Phúc Yên quyết liệt xử lý vi phạm đất đai

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Phúc Yên nổi lên các vụ việc vi phạm đất đai ở nhiều hình thức và mức độ gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Tuy còn nhiều khó khăn do áp dụng Luật Đất đai theo thời điểm để xử lý, nhưng với sự quyết tâm của chính quyền thành phố, đến nay, nhiều vụ việc phức tạp đã có hướng giải quyết thấu đáo, hiệu quả.

Lực lượng chức năng thành phố Phúc Yên chỉ đạo cưỡng chế, thu hồi đất tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm Việt

Lực lượng chức năng thành phố Phúc Yên chỉ đạo cưỡng chế, thu hồi đất tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm Việt

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Nổi cộm trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại xã Ngọc Thanh là chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, tường bao trên đất nông nghiệp, tự ý trồng cây trên khu vực đất công… đã tác động, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của thành phố Phúc Yên nói riêng và của tỉnh nói chung.

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, hầu hết các vi phạm do lịch sử trước đây để lại; vi phạm nảy sinh từ cơ sở không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ phía chính quyền sở tại, nhân lực mỏng, địa bàn rộng… cộng thêm tính trây ì, “lách luật” từ phía các tổ chức, cá nhân khiến công tác quản lý nhà nước về đất đai càng thêm khó khăn.

Thực tế, khi các phòng chức năng của thành phố bắt tay vào giải quyết gặp phải nhiều khó khăn trong xác định thời điểm vi phạm, thiết lập vi phạm, xác định lại nguồn gốc đất.

Đối với những trường hợp xây dựng công trình, dự án vi phạm không phù hợp quy hoạch phải hoàn thiện thủ tục cưỡng chế, khi thiết lập lại hồ sơ vi phạm ban đầu để xác định hành vi, có nhiều trường hợp không hợp tác, khó hoàn thiện hồ sơ.

Với nhiều trường hợp hộ dân có nguồn gốc đất khai hoang, việc xác định gặp phải khó khăn do xã, phường cần rà soát, đối chiếu thời điểm sử dụng đất rõ ràng; ranh giới giữa vị trí được phép sử dụng và vi phạm còn chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, các công trình, dự án liên quan đến các quyết định về khoảng cách an toàn, phạm vi bảo vệ hành lang thủy lợi từ chân hồ đập đến công trình; liên quan đến sự quản lý nhiều cơ quan chức năng, sở, ngành… cũng là một trở ngại để tiến tới kết luận vi phạm cũng như biện pháp xử lý.

Bài toán quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật đi đôi với cơ chế hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu xây dựng những dự án du lịch sinh thái tận dụng không gian dưới tán cây nhưng vẫn đảm bảo chăm sóc rừng đang đặt ra những khó khăn cho thành phố, làm sao để khi xử lý không xảy ra tình trạng “dọn nấm sau mưa”, lại vừa giảm được thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đem nguồn thu cho ngân sách cho nhà nước.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Quan điểm của thành phố là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; xử lý, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vi phạm về đất đai do lịch sử để lại; chấm dứt tình trạng vi phạm mới phát sinh trên địa bàn thành phố, lập lại kỷ cương thực thi pháp luật về đất đai, đảm bảo cho người sử dụng dụng đất thực hiện đầy đủ, đúng quyền và nghĩa vụ.

Hiện nay, song song với Kế hoạch số 88 của UBND thành phố về thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý, giải quyết các tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn để đảm bảo chỉ tiêu, thành phố tập trung vào giải quyết 1 số vụ việc vi phạm đất đai như khu Phú Lâm Homestay, hồ Trại Trâu (thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh)…

Ngoài các hội nghị chuyên đề, thành phố chỉ đạo, quán triệt các xã, phường phát hiện, xử lý kịp thời, tránh để hình thành các công trình vi phạm trên địa bàn; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp theo từng thời điểm phù hợp, quyết liệt xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp.

Đối với các vi phạm phát sinh sau ngày 31/12/2019, Chủ tịch UBND các xã, phường có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND thành phố nếu thiếu trách nhiệm, không phát hiện hoặc phát hiện mà không xử lý triệt để gây bức xúc trong nhân dân, có biểu hiện bao che cho các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

Xử lý các vi phạm tồn tại trước 31/12/2019 – đối với các trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, giao đất trái thẩm quyền, sử dụng đất không đăng ký chuyển đổi, chuyển nhượng đất trái pháp luật… yêu cầu các xã, phường mỗi năm chỉ đạo giải quyết ít nhất 20% và đến năm 2024 giải quyết xong số trường hợp vi phạm còn lại.

Với những vụ việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất - rừng trồng sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, thành phố đã xây dựng phương án để tổ chức cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp công dân không chấp hành quy định; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động công dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trên diện tích đất vi phạm, khắc phục hậu quả.

Vào cuộc quyết liệt và ngăn chặn xử lý dứt điểm, hiện nay, trên địa bàn Phúc Yên không phát sinh những vụ việc vi phạm đất đai mới. Các vụ việc phức tạp đang được khẩn trương tiến hành các bước xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/77965/phuc-yen-quyet-liet-xu-ly-vi-pham-dat-dai.html