Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp công dân trực tuyến, góp phần xây dựng CQĐT. Ảnh: THÙY THẢO

Để góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số (CQS) của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, địa phương nghiêm túc thực hiện báo cáo điện tử trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

Một trong những giải pháp hiệu quả là tuyên truyền về lộ trình và các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển CQĐT, CQS để tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; các ứng dụng, dịch vụ trên môi trường điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; lộ trình và các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh.

Đồng bộ áp dụng công nghệ

Theo bà Lê Thị Kim Hương ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), trước đây muốn giải quyết thủ tục hành chính hay gửi kiến nghị, bà phải đến tận các cơ quan để tìm hiểu. Còn bây giờ tiện lợi gấp nhiều lần, bởi không phải đi đâu xa, chỉ cần có điện thoại thông minh hỗ trợ tìm kiếm thông qua các cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển CQS trên địa bàn huyện trong thời gian qua có nhiều chuyển biến. Huyện đã xây dựng Cổng thông tin điện tử huyện và trang thông tin điện tử 11 xã, thị trấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện. Đặc biệt, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát người được cách ly y tế tập trung và khai thác ứng dụng các nền tảng xét nghiệm, nền tảng tiêm chủng, nền tảng xử lý phản ánh của người dân phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả cao.

Theo UBND tỉnh, đến nay, 100% sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc; các hệ thống đã kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản của tỉnh và Trục liên thông văn bản quốc gia. 100% cơ quan, địa phương cũng đã triển khai gửi văn bản có ký số qua hệ thống ký số tổ chức đối với văn bản số hóa từ bản giấy để phát hành, đưa vào hệ thống để xử lý.

“Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, việc xây dựng và phát triển CQĐT sẽ làm tăng hiệu quả làm việc, tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền. Người dân, doanh nghiệp được các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến. Do đó, các sở, ban ngành và địa phương đang rất chú trọng việc đẩy mạnh đồng bộ áp dụng công nghệ để từng bước cùng với tỉnh hoàn thiện CQĐT”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết.

Đẩy mạnh các giải pháp

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn, CQĐT bước đầu đã thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát, tiết kiệm đáng kể chi phí về thời gian, công sức cho cả cơ quan nhà nước lẫn người dân, tổ chức. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, CQĐT đã phát huy được lợi thế, hỗ trợ các hoạt động, không làm gián đoạn công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, ngành và hạn chế việc lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

Thời gian tới, Phú Yên tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về hỗ trợ xây dựng, phát triển CQĐT và CQS trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và đặc điểm, tình hình của tỉnh. Phát triển hạ tầng số của tỉnh đáp ứng nhu cầu triển khai CQĐT hướng đến CQS và phát triển nền tảng, hệ thống số, kết nối với hệ thống quốc gia. Phát triển dữ liệu số, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ và xây dựng, phát triển đô thị thông minh.

Đồng chí Trần Hữu Thế cho biết: Để góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp quyết liệt để xây dựng CQĐT, CQS của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển CQS giai đoạn 2021-2025; danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để các sở, ban ngành, địa phương thực hiện; quy định đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh; kế hoạch về triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh; danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến; nghiêm túc thực hiện báo cáo điện tử trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. Đồng thời tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025 và ký kết thỏa thuận với Công ty CP FPT hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025…

Việc xây dựng và phát triển CQĐT góp phần rất quan trọng trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải cách hành chính đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

PHẠM THÙY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/405/270774/quyet-liet-thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap.html