Quyết tâm xây dựng thành phố Ninh Bình ngày càng đổi mới và phát triển

70 năm qua, kể từ ngày thành phố Ninh Bình được hoàn toàn giải phóng (30/6/1954- 30/6/2024), với tinh thần đoàn kết thống nhất, tự lực, tự cường, không ngừng phát huy tính năng động, sáng tạo, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Ninh Bình đã vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh.

Thành phố Ninh Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Giang

Thành phố Ninh Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Giang

Tự hào truyền thống quê hương anh hùng

Thành phố Ninh Bình hiện nay là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 11 phường và 3 xã). Đảng bộ thành phố Ninh Bình có 69 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (21 đảng bộ và 48 chi bộ), 305 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, với tổng số 11.217 đảng viên. Dân số hiện có khoảng 150 nghìn người.

Trong hành trình 70 năm (30/6/1954- 30/6/2024), thành phố Ninh Bình đã phát huy lợi thế là địa phương có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, ghi dấu ấn với nhiều sự kiện lịch sử và đạt được những thành tích đáng tự hào trong quá trình đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Ngày 30 tháng 6 năm 1954, sau gần 4 năm bị địch chiếm đóng, thị xã Ninh Bình được hoàn toàn giải phóng. Năm 1959, thị xã Ninh Bình vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào tháng 3 và dự hội nghị tổng kết công tác sản xuất đông xuân vào tháng 10.

Tháng 12/1959, Đảng bộ thị xã tổ chức Đại hội lần thứ nhất để xác định nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng tiếp theo, bầu BCH Đảng bộ thị xã để lãnh đạo quân và dân thị xã thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. 10 năm chiến đấu chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ (1965-1975), Đảng bộ và Nhân dân thị xã đã đạt được những kết quả to lớn, chi viện cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc, thành phố Ninh Bình đã có 1.530 liệt sỹ; 1.453 thương binh; 758 bệnh binh; 701 người nhiễm chất hóa học và trên 500 gia đình có công với nước.

Sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng (30/4/1975), Đảng bộ thị xã Ninh Bình cũng như cả nước tập trung sức lực, trí tuệ vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày 27/4/1977, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 125/CP hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành huyện Hoa Lư, từ đó thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn thuộc huyện Hoa Lư. Đến ngày 9/4/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 151/HĐBT, chia tách huyện Hoa Lư, thành lập lại thị xã Ninh Bình trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc tái lập một số tỉnh trong đó có tỉnh Ninh Bình. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động, thị xã Ninh Bình trở lại vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh Ninh Bình.

Từ năm 1992 đến năm 2014, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Ninh Bình đã đoàn kết, tập trung cao về nhân lực, trí lực, đổi mới tư duy, kiên trì từng bước xây dựng thị xã Ninh Bình phát triển toàn diện. Ngày 2/11/1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 69-CP về việc mở rộng địa giới và quy hoạch lại đơn vị hành chính của thị xã Ninh Bình. Thị xã được tổ chức thành 8 phường. Ngày 9/1/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2004/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, chuyển 6 xã thuộc huyện Hoa Lư về thị xã Ninh Bình.

Ngày 2/12/2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 2241-QĐ/BXD công nhận thị xã Ninh Bình là đô thị loại III. Đây là sự kiện rất quan trọng, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của thị xã, đồng thời là sự ghi nhận công lao đóng góp, sự phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và quân, dân thị xã. Đó cũng là tiền đề và điều kiện thuận lợi cho thị xã tiếp tục phát triển. Ngày 7/2/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19-NĐ/CP thành lập thành phố Ninh Bình trực thuộc tỉnh Ninh Bình.

Từ một thị xã hai lần bị hủy diệt trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến năm 1995, bộ mặt thị xã đã thay đổi đáng kể. Ngày 20/5/2014, Chính phủ ban hành Quyết định 729/QĐ-TTg công nhận thành phố Ninh Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Bình đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng thành phố (sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII đề ra). Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn, là một bước ngoặt quan trọng mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để thành phố phát triển xứng đáng với tầm vóc và vị thế của một thành phố trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.

Sau 17 năm thành lập thành phố (7/02/2007-7/02/2024) và 10 năm được công nhận đô thị loại II (20/5/2014- 20/5/2024), thành phố Ninh Bình đã vươn lên đạt nhiều thành tích mới, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng tiếp tục được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được tăng cường; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, có nhiều nét đổi mới; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, hội quần chúng các cấp được nâng lên.

Kinh tế có bước phát triển; thương mại, dịch vụ được quan tâm, hỗ trợ phục hồi. Cảnh quan, diện mạo đô thị có nhiều đổi mới, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất các trường học, chất lượng giáo dục-đào tạo được nâng lên; công tác trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được tập trung chỉ đạo tiếp tục chuyển biến. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt. An ninh, quốc phòng được tăng cường; trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đạt nhiều kết quả. Thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong 70 năm qua, thành phố Ninh Bình vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Ninh Bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Có 12 tập thể và 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Có 121 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Nhân dân và cán bộ thành phố Ninh Bình đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba...

Hướng tới thành phố du lịch, văn minh, hiện đại

70 năm xây dựng và trưởng thành, với 20 kỳ đại hội, mỗi kỳ đánh dấu bước trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ thành phố. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ và Chính quyền thành phố luôn nêu cao trách nhiệm, tinh thần cách mạng quyết thắng. Trong mỗi giai đoạn phát triển đã kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, hợp với lòng dân, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong những mục tiêu cần tập trung thực hiện đó là "Đẩy mạnh quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại; xây dựng thành phố Ninh Bình là đô thị văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường". Trong đó xác định nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện: Tập trung xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình theo quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Ninh Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong các chỉ tiêu Đại hội, có 6/12 chỉ tiêu chủ yếu (20/27 chỉ tiêu thành phần) đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; các chỉ tiêu khác cơ bản đã tiệm cận đến chỉ tiêu của năm cuối nhiệm kỳ. Qua đó tạo niềm tin và khí thế mới của Đảng bộ và Nhân dân thành phố quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX.

Việc xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình ngày càng phát triển, hướng tới thành phố du lịch, văn minh, hiện đại là chủ trương đúng đắn, là yêu cầu, là nguyện vọng của cả tỉnh nói chung và của cán bộ, đảng viên, Nhân dân thành phố nói riêng. Xác định được ý nghĩa quan trọng đó, ngày 19/7/2012, tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND về việc thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 12/10/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 796/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thành phố Ninh Bình, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 31/10/2017 về phát triển thành phố Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kết luận số 107-KL/TU, ngày 27/6/2022 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 31/10/2017 với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình theo hướng đô thị xanh, an toàn, văn minh, hiện đại; xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; là trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ, văn hóa, lịch sử cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế; là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả tỉnh. Xây dựng thành phố Ninh Bình là đô thị "Văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường" gắn phát triển đô thị Ninh Bình với phát triển dịch vụ du lịch kết nối khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An với Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư...

Ngày 23/8/2023, Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU và Kế hoạch số 138-KH/TU về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là "Đô thị Cố đô-di sản", dựa trên các giá trị độc đáo về tự nhiên-sinh thái, văn hóa-lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính trị-hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dụcđào tạo, khoa học-công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.

Năm 2024, kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thành phố, là năm có ý nghĩa quan trọng để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Ninh Bình quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra. Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố xác định tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thành phố Ninh Bình hiện nay đang tập trung hoàn thành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung được đề ra trong 5 Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023- 2025 theo các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và Kế hoạch của thành phố.

Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, tự hào về truyền thống 70 năm sau Ngày giải phóng, thành phố Ninh Bình đã và đang hội tụ nhiều nhân tố thuận lợi làm nền tảng để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Ninh Bình quyết tâm, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ và vận hội mới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới quê hương, hội nhập quốc tế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố "Đô thị Cố đô-di sản".

Minh Thành

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quyet-tam-xay-dung-thanh-pho-ninh-binh-ngay-cang-doi-moi-va/d20240614091914977.htm