Ông bố Trung Quốc bắt con chơi đủ 2 tiếng mới cho làm bài tập

Với phương châm 'chơi đủ rồi mới học', ông bố ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, yêu cầu con chơi ngoài trời đủ 2 tiếng trước khi làm bài tập về nhà.

Trong môi trường giáo dục cạnh tranh như ở Trung Quốc, cách làm của Luo Ge Yuan (Hồ Nam, Trung Quốc) ngược lại xu hướng chung.

Trước mắt, yêu cầu con trai chơi đủ 2 tiếng ngoài trời mới học bài của Lou gây ra luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người ủng hộ vì cho rằng trẻ cần học trong khi giáo viên con trai Lou lại đau đầu vì cậu bé thường xuyên không hoàn thành bài tập về nhà.

 Luo Ge Yuan cho con trai hoạt động ngoài trời nhiều để phát triển thể chất, tinh thần. Ảnh: CCTV.

Luo Ge Yuan cho con trai hoạt động ngoài trời nhiều để phát triển thể chất, tinh thần. Ảnh: CCTV.

Hoạt động ngoài trời đủ 2 tiếng rồi mới làm bài tập

Theo CCTV, Luo Ge Yuan trước đây là một lập trình viên. Vợ anh hiện tại đang làm việc trong một bệnh viện. Cả 2 vợ chồng đều rất bận rộn với công việc của mình, hầu như không có thời gian dành cho con cái.

Khi con trai được 2 tuổi, để có nhiều thời gian bên cạnh và chăm sóc con, Luo từ bỏ công việc nhiều người mơ ước. Sau đó, Luo tham gia thi chứng chỉ đào tạo các môn thể thao như bơi lội, leo núi và trở thành một huấn luyện viên thể thao ngoài trời. Phương pháp giáo dục của Luo đối với con trai rất đặc biệt.

“Khi con bắt đầu đi học tiểu học, để rèn luyện thể lực lực và nâng cao sức khỏe cho con, tôi đã yêu cầu con cần phải vui chơi đủ 2 tiếng mỗi ngày rồi mới học bài”, Luo cho biết.

Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, Luo đều đưa con trai, tên Han, đến công viên gần nhà để trải nghiệm các hoạt động ngoài trời. Năm 4 tuổi, Han đã có thể lặn dưới mực nước sâu khoảng 3 m. Lên 8 tuổi, cậu bé nhận chứng nhận kỹ năng của Hiệp hội chèo thuyền Mỹ ACA.

Năm 11 tuổi, Han nắm vững và thành thạo các kỹ năng như chèo thuyền, trèo cây, leo núi mà không phải người lớn nào cũng có thể thực hiện được.

Quan điểm giáo dục của Luo là trước khi muốn con trở thành người có ích cho xã hội, phải dạy con cách tự chăm sóc bản thân, rèn luyện cho con sức khỏe và tinh thần khỏe mạnh. Là một huấn luyện viên chuyên nghiệp, Luo luôn đồng hành và theo sát các hoạt động của con để bồi dưỡng tài năng cho con.

Luo chia sẻ sau khi kết thúc thời gian hoạt động ngoài trời, anh sẽ đưa con trai về nhà để hoàn thành các bài tập trên lớp hoặc đọc sách. Luo cũng không cho phép con trai dành nhiều thời gian vào việc xem TV hay sử dụng các thiết bị điện tử, đảm bảo con được ngủ 10 tiếng mỗi ngày.

Phương pháp giáo dục đặc biệt của người cha này nhận được nhiều lời khen ngợi từ cư dân mạng. Nhưng bên cạnh đó, anh cũng đối mặt với không ít ý kiến trái chiều.

Một bộ phận cho rằng trẻ em nên được trải qua tuổi thơ trọn vẹn thông qua việc vui chơi ngoài trời. Một số người khác lại cho rằng, cách giáo dục như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập của trẻ, khiến trẻ khó hòa nhập với môi trường trong nhà trường.

Cách giáo dục của Luo quả thực khiến nhà trường cảm thấy không hài lòng. Theo giáo viên, nhiều lúc, Han không hoàn thành hết bài tập về nhà. Điểm các môn văn hóa của cậu bé cũng tương đối thấp so với các bạn trong lớp. Ngoài ra, việc xin nghỉ học thường xuyên ảnh hưởng đến nề nếp giảng dạy của nhà trường.

Phó hiệu trưởng ngôi trường mà Han đang theo học cho biết nhà trường rất ủng hộ quan điểm giáo dục của phụ huynh nhưng với điều kiện quan điểm đó không mâu thuẫn với phương pháp của nhà trường. Đối với học sinh, việc học nên được ưu tiên và trẻ cần duy trì thái độ học tập tích cực.

“Mục đích tôi cho con đi học không phải là để giành điểm cao trong các kỳ thi mà là làm phong phú thêm cuộc sống của con. Tôi muốn cung cấp cho con kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Con trai tôi là một đứa trẻ ham học hỏi, con chỉ không thực sự hứng thú với những nội dung được dạy ở trường”, Luo chia sẻ.

 Nhiều học sinh ở Trung Quốc đối mặt với áp lực học hành nặng nề, thậm chí ngủ không đủ giấc. Ảnh: Sohu.

Nhiều học sinh ở Trung Quốc đối mặt với áp lực học hành nặng nề, thậm chí ngủ không đủ giấc. Ảnh: Sohu.

Gánh nặng khổng lồ của học sinh Trung Quốc

Chương trình học nặng nề về mặt kiến thức đối với học sinh tiểu học là một vấn đề nhức nhối của xã hội Trung Quốc suốt những năm qua.

Đa số học sinh tiểu học của Trung Quốc không được ngủ đủ 10 tiếng mỗi ngày, hầu như không có thời gian dành cho các hoạt động vui chơi ngoài trời. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về sức khỏe, tinh thần của trẻ em.

Nhiều ý kiến cho rằng bài tập về nhà quá nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Để giảm tải gánh nặng cho học sinh tiểu học, Bộ Giáo dục Trung Quốc nhiều lần ban hành các chính sách cải cách, thậm chí quy định rõ thời gian học sinh làm bài tập về nhà không được vượt quá một tiếng/ngày.

Tuy nhiên, chính sách này không mang lại hiệu quả rõ rệt. Nguyên nhân cơ bản tạo nên gánh nặng học tập cho học sinh tiểu học là khuynh hướng giáo dục “học để thi”, coi trọng điểm số đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Trung Quốc.

Mỗi năm, chỉ khoảng 50% học sinh THCS trúng tuyển trường THPT, số lượng học sinh được học tại các trường trọng điểm càng ít ỏi. Trong hàng triệu học sinh tham gia kỳ thi đại học mỗi năm, chỉ chưa đến 10% được nhận vào các trường đại học chất lượng cao.

Số lượng học sinh quá đông trong khi tài nguyên và cơ sở vật chất có hạn khiến mức độ cạnh tranh trong việc thi cử ở Trung Quốc rất khốc liệt. Để giành được một chỗ đứng trong số 10% đó, học sinh Trung Quốc bắt buộc phải nỗ lực học tập ngay từ khi còn nhỏ.

Do đó, nhà trường tiến hành giảm bớt bài tập về nhà cho học sinh nhưng không có cách nào kiểm soát việc phụ huynh giao thêm bài tập hoặc đăng ký các lớp học thêm ngoài giờ.

Điều này khiến thời gian biểu của học sinh không còn chỗ dành cho hoạt động rèn luyện thân thể, vui chơi giải trí, đẩy những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi vào trạng thái mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-bo-trung-quoc-bat-con-choi-du-2-tieng-moi-cho-lam-bai-tap-post1328165.html