Những người trốn Covid-19 trên đảo thiên đường

Trong thời điểm Mỹ thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, một số gia đình chuyển tới các hòn đảo được mệnh danh là 'thiên đường nhiệt đới' để sinh sống và làm việc từ xa.

“Đằng nào cũng ngồi nhà làm việc, sao bạn không thử làm việc từ thiên đường?”.

Đó câu hỏi mà hòn đảo Aruba thuộc vùng biển Caribbean đặt ra cho các độc giả trên trang web One Happy Workation của họ, theo Wall Street Journal.

Đi kèm đó là hình ảnh một người đàn ông chân trần, mặc quần đùi phối với áo sơ mi, cà vạt, ngồi làm việc dưới tán ô lợp tranh. Xung quanh chàng trai là bờ cát trắng và làn nước xanh trong vắt, như muốn xoa dịu sự mệt mỏi do lệnh phong tỏa đem lại.

 Một số hòn đảo mời gọi du khách tới nghỉ dưỡng kiêm làm việc từ xa trong đại dịch. Ảnh: shevtsovy/Abode Stock.

Một số hòn đảo mời gọi du khách tới nghỉ dưỡng kiêm làm việc từ xa trong đại dịch. Ảnh: shevtsovy/Abode Stock.

Trốn khỏi sự ngột ngạt

Amy Franzen (35 tuổi), Phó chủ tịch điều hành của công ty công nghệ sinh học Tempus, cho biết vợ chồng cô và con trai 2 tuổi mắc kẹt tại căn hộ ở trung tâm thành phố Chicago (Mỹ) trong thời gian đại dịch. Thời điểm đó, cô đang mang thai đứa con thứ hai.

Tháng 9/2020, Franzen phát hiện một quảng cáo trên mạng xã hội cho gói du lịch One Happy Workation của Aruba. Cô từng tới hòn đảo này một lần và rất thích nơi đây.

Do đó, cô nhanh chóng thuê một ngôi nhà nhỏ với 2 phòng ngủ nằm trên một đồn điền dừa cũ. Gia đình cô được giảm giá khi đăng ký lưu trú dài ngày, khiến Franzen cảm thấy quyết định này “rất hợp túi tiền”.

“Cô đúng là một thiên tài”, các đồng nghiệp trầm trồ khi Franzen thông báo rằng gia đình cô sẽ ở Arruba tới hết năm 2020.

 Gia đình Frenzen thoát khỏi sự ngột ngạt ở Chicago suốt 7 tuần cuối năm 2020. Ảnh: Amy Franzen.

Gia đình Frenzen thoát khỏi sự ngột ngạt ở Chicago suốt 7 tuần cuối năm 2020. Ảnh: Amy Franzen.

Franzen thừa nhận cô cảm thấy ngại ngùng khi vắng nhà trong thời điểm Covid-19 đang hoành hành. “Tôi không muốn nghe những lời chỉ trích”, cô nói.

Nhưng đồng thời, cả năng suất làm việc và niềm hạnh phúc của cô đều tăng lên rõ rệt. Buổi sáng, trước khi vào giờ làm, Franzen thường dành thời gian chèo ván với con trai cô.

Giữa tháng 1, gia đình Franzen trở về Chicago sau 7 tuần sinh sống tại Aruba để cô có thể hạ sinh con ở Mỹ. “Tôi đã ở lâu hơn nếu có khả năng”, phó chủ tịch thừa nhận.

Thế hệ du mục mới

Trong nhiều năm qua, những người du mục kỹ thuật số, thường là các freelancer trẻ tuổi, tập trung tới Chiang Mai (Thái Lan), Playa del Carmen (Mexico) và một số thành phố khác có chi phí sinh hoạt thấp, nhiều không gian làm việc chung và sóng Wi-Fi mạnh.

Tuy nhiên, đại dịch tạo ra một thế hệ du mục kỹ thuật số mới. Đó là những nhân viên toàn thời gian có thu nhập hàng tháng, thường đã lập gia đình, nay được giải phóng khỏi văn phòng và có thể kết hợp du lịch và làm việc từ xa.

Một báo cáo mới từ MBO Partners, một công ty phần mềm quản lý doanh nghiệp ở Ashburn (bang Virginia, Mỹ), cho thấy trong năm 2021, số người tự coi bản thân là dân du mục kỹ thuật số đã tăng gấp đôi, lên khoảng 15,5 triệu người so với 2 năm trước.

 Các du mục kỹ thuật số đã tồn tại trong nhiều năm, phần lớn là các bạn trẻ ưa "xê dịch". Ảnh: Shutterstock.

Các du mục kỹ thuật số đã tồn tại trong nhiều năm, phần lớn là các bạn trẻ ưa "xê dịch". Ảnh: Shutterstock.

Suốt những ngày tháng đen tối nhất của đại dịch, khi phần lớn thế giới bị mắc kẹt ở nhà, những khu nghỉ dưỡng ở Tahiti, Bora Bora, Maldives và nhiều hòn đảo tìm kiếm cách thu hút du khách kéo dài thời gian lưu trú bằng cách tung ra chiến dịch “Làm việc từ thiên đường”.

Do sự ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, một số khác như Bermuda, Barbados và Anguilla thậm chí còn tiến xa hơn với hoạt động cung cấp “thị thực du mục kỹ thuật số” cho du khách chọn ở lại hòn đảo hơn một năm để làm việc từ xa. Loại visa này lâu hơn nhiều so với thị thực du lịch thông thường.

Giới chức Barbados cho biết “Con dấu Chào đón của Barbados”, loại visa mới có thời hạn 12 tháng, đã thu hút gần 5.000 du khách mới tính từ tháng 6/2020.

Bermuda đón chào khoảng 1.000 người đăng ký Chứng chỉ Làm việc từ Bermuda kể từ tháng 8/2020. Còn Aruba cho biết khoảng 13.700 du khách đã đến hòn đảo để làm việc từ xa kể từ khi gói lưu trú kéo dài được tung ra vào tháng 9/2020.

CCO Douglas Trueblood của Cơ quan Du lịch Bermuda cho biết: “Loại hình du lịch kết hợp làm việc mới này đã mang ngành dịch vụ của chúng tôi trở lại”.

Bất tiện khi sống trên đảo

Tháng 4/2020, Sam Keller (49 tuổi) bị cho thôi việc, trong khi vợ là Pascaline Cure (45 tuổi) mới bắt đầu công việc tại một công ty công nghệ.

Trong lúc ở nhà với con trai 9 tuổi và con gái 5 tuổi khi dịch bệnh bùng phát, hai vợ chồng bất ngờ phát hiện một trường quốc tế tại Tahiti, hòn đảo lớn nhất của Polynesia thuộc Pháp, vẫn mở cửa.

“Làm việc tại nhà rất buồn bã, vất vả. Nếu chưa giải quyết xong các vấn đề liên quan đến con cái, bạn chẳng thể làm gì khác”, Cure nói với Wall Street Journal.

Cặp vợ chồng từng đã tới Tahiti 3 năm trước và yêu thích địa điểm này. Họ tìm thuê một căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích khiêm tốn trên đảo với giá 3.000 USD/tháng. Để trang trải chi phí, hai vợ chồng cho thuê lại căn nhà ở phía bắc California (Mỹ) của gia đình.

 Gia đình Keller và Cure dành nhiều tháng ở Tahiti. Ảnh: Gia đình Cure-Keller.

Gia đình Keller và Cure dành nhiều tháng ở Tahiti. Ảnh: Gia đình Cure-Keller.

Tháng 8, gia đình 4 người hạ cánh xuống Tahiti. Ngay lập tức, Keller cảm thấy “phấn chấn, thoải mái trí óc, nhiệt huyết và đầy năng lượng”. Tuy nhiên, họ sớm gặp phải một số vấn đề.

“Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là đường truyền Internet”, Cure thừa nhận.

Mặc dù chủ thuê đảm bảo rằng ngôi nhà này có “tốc độ Internet nhanh nhất trên đảo”, việc học online của lũ trẻ nhà Keller và Cure liên tục bị gián đoạn vì màn hình đứng yên.

Để giải quyết vấn đề này, Cure tìm thấy một không gian làm việc chung (co-working space) có Internet tốc độ cao ở thị trấn gần nhà.

 Cure (áo xanh) cảm thấy bị cô lập với thế giới bên ngoài sau nhiều tháng trên đảo. Ảnh: Gia đình Cure-Keller.

Cure (áo xanh) cảm thấy bị cô lập với thế giới bên ngoài sau nhiều tháng trên đảo. Ảnh: Gia đình Cure-Keller.

Tuy nhiên, trên đường di chuyển tới địa điểm để kịp họp lúc 8h30 ở San Francisco (Mỹ), tức 5h30 ở Tahiti, hai vợ chồng bàng hoàng phát hiện rằng giờ cao điểm đã bắt đầu từ sớm hơn thế.

“Chúng tôi kẹt trong xe suốt 45 phút”, cô kể lại. Về sau, gia đình cô đã lắp đặt thành công Wi-Fi tốc độ cao tại nhà.

Tháng 1, máy tính của Cure gặp trục trặc. Chiếc thay thế được gửi từ San Francisco lại bị mất trong quá trình vận chuyển. Không còn cách nào khác, Cure đặt vé bay trở về San Francisco để thay máy tính nhanh chóng.

Tháng 6, gia đình 4 người chính thức trở về Mỹ sau 10 tháng ngoài đảo. Về phần mình, Keller cho biết trải nghiệm vừa qua rất tích cực, thậm chí dẫn đến sự thay đổi nghề nghiệp của anh.

Anh thành lập Working Without Borders, một công ty giúp các gia đình nhỏ trải nghiệm làm việc tại nước ngoài bằng cách sắp xếp không gian sống và nơi làm việc có Internet, cùng các chương trình giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên. Tới nay, Keller đã làm việc với 47 gia đình.

Trong khi đó, Cure có “cảm xúc lẫn lộn” khi rời khỏi Tahiti để về nhà. Theo cô, Tahiti không phải hòn đảo lớn. Bởi vậy, cô dần nảy sinh cảm giác bị cô lập, mất kết nối với thế giới bên ngoài sau nhiều tháng ngoài đảo.

“Tuy nhiên, phần nào đó trong tôi có thể nán lại nơi ấy lâu hơn”, cô cho biết.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-tron-covid-19-tren-dao-thien-duong-post1256008.html