhìn lại những bức ảnh, xem lại những thước phim về ngày 10/10/1954, ký ức trong tôi lại tràn về. Tôi tự hào và tin trong đoàn người đón đoàn quân giải phóng ghi lại ở những thước phim trân quý ấy thì ở đó có tôi - một cháu thiếu niên đón đoàn quân giải phóng trùng trùng về Thủ đô"- ông Độ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ chia sẻ tại buổi Tọa đàm.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ chia sẻ tại buổi Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ. Từ góc nhìn của một nhà quản lý, một cán bộ công đoàn, ông nhìn nhận, tổ chức Công đoàn, lực lượng công nhân lao động đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.

Theo ông Dĩnh, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, hành chính chính trị quốc gia; là trung tâm văn hóa, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế. Hà Nội cũng được vinh danh là Thủ đô vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Có thể nói, Hà Nội kết tinh, hội tụ truyền thống phong cách của dân tộc chúng ta.

Trong lịch sử đất nước, Thủ đô, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn có một vị trí, vai trò và đóng góp to lớn trong sự phát triển của Thủ đô. Thứ nhất, giai cấp công nhân và người lao động là lực lương cơ bản chủ lực để tạo ra các giá trị vật chất, tinh thần, văn hóa của Thủ đô…

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ tại buổi Tọa đàm.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ tại buổi Tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: Như chúng ta đã biết, văn hóa là nền tảng cho sự phát triển của xã hội, mỗi vùng đất vừa có văn hóa chung của đất nước lại có những nét văn hóa riêng. Hà Nội của chúng ta có vị trí rất đặt biệt, là Thủ đô, là đầu não chính trị, là bộ mặt của một quốc gia, nơi các tổ chức quốc tế đặt trụ sở nơi đây. Hà Nội là một nơi hội tụ nhiều người đến sinh sống, làm việc. Văn hóa không phải là cái gì bất biến, mà nó biến đổi theo thời gian.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, người lao động khi về đây làm việc, sinh sống thì phải theo văn hóa của vùng đất nơi mình sinh sống. Bằng cách giao tiếp, ứng xử để hòa nhập theo lối sống của Hà Nội. Nhiều người nói văn hóa ứng xử của Hà Nội xuống cấp, điều đó không thể tránh khỏi, nhưng những cái khác biệt chỉ là một cái nhỏ cá biệt, không đại diện cho văn hóa Hà Nội… Còn rất nhiều điều tốt đẹp. Văn hóa di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, biểu hiện qua cách ứng xử, lối sống, cung cách ứng xử của Hà Nội như một dòng mạch ngầm chảy mãi…

Hiện nay toàn Thành phố có trên 270 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, du lịch, dịch vụ; 10 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên 70 cụm công nghiệp, 2,7 triệu công nhân, người lao động là lực lượng to lớn đang hăng say làm việc tạo ra nhiều giá trị của cải vật chất, tạo nên nền kinh tế của Thủ đô hết sức đặc sắc với cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ chiếm 88%. Kinh tế Hà Nội đóng góp trên 18% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa, 8,6% tỉ suất xuất nhập khẩu.

Trong những thành quả ấy, lực lượng công nhân và tổ chức Công đoàn có đóng góp rất quan trọng. Hà Nội là địa phương có nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Lực lượng công nhân, người lao động Hà Nội đã đóng góp một phong cách làm việc theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp.

Tổ chức Công đoàn, công nhân, người lao động Thủ đô đã xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ tạo sự ổn định chính trị, an ninh trật tự cho Hà Nội. Mặc dù Hà Nội là địa phương phát triển nhiều ngành công nghiệp, tập trung đông doanh nghiệp và người lao động nhưng việc đình công ngừng việc tập thể rất ít.

Về phía tổ chức Công đoàn Thủ đô, với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, động viên khích lệ người lao động hăng say làm việc có chất lượng hiệu quả. Công đoàn đã tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, sáng kiến sáng tạo… đã thúc đẩy khuyến khích công nhân trong các các lĩnh vực không ngừng sáng tạo, làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt.

Công đoàn cũng đã làm tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động như: Đẩy mạnh ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng Mái ấm Công đoàn, tổ chức hoạt động Quỹ trợ vốn cho đoàn viên vay vốn… Qua đó, vai trò của tổ chức Công đoàn ngày càng được khẳng định, vị thế ngày càng được nâng cao...

Hiện Công đoàn Thủ đô có gần 10 nghìn Công đoàn cơ sở các loại hình, trên 710 ngàn đoàn viên Công đoàn. Tổ chức Công đoàn Tủ đô đã được trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng Nhất…

Kim Thạch

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhan-chung-lich-su-cong-nhan-cong-doan-on-lai-ngay-giai-phong-thu-do.html