Nhìn lại công tác thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020

Năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập nhiều đoàn công tác, đoàn kiểm tra, đôn đốc tại các huyện và các ban quản lý; cùng với sự chỉ đạo, đôn đốc ráo riết, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh ngay từ đầu năm, yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc; đồng thời, điều chuyển vốn đầu tư công, trả về Ngân sách Trung ương... với mục tiêu phấn đấu thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công ở mức tốt nhất...

Các công trình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn

Các công trình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn

Báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công các dự án thuộc địa phương quản lý năm 2020 từ nguồn ngân sách địa phương của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Tổng thanh toán đến hết thời gian chỉnh lý năm 2020 là 2.543.245 triệu đồng/3.320.910 triệu đồng, đạt 76,58% kế hoạch. Trong đó, nguồn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý là 436.745 triệu đồng/498.975 triệu đồng, đạt 87,53% kế hoạch; nguồn sử dụng đất do tỉnh quản lý là 727.228 triệu đồng/837.458 triệu đồng, đạt 86,84% kế hoạch; nguồn xổ số kiến thiết do tỉnh quản lý là 375.190 triệu đồng/678.502 triệu đồng, đạt 55,3% kế hoạch. Phân cấp cho huyện, thành phố quản lý 701.750 triệu đồng/809.220 triệu đồng, đạt 86,72% kế hoạch; nguồn khác (bán nhà, vượt thu sử dụng đất...) 302.332 triệu đồng/459.155 triệu đồng, đạt 65,85% kế hoạch.

Đối với việc thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương, tổng thanh toán đến hết thời gian chỉnh lý năm 2020 là 760.223 triệu đồng/1.242.624 triệu đồng, đạt 61% kế hoạch. Trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 276.493 triệu đồng/314.259 triệu đồng, đạt 88% kế hoạch; vốn đầu tư theo các chương trình mục tiêu (vốn trong nước) là 400.822 triệu đồng/658.858 triệu đồng, đạt 60,84% kế hoạch; vốn nước ngoài là 52.144 triệu đồng/224.600 triệu đồng, đạt 23,22% kế hoạch; nguồn vốn ODA địa phương vay lại của Chính phủ là 2.122 triệu đồng/14.907 triệu đồng, đạt 14,23% kế hoạch; vốn dự phòng ngân sách trung ương là 28.642 triệu đồng/30.000 triệu đồng, đạt 95,47% kế hoạch.

Thực tế, kế hoạch vốn năm 2020 được giao ngay từ đầu năm, được bố trí chủ yếu để trả nợ khối lượng thực hiện chuyển tiếp từ các năm trước sang. Vốn được bố trí đảm bảo tập trung cho các dự án, không dàn trải. Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã kịp thời phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của một số dự án năm 2020 còn đạt thấp, có nhiều nguyên nhân.

Đối với vốn bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của một số dự án được bố trí vốn bổ sung từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 còn đạt thấp, chủ yếu do một số dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, như Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn: do Chương trình áp dụng phương thức thực hiện dựa trên kết quả đầu ra với nhiều tiêu chí mới, với nhiều bước, trình tự thủ tục khắt khe, nhiều đầu mối liên quan nên khó triển khai thực hiện và việc triển khai thực hiện còn lúng túng, mất nhiều thời gian...; Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (Jica) chưa giải ngân, do dự án đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu.

Đối với nguồn ngân sách địa phương, nguyên nhân là một số dự án khởi công mới mới hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định, nên có khối lượng giải ngân thấp, hoặc đang hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định; đang trong giai đoạn đấu thầu nên chưa có hồ sơ thanh toán tại Kho bạc nhà nước.

Một số nguyên nhân khác, được chỉ ra là: việc thay đổi đơn giá xây dựng theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 dẫn đến chậm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí đầu tư xây dựng nên chưa đủ điều kiện tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và chưa giải ngân số vốn được giao; dịch COVID -19 và thời gian cách ly xã hội ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân...

Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công được xem là điều quan trọng. Tuy nhiên, việc các ngành, địa phương muốn được càng nhiều vốn càng tốt vì càng có lợi nay đã không còn. Vì những điểm mới trong luật đầu tư công, nếu không kịp giải ngân hết vốn trong năm sẽ bị trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Như vậy, việc nhận nhiều vốn chỉ tốt nếu có phương án giải ngân vốn hợp lý, đúng tiến độ...

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/nhin-lai-cong-tac-thuc-hien-ke-hoach-von-dau-tu-cong-nam-2020-3047684/