'Quiet thriving', khi nhân viên tìm cách yêu công việc trở lại

'Quiet thriving' là khi nhân viên chủ động tìm cách để gắn kết, yêu thích công việc trở lại bằng nhiều cách như đặt mục tiêu mới, nghỉ ngơi hoặc tự ăn mừng thành tích.

 Sự phát triển thầm lặng là một xu hướng tích cực tại chốn văn phòng. Ảnh minh họa: Rdne Stock Project/Pexels.

Sự phát triển thầm lặng là một xu hướng tích cực tại chốn văn phòng. Ảnh minh họa: Rdne Stock Project/Pexels.

Sau đại dịch, hàng loạt xu hướng làm việc mới xuất hiện và phần lớn không mấy tích cực, theo Glamour. Trong khi nhiều nhân sự chọn "quiet quitting" (nghỉ việc thầm lặng - chỉ làm vừa đủ công việc được giao, không chủ động phát triển thêm), một số khác lại đối mặt "quiet promotion" (thăng chức thầm lặng - bị giao thêm khối lượng công việc lớn trong thời gian dài, song không được công nhận cấp bậc hoặc tăng lương).

Tuy nhiên, một trào lưu công sở mới có phần tích cực hơn đang được đón nhận và lan rộng, đó là "quiet thriving" - phát triển thầm lặng.

Dưới đây, Glamour giải thích về xu hướng này và đưa ra những giải pháp giúp nhân sự áp dụng "quiet thriving" một cách phù hợp.

 Phát triển thầm lặng là khi nhân viên chủ động tìm cách yêu thích công việc trở lại. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Phát triển thầm lặng là khi nhân viên chủ động tìm cách yêu thích công việc trở lại. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Hiểu gì về "phát triển thầm lặng"?

"Quiet thriving" lần đầu tiên được nhà tâm lý trị liệu Lelsey Alderman đề cập trong một bài viết đăng tải trên tờ The Washington Post.

Thuật ngữ này miêu tả những nhân sự đang chủ động thay đổi một ngày làm việc của mình để giúp trạng thái tinh thần tốt hơn, từ đó muốn gắn bó hơn với công việc.

"Đó là khi bạn tìm ra cách thức hoặc biện pháp để khiến bản thân gắn bó hơn với công việc.

Hầu hết chúng ta đều có thể mệt mỏi tinh thần, kiệt quệ thể chất vì công việc, từ đó chán ghét nó. Việc chủ động tìm kiếm các biện pháp phù hợp có thể giúp bạn có lại niềm vui, sự hào hứng với công việc. Đó chính là ý nghĩa của 'quiet thriving'", Alderman lý giải.

 "Quiet thriving" là xu hướng tích cực được nhiều người đón nhận. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

"Quiet thriving" là xu hướng tích cực được nhiều người đón nhận. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Sự đối lập với "quiet quitting"

Khi một nhân sự cảm thấy không còn hứng thú với công việc, họ sẽ không nỗ lực thay đổi và thường đi đến kết cục "quiet quitting" - nghỉ việc thầm lặng. Điều này đến tự nhiên đến mức chính họ cũng không thể nhận ra.

Lúc này, "quiet thriving" lại là mặt đối lập của "quiet quitting". Khi một nhân sự nhận thấy mình đang chán ghét, mất kết nối với công việc, họ sẽ tự tìm ra những cách để gắn bó, yêu thích công việc trở lại.

"Mỗi người có một cách phát triển thầm lặng khác nhau, từ việc tìm kiếm sở thích mới trong công việc, đặt mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân, nghỉ ngơi, ăn mừng thành tích, xây dựng mối quan hệ tại nơi làm việc hoặc có những cuộc trò chuyện cởi mở, trung thực về công việc, vai trò...", Alderman chia sẻ.

Theo chuyên gia, "quiet quitting" là một lối mòn, không có giải pháp, ngày qua ngày đều khiến sự chán nản, mệt mỏi dâng cao. Trong khi đó, "quiet thriving" lại là một con đường mở mà bất cứ ai cũng có thể thử.

 Có nhiều cách để nhân viên chủ động tìm thấy sự gắn kết trở lại với công việc. Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels.

Có nhiều cách để nhân viên chủ động tìm thấy sự gắn kết trở lại với công việc. Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels.

Làm sao để "phát triển thầm lặng"?

Khi ở trong giai đoạn chán nản, chẳng dễ dàng gì để một nhân sự tìm ra cách gắn kết trở lại với công việc.

Liên quan đến vấn đề này, Catherine Carney, tiến sĩ tâm lý hành vi, chia sẻ một số giải pháp:

Đặt mục tiêu và thách thức mới: Dù đang ở giai đoạn nào trong sự nghiệp, việc đặt mục tiêu là điều quan trọng để định hướng chính mình. Đặt những cột mốc thực tế như thăng chức, tăng lương, đạt KPI... có thể thúc đẩy chúng ta và mang lại sự hài lòng trong công việc.
Kết bạn tại nơi làm việc: Có một người đồng nghiệp thân thiết tại công ty là rất quan trọng. Việc kết bạn có thể khiến công việc của ta thú vị hơn, thậm chí thúc đẩy chúng ta có thêm lý do để đến công ty mỗi ngày. Có một người bạn cũng giúp ta có thêm động lực và cảm giác được hỗ trợ.
Nghỉ giải lao: Khi cảm thấy bản thân choáng ngợp và kiệt sức vì công việc, điều quan trọng là hãy tạm dừng mọi thứ. Làm việc quá sức và căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nghỉ ngơi hợp lý cho phép bộ não và cơ thể có thời gian phục hồi, đồng thời cung cấp cho chúng nguồn năng lượng cần thiết để tiếp tục hoạt động, duy trì động lực và năng suất. Thời gian nghỉ ngơi sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng chịu đựng của ta, có thể chỉ là 5-10 phút, hoặc thậm chí 1-2 tuần.
Tự ăn mừng: Việc tự khích lệ bản thân là điều rất quan trọng nhưng nhiều người thường không chú ý đến. Bất kể thành tích lớn hay nhỏ, ta cũng nên ăn mừng để nâng cao sự tự tin và tăng động lực làm việc.
Cởi mở và trung thực: Thông thường, khi cảm thấy tiêu cực ở nơi làm việc, ta sẽ kìm nén những cảm xúc và trở nên khép kín với những người xung quanh. Điều nên làm lúc này là cởi mở và trung thực về cảm nhận của ta vào thời điểm đó bằng cách trò chuyện với quản lý, bộ phận nhân sự hoặc đồng nghiệp và đề nghị sự hỗ trợ. Khi những vấn đề này không được giải quyết, ta dễ kiệt sức, căng thẳng kéo dài và chán ghét công việc.
Đặt ranh giới: Đừng để công việc ảnh hưởng đến cuộc sống bằng cách không kiểm tra email và ngừng trả lời đồng nghiệp ngoài giờ làm việc. Những hành vi tưởng chừng vô hại lại khiến ranh giới giữa công việc và cuộc sống mờ dần, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Mỹ Mỹ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quiet-thriving-khi-nhan-vien-tim-cach-yeu-cong-viec-tro-lai-post1437755.html