RCEP: Kỳ vọng kết thúc đàm phán đầu năm 2020

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh hy vọng Phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 28 diễn ra tại Đà Nẵng sẽ tháo gỡ được những khác biệt giữa các nền kinh tế để kết thúc đàm phán đầu năm sau.

 Đại diện các nền kinh tế chụp hình lưu niệm khi tham gia phiên đàm phán RCEP 28 sáng nay, 23-9, tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Đại diện các nền kinh tế chụp hình lưu niệm khi tham gia phiên đàm phán RCEP 28 sáng nay, 23-9, tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Thông tin này được ông chia sẻ tại phiên đàm phán diễn ra sáng nay (23-9) tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng trong khuôn khổ vòng đàm phán RCEP lần thứ 28 được tổ chức từ ngày 19 đến 27-9-2019 tại thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Tuấn Anh, vòng đàm phán tại Việt Nam lần này được kỳ vọng là vòng đàm phán cuối cùng trước khi lãnh đạo 16 nền kinh tế gặp nhau vào đầu năm sau và công bố kết thúc đàm phán kỹ thuật. “Vẫn còn sự khác biệt về cơ chế thương mại hàng hóa và thương mại đầu tư giữa một số nền kinh tế trong RCEP”, Bộ trưởng Công thương nói. Ông giải thích thêm rằng, trong các đối tác tham gia đàm phán, có những đối tác đã ký kết hiệp định FTA với nhau. Những đối tác này đã cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cho nhau ở mức độ nhất định, chẳng hạn ASEAN đã ký kết các FTA với từng đối tác trong số 6 đối tác này, nhưng cũng có nhiều nước chưa có FTA với nhau. Vì vậy, cả 16 nước cùng đạt được một mức độ mở cửa thị trường chung là điều rất khó.

Ngoài ra, bên cạnh quy mô lớn của Hiệp định thì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng rất khác biệt, ngay các nước ASEAN cũng có trình độ phát triển khác nhau, chính sách khác nhau về các lĩnh vực đàm phán như chính sách cạnh tranh, đầu tư hay sở hữu trí tuệ. Do vậy, trong quá trình đàm phán, các bên luôn phải tìm các giải pháp xử lý vướng mắc, đồng thời, hài hòa được lợi ích giữa các bên.

Vì vậy, ông kì vọng RCEP 28 sẽ giải quyết những vấn đề này cũng như các hàng rào kỹ thuật khác.

Khi đi vào thực thi, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, RCEP dự kiến sẽ tạo ra một thị trường khoảng 3,5 tỉ người tiêu dùng và quy mô GDP khoảng 49,5 nghìn tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu. “Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác”, ông nói và chia sẻ đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, thành công của RCEP sẽ đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.

 Hàng hóa tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. RCEP 28 kì vọng giải quyết những rào cản về thương mại hàng hóa và thương mại đầu tư của các nền kinh tế. Ảnh: Nhân Tâm

Hàng hóa tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. RCEP 28 kì vọng giải quyết những rào cản về thương mại hàng hóa và thương mại đầu tư của các nền kinh tế. Ảnh: Nhân Tâm

“Là nước chủ nhà của phiên đàm phán này và sẽ là nước chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ cố gắng hết sức và phối hợp với tất cả các nước hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP ngay trong năm 2020”, ông Tuấn Anh cho biết.

RCEP giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9-5-2013.

Cho tới nay, đàm phán RCEP đã kết thúc được nhiều chương như Hợp tác kinh tế, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Mua sắm của chính phủ, v.v... và đang thu hẹp được đáng kể quan điểm giữa các nước trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, v.v…, ông Tuấn Anh cho biết.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294384/rcep-ky-vong-ket-thuc-dam-phan-dau-nam-2020-.html