Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ thúc đẩy những ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ tại Hội nghị cấp cao lần thứ 18

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, việc Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 tại Tunisia thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Pháp)

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Pháp)

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Tunisia Kais Saied, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 được tổ chức tại Djerba, Tunisia từ ngày 19-21/11; làm việc và gặp gỡ với cộng đồng người Việt Nam tại Pháp từ ngày 21-22/11.

Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã nêu bật ý nghĩa chuyến đi của Phó Chủ tịch nước và sự đóng góp, nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ của Việt Nam trong những năm qua.

Chủ đề của Hội nghị cấp cao (HNCC) Pháp ngữ lần thứ 18 là “Kết nối trong đa dạng: kỹ thuật số, yếu tố thúc đẩy và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ”. Xin Đại sứ phân tích ý nghĩa của chủ đề này đặt trong bối cảnh hiện nay?

HNCC 18 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến từng các quốc gia thành viên cũng như cách thức, tổ chức hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ sau hai năm chịu tác động của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, công nghệ số, các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội trong quản trị quốc gia và toàn cầu đang trở thành một tất yếu khách quan, một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân. Thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 là một trong những cuộc cách mạng quan trọng của loài người, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các nước bứt phá, thích ứng thành công.

Với đặc thù là tổ chức quy tụ số lượng lớn các quốc gia hiện diện trên cả 5 châu lục, yếu tố khoảng cách hơn bao giờ hết được đặt vào trung tâm của mọi tư duy và hành động của Cộng đồng Pháp ngữ. Việc rút ngắn khoảng cách, tạo cơ hội cho tất cả các nước vươn lên, phát triển đồng đều và bền vững là những bài toán được Cộng đồng Pháp ngữ ưu tiên thúc đẩy.

Chủ đề của HNCC 18 năm nay đã thể hiện phần nào những thách thức và cơ hội đang đặt ra cho Cộng đồng Pháp ngữ, đó là thích nghi tốt nhất với tình hình mới và phát huy vai trò của Pháp ngữ trên thế giới vì lợi ích chung của Cộng đồng.

Việc Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự trực tiếp HNCC Pháp ngữ năm nay diễn ra tại đảo Djerba ở miền Đông Tunisia có ý nghĩa gì?

Việc Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các HNCC Pháp ngữ thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ. Trong chuyến thăm chính thức Pháp tháng 11/201, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi hội kiến và trao đổi sâu rộng với bà Tổng Thư ký OIF về hợp tác hai bên.

Chuyến đi nhằm triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; khẳng định cam kết ở cấp cao của Việt Nam là một thành viên đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào sự phát triển của Cộng đồng.

Có thể nói, với những hoạt động hợp tác chặt chẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cùng sự lớn mạnh không ngừng của Cộng đồng Pháp ngữ, với tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, Việt Nam đang nỗ lực góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình dương, sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ Cộng đồng Pháp ngữ và ASEAN, qua đó nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Tranh thủ sự quan tâm của Pháp ngữ đối với các vấn đề tại khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, Việt Nam sẽ tiếp tục vận động và thúc đẩy Pháp ngữ đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), ủng hộ duy trì an ninh, tự do hàng hải và nỗ lực của các bên nhằm đưa Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Trên cơ sở nền tảng vững chắc mà hai bên cùng vun đắp, Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, bền vững trong thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp hội đàm với Tổng Thư ký Cộng đồng Pháp ngữ Louise Mushikiwabo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp hội đàm với Tổng Thư ký Cộng đồng Pháp ngữ Louise Mushikiwabo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ hãy chia sẻ một số chương trình dự kiến mà Phó Chủ tịch nước sẽ tham gia đóng góp tại Hội nghị?

Kể từ khi bà Louise Mushikiwabo được bầu làm Tổng thư ký Cộng đồng Pháp ngữ (tháng 11/2018), các nội dung ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ và cũng được bà Tổng thư ký chú trọng, bao gồm thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp, kinh tế số, hợp tác kinh tế, đề cao vai trò của phụ nữ và thanh niên, bình đẳng giới. Đây cũng là những nội dung ta đặc biệt quan tâm và ưu tiên thúc đẩy khi tham gia Cộng đồng Pháp ngữ.

Trên tinh thần thành viên tích cực và trách nhiệm, Phó Chủ tịch nước sẽ tham gia và đóng góp thiết thực vào các nội dung nêu trên, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo môi trường hoạt động kinh doanh, hợp tác kinh tế quốc tế và triển khai không gian kinh tế Pháp ngữ.

Nội dung về số, bao gồm cả nền kinh tế số và chuyển đổi số, cũng là một nội dung mà Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển, cũng như mong muốn học tập những thực hành tốt từ các nước phát triển hơn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như hạ tầng về số của Việt Nam, nhằm đảm bảo sự phát triển bao trùm và bền vững.

Việt Nam cũng hoàn toàn chia sẻ những ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ đối với giới trẻ và phụ nữ. Đây là những nhóm đối tượng yếu thế hơn và cần nhận được sự quan tâm lớn hơn nữa của cộng đồng quốc tế, nhằm bảo đảm cho thành công của các chính sách xã hội và sự phát triển đồng đều, bền vững.

Trong những năm qua, Việt Nam chúng ta đã tham gia đóng góp như thế nào tại Cộng đồng Pháp ngữ?

Là thành viên của Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT) - tiền thân của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) từ năm 1979, từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp ngữ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định trong Cộng đồng Pháp ngữ, trong những năm qua, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục - đào tạo,...

Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành đầu tàu của Cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. HNCC lần thứ 7 tại Hà Nội năm 1997 là Hội nghị đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Pháp ngữ tại châu Á, là sự kiện mang tính bước ngoặt, mở ra một giai đoạn phát triển mới, góp phần hoàn thiện thể chế cũng như định hướng phát triển của cộng đồng Pháp ngữ.

Đặc biệt, Hà Nội là nơi đặt trụ sở Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OIF và Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF) từ đầu những năm 1990. Trung tâm đào tạo Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương được đặt tại Tp. Hồ Chí Minh.

Các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Huế là thành viên chính thức của Hiệp hội quốc tế các thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF). Trong đó Huế và AIMF đã triển khai nhiều dự án về cải thiện môi trường, giáo dục, văn hóa, phúc lợi xã hội trên địa bàn thành phố.

Trong lĩnh vực chính trị - an ninh, bên cạnh sự ủng hộ của Pháp ngữ đối với tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, khối Pháp ngữ hỗ trợ đào tạo chuyên môn và tiếng Pháp cho một số sĩ quan của ta tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Hiện ta đang triển khai binh sĩ gìn giữ hòa bình tại Trung Phi và đang xem xét, nghiên cứu triển khai tại Mali. OIF cũng đang lên kế hoạch thúc đẩy hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và tái thiết của Việt Nam đối với 3 nước hay gặp bất ổn trong Pháp ngữ.

Từ tháng 3/2019, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban kinh tế Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF). Tháng 9/2020,

Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện Văn phòng Pháp ngữ tại khu vực Tây Phi, là người châu Á đầu tiên đứng đầu một văn phòng khu vực của OIF. Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) nhiệm kỳ 2019-2021.

Tháng 9/2021, GS-TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, được bầu vào Hội đồng quản trị AUF, một trong 18 thành viên đại diện cho 10 nhóm khu vực các trường đại học có sử dụng một phần hoặc toàn phần tiếng Pháp.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Pháp ngữ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ hồi tháng 3. (Ảnh: Quang Hòa)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Pháp ngữ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ hồi tháng 3. (Ảnh: Quang Hòa)

Trong lĩnh vực kinh tế, từ năm 2019, Viện Pháp ngữ Quốc tế (IFI) hàng năm tổ chức Diễn đàn Franconomics, hoạt động quốc tế quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và giới đầu tư Pháp ngữ nhằm đối thoại, trao đổi về các vấn đề kinh tế - xã hội quốc tế.

Với sự hỗ trợ và phối hợp của OIF, một số hội thảo quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi đã được tổ chức, gần đây nhất là Hội thảo quốc tế về hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi (9/2021).

Từ tháng 9/2020 đến nay, OIF triển khai dự án thí điểm hợp tác phi tập trung nhằm hỗ trợ thanh niên và phụ nữ trong sản xuất lúa gạo, sắn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Đồng Tháp.

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3 vừa qua, Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo dẫn đầu đoàn gồm hơn 90 doanh nghiệp từ các nước Pháp ngữ sang Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm-dịch vụ số và năng lượng tái tạo.

Việt Nam là nước đầu tiên được đoàn doanh nghiệp Pháp ngữ đến thăm thể hiện sự coi trọng đặc biệt của cộng đồng đối với vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có quan hệ hợp tác kinh tế song phương chặt chẽ với nhiều quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ. Nhiều quốc gia Pháp ngữ ở châu Phi đang trở thành đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ luôn ổn định và ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn. Bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các thành viên OIF đã tăng ấn tượng, với kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 32,95 tỷ USD trong năm 2021.

Coi Việt Nam là tấm gương thành công trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, các nước mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam. Ngoài ra, thông qua Pháp ngữ, Việt Nam đã và đang thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Liên minh châu Phi (AU).

Khách quốc tế tham quan gian hàng Việt Nam tại Ngày hội Cuối tuần Pháp ngữ 2022 được tổ chức vào ngày 19-20/3 tại làng Yèbles, thuộc tỉnh Seine et Marne, cách thủ đô Paris 60km. (Nguồn: TTXVN)

Khách quốc tế tham quan gian hàng Việt Nam tại Ngày hội Cuối tuần Pháp ngữ 2022 được tổ chức vào ngày 19-20/3 tại làng Yèbles, thuộc tỉnh Seine et Marne, cách thủ đô Paris 60km. (Nguồn: TTXVN)

Vậy những phương hướng hợp tác mà Việt Nam-Pháp ngữ sẽ hướng đến trong thời gian tới là gì, thưa Đại sứ?

Việt Nam là thành viên luôn chủ trương thúc đẩy mảng hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực hoạt động của Pháp ngữ kể từ khi ta đăng cai HNCC lần thứ 7 vào năm 1997. Cũng cần nhấn mạnh Việt Nam chính là nước điều phối xây dựng Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ 2021-2025 trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế CPF.

Khi đón Tổng Thư ký Cộng đồng Pháp ngữ dẫn đầu đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ đầu tiên tới Việt Nam tháng 3/2022, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và coi đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ.

Bên cạnh những gắn kết chặt chẽ về chính trị, văn hóa, xã hội, hợp tác kinh tế nội khối Pháp ngữ được xác định là trọng tâm thúc đẩy của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ, nhất là trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực phục hồi kinh tế trước các tác động đa chiều của tình hình quốc tế.

Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được của đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ, hai bên sẽ nỗ lực xây dựng kế hoạch cụ thể để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Pháp ngữ, đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ lên mức cao hơn trước.

Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), có FTA với 60 nền kinh tế, trong đó có một số nền kinh tế Pháp ngữ. Đây là điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý để Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt là hợp tác về nông nghiệp, viễn thông và mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác khác với các nước Pháp ngữ, qua đó giúp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng và ta có thế mạnh, đặc biệt là gạo, điều, cà phê, bông, dịch vụ số; góp phần cụ thể hóa chủ trương ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và Đề án Phát triển quan hệ giữa AU và Việt Nam giai đoạn 2020-2025.

Đồng thời, Việt Nam nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước châu Phi. Nhiều nước mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội với Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy và quan trọng, đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, bền vững và đoàn kết, thể hiện rõ nét trong các dự án hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam (như Viettel) tại một số nước Pháp ngữ.

Đối với Pháp, trước đây đã từng triển khai thành công một số dự án hợp tác ba bên giữa Pháp - Việt Nam và một nước châu Phi như dự án trồng lúa tại Mali và Senegal, thúc đẩy hợp tác kinh tế với châu Phi, đặc biệt là các nước châu Phi Pháp ngữ là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp.

Các đối tác Pháp ngữ đánh giá cao kinh nghiệm và khả năng thích nghi của các chuyên gia Việt Nam cũng như ứng xử với người dân bản địa, coi đó là một trong những yếu tố mang lại thành công cho hợp tác. Việc phối hợp tổ chức hằng năm Diễn đàn quốc tế Franconomics cần tiếp tục được phát huy nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi.

Tháng 11/2021 vừa qua, Chiến lược Số Pháp ngữ giai đoạn 2022-2026 đã được thông qua nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các quốc gia thành viên cũng như kết nối nội khối, tăng cường hợp tác. Đây là bước đi cụ thể hóa Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ 2020-2025, là công cụ mới có tính định hướng và tạo khung hợp tác để tiến tới tạo không gian số bao trùm và tiên tiến trong không gian Pháp ngữ.

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế tại OIF, Việt Nam đã tiếp tục dẫn dắt hoàn thành soạn thảo Kế hoạch hành động để triển khai Chiến lược, trong đó tập trung ưu tiên vào 5 nhóm nhiệm vụ chính như sau: giảm thiểu khoảng cách số và cải thiện khả năng tiếp cận số cho người dân trong khối Pháp ngữ; cải thiện năng lực số đối với giới trẻ và phụ nữ; tăng cường chính sách công về số; cải thiện khả năng bao phủ nội dung số Pháp ngữ; và khuyến khích sáng tạo phục vụ con người, phát triển và sử dụng bao trùm các công nghệ số, có trách nhiệm và tôn trọng quyền con người. Một số dự án tiêu biểu của Pháp ngữ như phổ biến kiến thức về số cho thanh thiếu niên và phụ nữ (D-CLIC) đạt được những kết quả thiết thực và cần được nhân rộng.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cùng Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung cắt băng khánh thành Phòng Pháp ngữ tại Học viện Ngoại giao ngày 25/3. (Ảnh: Duy Quang)

Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cùng Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung cắt băng khánh thành Phòng Pháp ngữ tại Học viện Ngoại giao ngày 25/3. (Ảnh: Duy Quang)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pho-chu-tich-nuoc-vo-thi-anh-xuan-se-thuc-day-nhung-uu-tien-cua-cong-dong-phap-ngu-tai-hoi-nghi-cap-cao-lan-thu-18-206348.html