Phát hiện bão Mặt Trời từ 'lửa trại' ở góc ảnh cận nhất trong lịch sử

Năm 2022, Mặt Trời sẽ còn được chụp ở khoảng cách gần hơn cả vị trí của Sao Thủy.

Bức ảnh gần bề mặt Mặt Trời nhất vừa được chụp Hình ảnh này được gửi về từ tàu vũ trụ Solar Orbiter. Nó cho thấy bề mặt của Mặt Trời xuất hiện nhiều đám cháy nhỏ.

Trong báo cáo từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA, vệ tinh quỹ đạo Mặt Trời Solar Orbiter, một dự án hợp tác giữa ESA và NASA đã ghi lại được những hình ảnh từ khoảng cách gần nhất từ trước đến nay với Mặt Trời.

Nhiều hoạt động của Mặt Trời, nhờ có dữ liệu của vệ tinh Solar Orbiter đã giúp các nhà khoa học quan sát kỹ lưỡng hơn. Ảnh: ESA & NASA.

Được phóng vào vũ trụ từ tháng 2/2020, Solar Orbiter trang bị 10 thiết bị khác nhau, bao gồm 6 kính viễn vọng hướng về phía “quả cầu lửa” phục vụ chức năng đo bước sóng và 4 thiết bị theo dõi môi trường xung quanh vệ tinh.

Những dữ liệu mới nhất được vệ tinh thu lại được từ tháng 6 tại khoảng cách 75 triệu km so với Mặt Trời, tương đương một nửa quãng đường di chuyển từ Mặt Trời tới Trái Đất. Đầu năm 2022, Solar Orbiter sẽ tiếp tục nhận nhiệm vụ di chuyển gần hơn, ở quỹ đạo chỉ cách dưới 48 triệu km.

Theo Technology Review, trong những hình ảnh được chụp bởi Solar Orbiter, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều cơn bão phát ra từ Mặt Trời. Đặc biệt, những tia lửa Mặt Trời (Solar Flare) trông giống như đám lửa trại trên bề mặt khi được quan sát ở vị trí gần.

“Trước đây, chúng tôi không thể chiêm ngưỡng chúng một cách chính xác, cơ hội này thực sự là một điều thú vị”, ông David Long, nhà nghiên cứu chính của hệ thống ảnh tia cực tím EUJ trên vệ tinh.

Với 6 kính viễn vọng quan sát, Solar Orbiter có thể thu lại được nhiều thể trạng khác nhau của Mặt Trời. Ảnh: ESA & NASA.

Một trong những câu hỏi chưa thể giải đáp khiến các nhà khoa học bối rối là vì sao bầu khí quyển Mặt Trời với sức nóng lên đến hơn 1 triệu độ C lại nóng hơn bề mặt của chính nó ( chỉ khoảng 5,500 độ C). Nhờ sự trợ giúp của những dữ liệu mới , các nhà khoa học đã có thể tìm ra lời giải đáp là do sự giải phóng năng lượng không khí đã đẩy nhiệt độ khí quyển tăng lên.

Bên cạnh việc cung cấp các kiến thức mới về tính chất vật lý của Mặt Trời, vệ tinh Solar Orbiter còn giúp các nhà khoa học hiểu về thời tiết trong không gian, hoặc sự luân chuyển của các hạt điện tích tạo ra từ năng lượng Mặt Trời bị đẩy vào trong không gian. Tuy từ trường Trái Đất có thể bảo vệ chúng ta khỏi các hạt này, nhưng thời tiết khắc nghiệt ngoài không gian có thể “nướng” bất kỳ thiết bị điện tử nào.

Thông qua việc hiểu thêm về cách từ trường Mặt Trời tương tác với các vùng hoạt động của nó để tạo ra những ngọn lửa hay bão Mặt Trời, chúng ta có thể học cách dự đoán các sự kiện thời tiết trong không gian để có thể tự bảo vệ mình.

Hiện tại, vệ tinh đang trong hành trình di chuyển ra xa Trái Đất Đây về phía sau Mặt Trời, vì vậy kính viễn vọng của Solar Orbiter sẽ không thể tiếp tục quan sát cho đến tháng 11/2021. Tuy nhiên đây vẫn là thời điểm tốt để quan sát ngôi sao này.

Chu kỳ Mặt Trời mới chỉ bắt đầu hoặc sẽ bắt đầu vào cuối năm 2020, và vệ tinh Solar Orbiter sẽ có nhiệm vụ cung cấp những dữ liệu mới về các hoạt động của Mặt Trời nhằm đánh giá các tác động của chúng đến con người.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-bao-mat-troi-tu-lua-trai-o-goc-anh-can-nhat-trong-lich-su-post1108173.html