Nhiều kết quả thiết thực từ phong trào thi đua 'Cả nước chung tay vì người nghèo'

Phong trào thi đua 'Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau' đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, để khơi dậy và huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, khuyến khích sự chủ động và phát huy nội lực từ cơ sở và của từng người dân trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và ban hành Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2017 về kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động, phong trào thi đua đã được các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và địa phương tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện có hiệu quả, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nội dung, ý nghĩa, mục tiêu của phong trào thi đua, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sự đồng thuận trong xã hội và tính tích cực, sáng tạo, nỗ lực của người dân. Tổ chức lồng ghép nội dung phong trào thi đua với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...

Các bộ, ban, ngành Trung ương tập trung tham mưu hoặc trực tiếp ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn...

Nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo được tổ chức thực hiện như: Khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; miễn, giảm học phí, trao học bổng cho học sinh nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở, vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, dân sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các bộ, ngành, địa phương phối hợp tuyên truyền, tích cực thực hiện phong trào và thực hiện mục tiêu giảm nghèo thông qua cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" và các chương trình an sinh xã hội, tổ chức thực hiện Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hàng năm tạo nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cộng đồng nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt...

Trong 05 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động số tiền 5.887 tỷ đồng; an sinh xã hội gần 17.000 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa trên 181.133 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về tư liệu sản xuất, hàng ngàn công trình dân sinh, góp phần thiết thực thực hiện công tác an sinh xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo.

Các tỉnh, thành phố tích cực triển khai phong trào thi đua với nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, phong phú, đa dạng. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế địa phương, tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao... Tích cực huy động nhiều nguồn lực ủng hộ, giúp đỡ người nghèo; thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương; tổ chức cho các cơ quan, đơn vị đăng ký nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức; vận động hộ gia đình đăng ký thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.

Nhân rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế đã được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn, đồng thời vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, tham gia các mô hình liên kết giữa hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến giảm nghèo...

Qua gần 05 năm thực hiện, phong trào thi đua đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015.

Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần; kết quả giảm nghèo ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/nhieu-ket-qua-thiet-thuc-tu-phong-trao-thi-dua-ca-nuoc-chung-tay-vi-nguoi-ngheo/416402.vgp