Nông sản Trung Quốc 'đội lốt' Đà Lạt gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt vẫn còn diễn ra không ít, điều này đã gây nhiều hệ lụy và cần các cơ quan chức năng, địa phương có giải pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt.

Giả mạo thương hiệu nông sản gây thiệt hại lớn

Tại cuộc Tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt” do Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/9, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc gian lận thương mại liên quan đến nông sản của Lâm Đồng như đối với khoai tây, cà rốt và một số sản phẩm khác.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cũng thông tin, thực tế còn tồn tại các vụ việc tranh chấp hoặc nhãn hiệu sản phẩm nông sản của doanh nghiệp bị xâm phạm trên thị trường quốc tế. Ví dụ, cà phê Trung Nguyên, Gạo ST25, Cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc... và các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc sản phẩm từ vùng khác được gắn nhãn mác giả mạo thương hiệu Đà Lạt để lợi dụng uy tín của thương hiệu; hoặc việc có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua sao chép bao bì, nhãn mác, logo của sản phẩm Đà Lạt để bán hàng kém chất lượng nhưng vẫn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng...

Nhuộm đất đỏ biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt. Ảnh: TL

Nhuộm đất đỏ biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt. Ảnh: TL

Trước thực trạng này, TS. Dương Thái Trung - Chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định, việc giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng và giả mạo thương hiệu nông sản gây 3 tác hại lớn.

Khoai tây chủ yếu từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) rồi tập kết tại TP. Bắc Ninh. Sau đó, các thương lái “mượn” địa bàn tỉnh Lâm Đồng để biến thành nông sản mang thương hiệu Đà Lạt mang bán khắp các tỉnh, thành phía Nam.

Theo quy định của pháp luật, đây là hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, giả mạo xuất xứ hàng hóa. Những thiệt hại lớn gây ra từ hành vi giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt khiến thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" bị lạm dụng, giả mạo để mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ thương nhân, thương lái.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cuối cùng bị thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, kinh tế do không được dùng sản phẩm có chất lượng, đúng thương hiệu, xuất xứ và chỉ dẫn địa lý của nông sản đã cam kết. Cuối cùng, người trực tiếp sản xuất nông sản không được hưởng đúng giá trị mà mình tạo ra, các loại nông sản giả mạo thương hiệu bị người tiêu dùng phê phán, tẩy chay.

Ngoài ra, do giả mạo nên việc quản lý chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải dành nhiều thời gian và nguồn nhân lực để tăng cường các hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm.

Hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam

Để bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông sản, theo ông Lê Thanh Hòa, các Bộ: NN&PTNT; Công thương, Khoa học và Công nghệ đang tích cực tập trung nguồn lực, triển khai chương trình phối hợp về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, nhằm tuyên truyền, phổ biến dưới hình thức hội thảo, tập huấn...

Đối với các địa phương cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và liên kết giữa người nông sân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản...

Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: TL

Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: TL

Các doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản; có ý thức xây dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho phát triển nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển doanh nghiệp...

Cũng theo đại diện Bộ Công thương, để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, thương hiệu nông sản Việt nói chung trong thời gian tới, trước tiên cần tăng cường quản lý nguồn cung, như quản lý diện tích trồng nông sản, thị trường đầu ra, chất lượng nông sản.

Đối với nguồn cầu, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng để họ nhận biết sản phẩm nông sản Đà Lạt; triển khai các giải pháp để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt bởi chi phí sản xuất cao dẫn tới giá nông sản Đà Lạt cao hơn nông sản nhập ngoại; chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc nông sản để người tiêu dùng dễ dàng kiểm chứng, nhận diện nông sản Đà Lạt...

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nông sản để kịp thời phát hiện các hành vi giả mạo thương hiệu và có biện pháp xử lý nghiêm.

Việt Nam vừa đón nhận một tin vui lớn là xuất khẩu rau củ trong tháng 9/2024 tăng trưởng vượt bậc, với giá trị đạt được hơn 920 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 9 năm nay, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ nước ta đã đạt mức 5,6 tỷ USD, bằng tổng giá trị xuất khẩu toàn năm 2023. Đây là mức tăng trưởng có thể nói là chưa từng thấy trước đó.

Nguyên Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nong-san-trung-quoc-doi-lot-da-lat-gay-thiet-hai-lon-cho-doanh-nghiep-va-nguoi-tieu-dung-160388.html