Nhiều tiềm năng phát triển

Không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn, nhiều làng nghề truyền thống ở Nam Định đến nay vẫn giữ được thế mạnh với những mặt hàng phong phú, đa dạng; nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Giá trị sản xuất ước đạt 6.800 tỷ đồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định, toàn tỉnh hiện có 142 làng nghề, được chia làm 5 nhóm làng nghề chính và được phân bố ở tất cả các huyện và thành phố. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hải Hậu với 41 làng nghề (chiếm 28,9%); huyện Ý Yên là 25 làng nghề (chiếm 17,6%); huyện Nam Trực có 21 làng nghề (chiếm 14,8%); các địa phương còn lại là 87 làng nghề (chiếm 38,7%), trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (5 nghề truyền thống, 29 làng nghề truyền thống và 46 làng nghề).

Nghệ nhân Vũ Mạnh Hùng giới thiệu những cây cảnh giá trị hàng trăm triệu đồng

Nghệ nhân Vũ Mạnh Hùng giới thiệu những cây cảnh giá trị hàng trăm triệu đồng

Tổng giá trị sản xuất làng nghề năm 2021 ước đạt khoảng 6.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh). Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 3 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tùy theo từng nhóm ngành nghề, nhóm nghề có thu nhập cao nhất là sản xuất đồ gỗ, cơ khí, cây cảnh và thu nhập thấp nhất là nhóm nghề chiếu, cói, thêu ren. Trên địa bàn tỉnh có sản phẩm đúc đồng của Hiệp hội cơ khí huyện Ý Yên, đồ gỗ La Xuyên (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên) và đồ gỗ Hải Minh (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu), làng nghề thêu Phú Nhai (xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường) đã đăng ký thương hiệu.

Chủ tịch Hội sinh vật cảnh làng cây cảnh Vị Khê, nghệ nhân Nguyễn Văn Chiến cho biết, hầu như các hộ dân trong làng đều làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Ngoài trồng hoa cây cảnh dân làng còn cấy lúa. Hiện nay, hầu như các gia đình theo truyền thống của cha ông cứ cha truyền con nối tiếp tục làm nghề. Tuy nhiên, để có những sản phẩm chất lượng cao, những nghệ nhân cũng phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức.

Nghệ nhân Vũ Mạnh Hùng, xóm Hoàng Ngân - một trong 5 người trong làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực được Trung ương Hội Sinh vật cảnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam” chia sẻ: “Có được những tác phẩm cây cảnh, cây thế đẹp mang giá trị nghệ thuật, ngoài việc dày công đi sưu tập, tìm kiếm các loại phôi già từ khắp nơi trong tỉnh, còn phải dành nhiều thời gian, công sức, tâm huyết để thể hiện ý tưởng của mình trong tác phẩm”.

Để quảng bá thương hiệu, Nghệ nhân Vũ Mạnh Hùng tích cực mang cây đi dự thi các cuộc trưng bày sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh, giành hàng chục giải thưởng. Từ đó, ông được khách hàng ở xa biết tiếng, tìm về mua cây cảnh.

Đồng bộ các giải pháp để bảo tồn, phát triển

Không thể phủ nhận những giá trị văn hóa, kinh tế mà các làng nghề truyền thống đem lại đối với sự phát triển của chung của tỉnh, tuy nhiên, những năm vừa qua, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng vận chuyển hàng hóa bị đình trệ, chuỗi cung ứng nguyên liệu gặp khó khăn… Bên cạnh đó, một số vấn đề gặp phải chung cho tất cả các làng nghề, đó là các hộ sản xuất trong làng nghề khó tiếp cận các khoản vay ưu đãi, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao. Chủng loại sản phẩm tuy đa dạng nhưng chất lượng chưa cao, sản phẩm đạt trình độ tinh xảo còn ít, chưa có sản phẩm mang tính chủ lực mũi nhọn của địa phương. Mặt khác, với môi trường hội nhập hiện nay, các làng nghề truyền thống phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ trong nước đến quốc tế…

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Định đã đưa ra nhiều gỉai pháp để tháo gỡ những khó khăn trên và từng bước phát triển các làng nghề truyền thống. Trước hết, đẩy mạnh và nâng cao vai trò quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch, đưa du lịch thành thế mạnh của từng địa phương. Ban hành và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách phù hợp với đặc điểm của làng nghề được bảo tồn, nhằm nâng cao hiệu quả thực tiễn của các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa làng nghề và phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm làng nghề trên trang thông tin điện tử làng nghề nông thôn Nam Định (tên miền: langnghe.namdinh.gov.vn); tổ chức hội chợ, triển lãm; phối hợp với các địa phương ngoài tỉnh để giới thiệu quảng bá sản phẩm; xây dựng chuỗi kết nối trong sản xuất - tiêu thụ giữa cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.

Nhằm giải quyết các vấn đề về vốn cũng như chất lượng sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm môi trường sinh thái bền vững.Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua các Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển du lịch, Chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững; Chương trình khuyến công, khuyến nông; Chương trình OCOP của tỉnh; Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như góp vốn, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, vay vốn từ các tổ chức tín dụng… để đầu tư phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Tăng cường vận động các nguồn tài trợ và đầu tư từ các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức nước ngoài để khai thác thêm các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường...

Quang Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/nhieu-tiem-nang-phat-trien-i295205/