Phụ nữ cần lên tiếng khi bị chồng bạo hành

Vừa qua, Báo Thái Nguyên nhận được phản ánh của một công dân có người nhà trú tại xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) bị chồng bạo hành phải nhập viện để kiểm tra, theo dõi. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên nạn nhân bị chồng bạo hành.

Chị N.T.L (trú tại xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên) bị chồng bạo hành, phải nhập viện theo dõi, điều trị. Trong ảnh: Chị L. được người nhà chăm sóc tại Bệnh viện A Thái Nguyên.

Chị N.T.L (trú tại xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên) bị chồng bạo hành, phải nhập viện theo dõi, điều trị. Trong ảnh: Chị L. được người nhà chăm sóc tại Bệnh viện A Thái Nguyên.

Chúng tôi đến thăm chị N.T.L (sinh năm 1982), trú tại xóm X., xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), khi chị đang được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Thân hình gầy gò, da sạm đen, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má, chị L. chia sẻ: Sáng 22-9, tôi bị chồng là anh V.V.B (sinh năm 1979) túm tóc, dùng tay đánh vào mặt và lấy gậy đánh vào chân, tay đến bầm tím. Tôi sợ vùng đầu, xương bị ảnh hưởng nên đã gọi cho người nhà đưa vào bệnh viện để kiểm tra xem có vấn đề gì không. Rất may, chân tay tôi chỉ bị chấn thương phần mềm, còn vùng đầu vẫn đang được bác sĩ theo dõi thêm.

Cũng theo chia sẻ của chị L, tối hôm trước đó, gia đình làm 2 mâm cơm mời người nhà sang ăn. Lúc ngồi xuống mâm, anh B. thấy thiếu bát nước chấm và bảo chị L. đứng lên lấy. Tuy nhiên, mọi người bảo không cần phải lấy thêm do thức ăn đã được nêm nếm vừa rồi. Sáng hôm sau (22-9), anh B. vẫn nhắc lại chuyện chị L. không chịu đứng dậy lấy 2 bát nước chấm. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại. Sẵn tính cục cằn, ngay lập tức, anh B. liền túm tóc đánh chị liên tiếp vào vùng mặt, dùng gậy đánh vào chân, tay, buộc chị phải chạy sang nhà bố mẹ chồng gần đó để “lánh nạn”.

Khi chúng tôi hỏi, đây là lần thứ mấy anh B. đánh chị? Chị L. khóc nấc: Anh đánh tôi rất nhiều lần. Nhưng vì những năm trước, các con còn nhỏ, lại đang tuổi ăn học, tôi cố chịu, không muốn để các con thấy cảnh bố mẹ mỗi người một nơi nên cũng không báo chính quyền địa phương.

Thương tích của chị L.

Thương tích của chị L.

Đại úy Đoàn Ngọc Thịnh, Trưởng Công an xã Sơn Cẩm, cho biết: Chúng tôi đã tiếp nhận đơn trình báo của gia đình chị N.T.L. và tiến hành xác minh, điều tra. Quá trình điều tra, nếu chồng chị L. có hành vi vi phạm, cơ quan Công an sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau và nhiều chị em phụ nữ bị chồng bạo hành. Tuy nhiên, nhiều chị em vì muốn bảo vệ chồng mình trước pháp luật; không muốn con sống thiếu bố hoặc mẹ… mà chịu đựng, không trình báo cơ quan Công an, chính quyền địa phương. Một lần, hai lần và nhiều lần sau đó, người chồng tiếp tục hành vi đánh vợ của mình. Vượt quá khả năng chịu đựng, người vợ lúc này mới trình báo cơ quan chức năng thì hậu quả mà người chồng gây ra đã ảnh hưởng nặng nề cả về thể chất và tinh thần.

Theo điều 5, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, khi bị chồng hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, người vợ (nạn nhân) có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền can thiệp, giải quyết.

Còn hành vi người chồng đánh đập hoặc sử dụng các công cụ, vật dụng gây thương tích cho người vợ, căn cứ theo điều 49, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, thì bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Người vợ có quyền gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an cấp xã, phường, quận, huyện để được bảo vệ. Trường hợp người chồng có hành vi đánh đập, gây thương tích nặng cho người vợ hoặc dùng hung khí nguy hiểm để đánh vợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích.

Việt Hùng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202409/phu-nu-can-len-tieng-khi-bi-chong-bao-hanh-ad81f5a/