Phát huy nét đẹp văn hóa gia đình Việt

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội. Những năm qua, công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Qua đó ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

Giáo dục truyền thống hiếu thảo, lễ phép đối với ông, bà là nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình.

“Bữa cơm tri ân” - gắn kết gia đình

Trải qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã tạo dựng nền nếp gia phong như con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung; anh em đoàn kết, thuận hòa... Một trong những nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình Việt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; ở tầm cao hơn, đó là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-tổ tiên chung của toàn dân tộc.

Nhiều năm nay, vào ngày Giỗ Tổ, các gia đình trong tỉnh lại sửa soạn mâm cơm tươm tất dâng cúng tổ tiên và các Vua Hùng. “Bữa cơm tri ân” được toàn tỉnh khuyến khích các gia đình tổ chức, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, tri ân công đức các Vua Hùng, mà còn phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đồng thời là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần, tụ họp, nhắc nhở nhau những giá trị tốt đẹp về gốc rễ, nguồn cội, lòng yêu nước, gắn kết các thành viên trong gia đình. Đây là hoạt động được Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đánh giá cao trong cuộc khảo sát vừa qua.

Từ năm 2018 đến nay, trên cơ sở các chương trình, đề án của Trung ương về công tác gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện thường xuyên, gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các địa phương… qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hết năm 2021, toàn tỉnh có 204 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 821 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 1.036 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 1.404 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Thực hiện các chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế gia đình, toàn tỉnh đã tập trung hỗ trợ các gia đình thông qua nhiều chương trình, dự án nhằm nhân rộng mô hình kinh tế hộ tiên tiến; thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm dần từ 7,09% (năm 2018) xuống còn 3,57% (năm 2021).

Là địa phương tích cực củng cố và phát triển kinh tế hộ gia đình, thị xã Phú Thọ đã ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để ưu tiên phát triển kinh tế hộ. Công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình được đưa vào chương trình, kế hoạch; tiêu chí xây dựng gia đình chuẩn mực “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” vào quy ước, hương ước của từng khu dân cư. Hiện nay, toàn thị xã có trên 5.000 hộ có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên; trên 13.000 hộ có thu nhập ở mức khá và trung bình; trên 90% hộ được công nhận gia đình văn hóa…

Gia đình ông Nguyễn Quang Tạo (xóm Mức, khu 7, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) có truyền thống làm mâm cơm tri ân các Vua Hùng ngày Giỗ Tổ.

Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 410.000 hộ gia đình. Công tác xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo; tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, có sức lan tỏa đến từng gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Ý thức tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa thể hiện qua nhiều phong trào ý nghĩa như: “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Ông, bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Gia đình hiếu học”; “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”…

Việc bình xét, suy tôn các gia đình văn hóa tiêu biểu tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Phòng, chống tội phạm ma túy”… Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp… góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, tỉ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh chiếm gần 90%.

Chủ đề Ngày gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 là: “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”. Có thế thấy, công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do tác động mặt trái của kinh tế thị trường ngày nay khó tránh khỏi những mâu thuẫn xảy ra trong mỗi gia đình, nếu công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhận thức về bình đẳng giới của mỗi cá nhân, mỗi gia đình không thực sự được nâng cao thì tình trạng bạo lực gia đình vẫn có thể xảy ra.

Từ năm 2018 đến hết năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 584 vụ bạo lực gia đình tại 542 hộ. Người gây bạo lực gia đình ở nhiều độ tuổi, cá biệt có 10 trường hợp dưới 16 tuổi và 51 người từ đủ 60 tuổi trở lên.

Để công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục đạt hiệu quả cao, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, theo ông Nguyễn Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Giáo dục những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình hỗ trợ gia đình có hiệu quả; ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa xấu bên ngoài tác động vào gia đình. Tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lồng ghép công tác gia đình với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân; tăng cường hỗ trợ thực hiện các chức năng của gia đình; tiến hành các giải pháp can thiệp nhằm giảm các yếu tố rủi ro đối với gia đình; xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính thai nhi; phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các gia đình…

Trước hết, để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là “tế bào” lành mạnh của xã hội, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/phat-huy-net-dep-van-hoa-gia-dinh-viet/185137.htm