Nông sản, thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết

Mặc dù dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung cấp thực phẩm, nhưng nhờ sự chủ động chuẩn bị nguồn hàng để bù đắp nguồn thịt lợn thiếu hụt, các nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Những ngày này, các hộ chăn nuôi gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì) đang tất bật chăm sóc đàn gà chuẩn bị xuất chuồng, phục vụ Tết Nguyên đán. Người chăn nuôi phấn khởi vì gà vừa được giá cao, vừa dễ bán. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở xã Cẩm Lĩnh cho biết: Từ giữa năm 2019 đến nay, thịt gà liên tục được giá, khoảng 90 nghìn đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi. Gia đình chị bán được bốn lứa, với số lượng hơn 3.000 con gà, thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi. Chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, gia đình chị có ba lứa gà có thể xuất chuồng, mỗi lứa cách nhau khoảng 15 ngày, tương đương khoảng 3.000 con. Đến nay, toàn bộ số gà này đã được thương lái đặt trước tiền để giữ nguồn hàng. Với giá bán hơn 110 nghìn đồng/kg, năm nay gia đình chị lãi lớn, có điều kiện để mua sắm hàng Tết và tiếp tục đầu tư phát triển đàn gà thịt.

Theo đại diện Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, giá gà xuống thấp trong dịp đầu năm 2019 khiến không ít hộ chăn nuôi bị thua lỗ, cho nên từ giữa năm đến nay có nhiều hộ không tái đàn. Tổng đàn gà giảm, nhưng nhờ giá cao, người chăn nuôi vẫn có lãi. Khoảng hai, ba tháng nay, nhiều hộ chăn nuôi đã tái đàn, tăng đàn, cộng với một số hộ chăn nuôi lợn chuyển sang chăn nuôi gà, cho nên lượng gà bán ra trong dịp Tết tăng cao. Năm nay dịch tả lợn châu Phi hoành hành, cho nên người chăn nuôi gà rất thận trọng, thực hiện tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn gà cẩn thận. Vì thế, dịch bệnh trên đàn gà rất ít.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, năm 2019, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn cho các hộ, cơ sở chăn nuôi; giá cả thị trường có nhiều biến động, song với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành chức năng, công tác phòng, chống dịch bệnh tốt, cho nên tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định và có chiều hướng phát triển tốt. Dù đàn lợn hiện còn một triệu 140 nghìn con, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số lượng đàn trâu có 24 nghìn con, đàn bò 134.500 con, tăng 1,3%. Gia cầm hơn 40 triệu con, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gà 26,5 triệu con, tăng 17%. Sản lượng thịt trâu, thịt bò hơi xuất chuồng hơn 12 nghìn tấn, tương đương với cùng kỳ; thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 267 nghìn tấn, bằng 80% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng thịt gia cầm đạt hơn 118 nghìn tấn, bằng 122%, sản lượng trứng các loại hơn 2.023 triệu quả, bằng 120% so với cùng kỳ năm trước, phần nào bù đắp sản phẩm thịt lợn thiếu hụt. Đáng chú ý, khoảng hai tháng gần đây, khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế hiệu quả, nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư, nhất là những cơ sở không bị bệnh dịch tấn công đã nắm bắt thời cơ, tăng đàn từ 15% đến 20%, cho nên sản lượng lợn phục vụ Tết còn cao hơn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khống chế, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi đã tái đàn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, dại... không xảy ra dịch lớn, cho nên nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết sẽ ổn định.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng nông sản của thành phố trong hai tháng Tết tăng khoảng 15% so với bình thường. Cụ thể, thịt lợn hơi cần khoảng 44.500 tấn, thịt bò khoảng 12.300 tấn, thịt gà khoảng 14.800 tấn, thủy sản khoảng 11.400 tấn, rau củ hơn 247 nghìn tấn. Ngành nông nghiệp của thành phố đáp ứng được khoảng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người tiêu dùng Thủ đô. Để chủ động nguồn hàng, bảo đảm giá cả ổn định, Sở đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phát triển các chuỗi sản phẩm rau, thịt cho Hà Nội để các doanh nghiệp ký kết hợp đồng cung cấp thực phẩm cho Thủ đô trong dịp Tết.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để đáp ứng nguồn cung cấp thực phẩm trong dịp Tết, bù đắp nguồn thịt lợn thiếu hụt, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố đẩy mạnh phát triển các loại trâu, bò, gia cầm, thủy sản. Đối với mặt hàng rau, toàn thành phố có gần 16 nghìn héc-ta gieo trồng rau các loại, có thể cung cấp từ 50 đến 60 nghìn tấn ra thị trường. Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, Sở phối hợp các ngành, đơn vị theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh để có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Tích cực thực hiện các giải pháp kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất; đồng thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về giết mổ, vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm; tổ chức các chốt kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên sử dụng các thực phẩm thay thế thịt lợn; sử dụng thịt mát, thịt cấp đông, nhằm giảm sức ép cho nguồn cung thịt lợn trong nước, tránh bị thương lái ép giá.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42879802-nong-san-thuc-pham-doi-dao-dap-ung-du-nhu-cau-tieu-thu-trong-dip-tet.html