Ninh Bình: Dấu ấn qua Hội thi thiết bị đào tạo tự làm quốc gia

Đoàn tỉnh Ninh Bình tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI với 9 mô hình thiết bị của 3 trường cao đẳng: Cơ giới Ninh Bình, Cơ điện, Xây dựng Việt Xô và Lilama1. Đây là những thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh năm 2019. Qua 5 ngày làm việc tích cực, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc đã thành công. Đối với Đoàn tỉnh Ninh Bình, có 1 mô hình đạt giải nhì, 1 mô hình đạt giải ba và 7 thiết bị đạt giải khuyến khích.

Mô hình hệ thống xe Hyundai grand i10 tại hội thi.

Mô hình của tỉnh Ninh Bình đạt giải nhì tại hội thi là mô hình “Hệ thống điện xe Hyundai Grand i10” của nhóm tác giả đến từ Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình. Chia sẻ về “đứa con tinh thần” của nhóm, anh Nguyễn Thế Long, giáo viên Khoa Công nghệ ô tô, đại diện nhóm tác giả cho biết: Dựa vào những con số thống kê cụ thể cho thấy, hiện nay nhu cầu sử dụng ô tô đang ngày càng tăng. Bởi vậy, việc đào tạo đội ngũ cử nhân, kỹ thuật viên có trình độ đáp ứng được những đòi hỏi của ngành công nghệ và sửa chữa ô tô là một nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách, phù hợp với thị trường lao động.

Hệ thống điện xe Hyundai Grand i10 có khóa điện thông minh là một trong những hệ thống điều khiển điện tử, nhằm nâng cao tính năng an toàn cũng như đáp ứng sự tiện nghi cho người điều khiển phương tiện và được dùng trên rất nhiều các xe ô tô con, xe du lịch sản xuất mới trên thị trường hiện nay, trở thành công nghệ mới nhất đang được các nhà sản xuất ô tô dần thay thế cho loại xe điều khiển thông thường vốn đã ứng dụng trong công nghiệp ô tô hơn nửa thế kỷ qua.

Vì vậy, để có thể vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa được hệ thống điện trên ô tô thì học sinh, sinh viên học nghề công nghệ ô tô cần có kiến thức, kỹ năng thực hành thực tế. Căn cứ vào chương trình đào tạo nghề Công nghệ ô tô và sự cần thiết bổ sung thiết bị dạy nghề tại Trường, nhóm tác giả đã tìm hiểu và nghiên cứu thiết bị mô hình “Hệ thống điện xe Hyundai Grand i10” trên xe ô tô hiện đại, nên khi đưa vào giảng dạy sẽ tạo được hứng thú cho học sinh, sinh viên.

Cũng theo tác giả Nguyễn Thế Long, đến với hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, các tác giả, nhóm tác giả dự thi đến từ 58 tỉnh, thành phố đều là những nhà giáo có kỹ năng nghề cao, từng thiết kế, chế tạo thành công những sản phẩm đạt chất lượng cao và đang áp dụng cho công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi vậy, tham gia hội thi còn là cơ hội lớn để nhóm tác giả được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong sáng chế từ các đồng nghiệp trên khắp cả nước.

“Hội thi thực sự là một sân chơi lớn, bổ ích cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Những kết quả bước đầu này sẽ là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục say mê sáng tạo, với mục tiêu sẽ tạo ra nhiều hơn nữa các mô hình, thiết bị đào tạo bắt kịp xu hướng phát triển của thực tiễn, có tính ứng dụng cao và tiết giảm được chi phí cho các cơ sở đào tạo”- tác giả Nguyễn Thế Long chia sẻ.

Ngoài mô hình “Hệ thống điện xe Hyundai Grand i10”, Đoàn tỉnh Ninh Bình còn có một mô hình đạt giải ba đó là “Mô hình giảng đường thông minh” của nhóm tác giả Trường Cao đẳng Cơ giới và 7 thiết bị khác đạt giải khuyến khích.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng Đoàn tỉnh Ninh Bình tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm quốc gia lần thứ VI cho biết: Tham gia hội thi đều là các mô hình, thiết bị tốt nhất được lựa chọn ở các tỉnh, thành phố. Vì vậy, đây thực sự là một sân chơi đầy sáng tạo, chất lượng dành cho các tác giả, nhóm tác giả.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, hội thi lần này phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp và tập trung ở các nghề: Điện công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật xây dựng, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, cơ khí chế tạo…

Các thiết bị tham gia hội thi đều có tính ứng dụng cao, áp dụng tốt trong giảng dạy, tạo hứng thú cho học viên. Hội thi đã thể hiện được sự sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các nhà trường. Sự đa dạng của thiết bị một lần nữa chứng tỏ thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo. Những kết quả mà các tác giả, nhóm tác giả của tỉnh Ninh Bình đạt được đã tạo dấu ấn không nhỏ tại hội thi năm nay.

Được biết, 9 thiết bị, mô hình của tỉnh ta được lựa chọn tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm nay đều là những mô hình xuất sắc, được lựa chọn từ Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh được tổ chức vào tháng bảy vừa qua.

Mặc dù là lần đầu tỉnh ta tổ chức hội thi, song đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà giáo trong các cơ sở dạy nghề. Ngay từ khi phát động, đã có trên 100 mô hình, thiết bị tham gia dự thi, trong đó lựa chọn được 16 mô hình, thiết bị lọt vào hội thi cấp tỉnh.

Những kết quả bước đầu của tỉnh Ninh Bình trong Hội thi tự làm thiết bị đào tạo quốc gia vừa qua sẽ góp phần khuyến khích phong trào học tập, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh trong việc tự làm thiết bị dạy nghề. Đồng thời, thông qua hội thi góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của các cơ sở dạy nghề trong việc đầu tư, khai thác, sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ, đồ dùng dạy học, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-dau-an-qua-hoi-thi-thiet-bi-dao-tao-ty-lam-quoc-gia-20190918075148608p0c3.htm