Ông Kim Jong Un thị sát thử tên lửa, gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ - Hàn

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên ngày 21/8 đưa tin, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát vụ thử tên lửa hành trình chiến lược trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động cuộc tập trận lớn thường niên – vốn bị Triều Tiên coi là cuộc diễn tập xâm lược.

Tên lửa Triều Tiên vẫn là mối đe dọa thực sự

Thông báo của Triều Tiên về các vụ thử tên lửa được đưa ra 3 ngày sau khi các nhà lãnh đạo của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên, nhất trí tăng cường hợp tác tăng cường năng lực của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo để chống lại các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên.

Ông Kim Jong Un thị sát thử tên lửa. Ảnh: KCNA.

Ông Kim Jong Un thị sát thử tên lửa. Ảnh: KCNA.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, trong chuyến thị sát một hạm đội (ngày giờ không được xác định), ông Kim đã lên một tàu tuần tra để kiểm tra vũ khí và công tác chuẩn bị chiến đấu. Theo KCNA, ông Kim sau đó đã chứng kiến các thủy thủ tiến hành một cuộc tập trận phóng tên lửa hành trình "chiến lược" –ám chỉ vũ khí được phát triển để mang đầu đạn hạt nhân.

Bức ảnh do KCNA đăng tải cho thấy ông Kim Jong Un đang quan sát một tên lửa rời bệ phóng từ một con tàu khác ở gần đó. KCNA cho biết các tên lửa đã bắn trúng các mục tiêu được chỉ định mà không gặp bất kỳ sai sót nào, thể hiện khả năng sẵn sàng tấn công của con tàu. Ông Kim kêu gọi các thủy thủ xây dựng "sức mạnh tư tưởng và tinh thần", và rằng điều đó quan trọng hơn ưu thế về số lượng hoặc kỹ thuật của vũ khí.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc trong một tuyên bố nói rằng thông tin của Triều Tiên về các vụ thử tên lửa hành trình của nước này có "sự phóng đại" và "không phù hợp với thực tế"; đồng thời khẳng định quân đội Hàn Quốc sẽ duy trì sự sẵn sàng dựa trên khả năng đánh bại hoàn toàn các hành động khiêu khích tiềm ẩn của Triều Tiên.

Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, cho biết: "Tên lửa hành trình hải quân của Triều Tiên có thể bị tụt hậu về mặt công nghệ nhưng vẫn là một mối đe dọa thực sự".

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo nhưng không cấm nước này thử nghiệm tên lửa hành trình, và loại tên lửa này trên thực tế vẫn gây ra các mối đe dọa vì chúng bay ở độ cao thấp hơn nên có thể tránh bị radar phát hiện.

Nhiều người cho rằng Triều Tiên sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí để phản ứng với cuộc tập trận thường niên Lá chắn Tự do Ulchi giữa Mỹ và Hàn Quốc, diễn ra từ ngày 21 đến 31/8.

Cuộc tập trận thường niên Lá chắn Tự do Ulchi (UFS), dựa trên kịch bản chiến tranh tổng lực, đã bắt đầu từ hôm nay 21/8. Cuộc tập trận kéo dài 11 ngày với nhiều nội dung khác nhau như diễn tập chỉ huy mô phỏng trên máy tính, huấn luyện thực địa và diễn tập phòng thủ dân sự Ulchi.

Theo một quan chức của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), khoảng 30 hoạt động huấn luyện thực địa của các đồng minh dự kiến diễn ra trong cuộc tập trận UFS năm nay, nhiều hơn so với 25 hoạt động trong cuộc tập trận Lá chắn Tự do vào mùa xuân và 13 hoạt động trong tập trận UFS năm ngoái.

Triều Tiên từ lâu đã cáo buộc các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc là động thái chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào nước này. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un gần đây kêu gọi "tăng cường mạnh mẽ" năng lực sản xuất tên lửa của Triều Tiên và sẵn sàng cho chiến tranh.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ còn gia tăng?

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên đã thực hiện hơn 100 vụ thử vũ khí, một số trong số đó liên quan đến tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được thiết kế có tầm bắn vươn đến lãnh thổ Mỹ. Để đáp trả, Mỹ cùng với Hàn Quốc và các đồng minh đã mở rộng các cuộc tập trận huấn luyện thường xuyên của họ để đáp trả.

Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật – Hàn vừa qua tại Trại David cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết họ dự định đưa hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo thời gian thực tên lửa Triều Tiên vào hoạt động kể từ cuối năm nay và sẽ tổ chức các cuộc tập trận ba bên hàng năm.

Ba nhà lãnh đạo cũng tuyên bố thành lập một nhóm làm việc để tăng cường hợp tác nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh mạng của Triều Tiên và ngăn chặn việc nước này trốn tránh các lệnh trừng phạt trên không gian mạng. Ông Biden cho biết, 3 nước cũng sẽ thiết lập một đường dây nóng để thảo luận về các phản ứng trước các mối đe dọa.

Phản ứng trước các động thái mới này, Triều Tiên nhấn mạnh, chính các nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang buộc nước này phải củng cố năng lực quân sự của chính mình.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm 17/8 thông tin với các nhà lập pháp tại Quốc hội nước này rằng Triều Tiên đang thực hiện các bước cần thiết để phóng tên lửa tầm xa và nỗ lực đưa một vệ tinh do thám vào quỹ đạo. Nỗ lực phóng vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên hồi tháng 5/2023 đã thất bại.

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Nguồn: AP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-kim-jong-un-thi-sat-thu-ten-lua-gui-thong-diep-cung-ran-toi-my-han-post1040739.vov