Nông dân cần tăng cường sử dụng chế phẩm có nguồn gốc sinh học

Tại Hội thảo 'Thực trạng và giải pháp toàn diện cho sự phát triển của ngành vật tư nông nghiệp và Nông nghiệp Việt Nam' diễn ra ngày 20/12, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện diễn ra tình trạng khá phổ biến tình trạng thiếu kiểm soát nhiều vật tư nông nghiệp bị làm giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng.

Ảnh minh họa: Khánh Huy

Ảnh minh họa: Khánh Huy

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, vật tư ngành nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng đối với ngành nông nghiệp, có ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sức khỏe cũng như tính mạng của con người.

Trên thực tế đang kéo dài một nghịch lý: trong khi nông dân đang nỗ lực tuân thủ các quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP để nông sản đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, thì vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng vẫn được bán phổ biến trên thị trường các vùng nông thôn.

Hiện nay, nạn phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kém chất lượng đã len lỏi khắp các tỉnh, TP, tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khiến nông dân rất lo lắng, hoang mang bởi việc sử dụng các loại sản phẩm chất lượng kém không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, sức khỏe của nhiều người.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, phân bón, thuốc BVTV là loại vật tư không thể thiếu trong sản xuất cây trồng. Mỗi năm, hàng triệu nông dân phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua phân bón, thuốc BVTV mà chính họ không thể xác định đó là giả hay thật. Hậu quả do nạn phân bón giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp.

Song hiện nay, trên thị trường vẫn bày bán tràn lan nhiều loại phân bón giả, thuốc BVTV thuộc danh mục cấm. Nhiều DN lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý, đưa các loại phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vào từng thôn, bản. Việc làm này không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN sản xuất chân chính.

Hơn nữa, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, dù Điều 195 Bộ luật Hình sự đã quy định: sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... có thể bị phạt tiền thấp nhất 100 triệu đồng, cao nhất 1 tỷ đồng hoặc tùy theo tính chất, mức độ, giá trị hàng hóa vi phạm có thể bị phạt tù từ 1 - 20 năm. Pháp nhân vi phạm bị phạt thấp nhất 1 tỷ đồng, cao nhất 15 tỷ đồng; ngoài ra còn bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, ở mức nghiêm trọng không thể khắc phục hậu quả gây ra có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều. Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Ngay cả trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp cũng chưa được quy định rõ ràng, thống nhất trong một văn bản pháp luật cụ thể...

Vật tư nông nghiệp “sốt giá” kéo theo những hệ lụy trên thị trường là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng sẽ gia tăng.

Để siết chặt quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngành nông nghiệp cần phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Khoa học - công nghệ và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn văn bản quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh; nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về sản xuất, kinh doanh cũng như tác hại của việc sản xuất, kinh doanh hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; tăng cường thông tin, tuyên truyền giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm thật - giả, sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…;

Khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh; thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc... không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, nhãn hàng hóa, niêm yết giá; việc thực hiện các quy định về chất lượng hàng hóa, chứng nhận, công bố hợp quy…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ; ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và phân bón nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao; chú trọng hướng dẫn các trang trại chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có (cám, ngô, bã đậu, rau xanh, phụ phẩm nông nghiệp...) thay thế một phần nguồn thức ăn hỗn hợp mua từ thị trường; tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, ngành nông nghiệp cần hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nong-dan-can-tang-cuong-su-dung-che-pham-co-nguon-goc-sinh-hoc-364396.html