Nước Mỹ và mối đe dọa...

Chiến lược chống khủng bố quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khẳng định rằng nước Mỹ 'từ lâu đã phải đối mặt với một mối đe dọa an ninh dai dẳng từ những kẻ khủng bố ở ngay trong nước, những kẻ không phải bị thúc đẩy bởi tư tưởng Hồi giáo cực đoan mà thay vào đó bị thúc đẩy hành động bởi những hình thức khác của chủ nghĩa cực đoan bạo lực'. Những vụ tấn công kinh hoàng trong ít ngày qua đang cho thấy chiến lược này đã xác định đúng vấn đề của nước Mỹ.

Hôm 3-8 vừa qua, một thanh niên da trắng 21 tuổi đã xả súng và cướp đi sinh mạng của 20 người ở một siêu thị Walmart tại El Paso, bang Texas. Lực lượng cảnh sát cho rằng, vài phút trước khi diễn ra vụ tấn công, thủ phạm đã đăng một “bản tuyên bố” trên trang 8chan - một trang mạng thường có những bài viết phân biệt chủng tộc - bày tỏ quan điểm ủng hộ kẻ khủng bố đã xả súng tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, hồi tháng 3 vừa qua, khiến 50 người thiệt mạng. Điều đáng chú ý là kẻ khủng bố trong vụ tấn công ở Christchurch cũng đã đăng tải một bài viết trên trang 8chan ngay trước khi thực hiện các vụ tấn công nhằm vào 2 nhà thờ Hồi giáo.

"Bản tuyên bố" dài 4 trang được đăng tải gần đây nhất trên trang 8chan đã lấy “việc người Mỹ Latinh xâm chiếm bang Texas” là lý do để thực hiện một vụ tấn công khủng bố ở El Paso. Tổng thống Trump cũng đã coi việc người nhập cư tiến vào nước Mỹ qua biên giới phía Nam là một cuộc “xâm lược”. Tuy nhiên, người viết bản tuyên bố nói trên cho rằng những quan điểm của hắn về người nhập cư có từ trước khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Đông đảo người dân Mỹ đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở El Paso. Ảnh tư liệu

Đông đảo người dân Mỹ đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở El Paso. Ảnh tư liệu

Theo công tố viên của quận Tây Texas, vụ xả súng ở El Paso, được nhà chức trách liên bang xem là một vụ khủng bố trong nước, là một lời nhắc nhở về "lịch sử" kéo dài này, và đặc biệt là mối đe dọa mà nó gây ra hiện nay.

Để ngăn chặn các vụ tấn công sau này, Mỹ phải mở rộng công tác thi hành pháp luật để chống lại chủ nghĩa khủng bố cánh hữu, và Tổng thống Donald Trump phải thừa nhận rằng mối đe dọa do những kẻ khủng bố cánh hữu gây ra cũng không kém phần nghiêm trọng so với những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ông Trump cũng nên tận dụng vai trò Tổng thống của mình để tấn công nền tảng ý thức hệ của chủ nghĩa bạo lực cánh hữu thay vì “đổ thêm dầu vào lửa”.

Nếu như công cuộc điều tra có thể chứng minh rằng vụ tấn công ở El Paso do một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc da trắng gây ra, thì đây sẽ là cuộc tấn công khác xa với các cuộc tấn công gây chết người của những kẻ cực hữu trong những năm gần đây. Theo một nghiên cứu của New America, kể từ sự kiện 11-9, những kẻ khủng bố có hệ tư tưởng cực hữu - bao gồm tư tưởng người da trắng thượng đẳng, chống đối chính quyền và phản đối việc nạo phá thai - đã cướp đi sinh mạng của 107 người ở Mỹ. Trong khi đó, những tay súng Hồi giáo cực đoan đã sát hại 104 người ở Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001.

Nói cách khác, tại Mỹ trong 18 năm qua, số người thiệt mạng trong các vụ tấn công của những kẻ khủng bố cực hữu cũng ngang bằng với số người thiệt mạng trong các vụ tấn công của những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Ngoài ra, theo số liệu của New America, số nạn nhân trong phần lớn các vụ tấn công của những kẻ khủng bố cực hữu kể từ sau vụ 11-9 tương đối ít. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, các phần tử khủng bố theo hệ tư tưởng cực hữu đã thực hiện những vụ tấn công gây nhiều thương vong. Và nếu xác thực được rằng vụ xả súng ở El Paso xuất phát từ tư tưởng cực hữu, thì đây sẽ là vụ tấn công khủng bố tàn khốc nhất của một kẻ theo tư tưởng cực hữu kể từ sau sự kiện 11-9.

Trong một loạt phạm trù về ý thức hệ và lòng tin, bạo lực khủng bố đang gia tăng ở Mỹ. Ví dụ như những kẻ khủng bố có tư tưởng căm ghét phụ nữ đã cướp đi sinh mạng của 8 người ở Mỹ trong những năm gần đây. Năm 2014, một tay súng đã giết chết 6 người ở Isla Vista, bang California, vì căm ghét phụ nữ. Năm 2018, cũng với lí do như vậy, một người đàn ông đã bắn chết 2 người phụ nữ tại một phòng tập yoga ở Tallahassee, bang Florida. Tương tự, các cá nhân ủng hộ chủ nghĩa dân tộc da đen đã giết chết 8 người ở Mỹ trong vòng 3 năm qua.

Trong khi đó, kể từ vụ khủng bố ngày 11-9, không có một tổ chức khủng bố nước ngoài nào tấn công nước Mỹ. Tất cả những thủ phạm trong 13 vụ tấn công đẫm máu của những phần tử Hồi giáo cực đoan, khiến 104 người thiệt mạng tại Mỹ kể từ sau vụ 11-9, đều là công dân Mỹ hoặc người định cư hợp pháp.

Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn không nhận ra bản chất thực sự của mối đe dọa khủng bố ở Mỹ. Chính quyền đối phó với chủ nghĩa khủng bố bằng lệnh cấm nhập cảnh từ phần lớn các nước Hồi giáo, và điều đó đã không thể ngăn chặn bất kì một vụ tấn công đẫm máu nào kể từ sau sự kiện 11-9.

Cơ quan thi hành pháp luật hiện đang điều tra về những mối đe dọa khủng bố cực hữu. Theo ông Christopher Gray - Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), trong năm nay đã có khoảng 100 vụ bắt giữ liên quan tới chủ nghĩa khủng bố ở trong nước.

Chính vì thế, ngày 4-8, 6 cựu quan chức chống khủng bố hàng đầu của Mỹ từng làm việc dưới thời Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump đã đưa ra một tuyên bố, trong đó nhấn mạnh rằng còn nhiều việc cần phải làm và kêu gọi Chính phủ Mỹ coi việc đối phó với hình thức chủ nghĩa khủng bố này là một ưu tiên cao tương tự như ưu tiên đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế kể từ sau sự kiện 11-9….

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nuoc-my-va-moi-de-doa-158138.html