RCEP - 'Trái ngọt' của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Theo Reuters, các nhà phân tích cho rằng những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra 'cú huých' cho Hiệp định RCEP.

Các nước đang chờ đợi cơ hội đến từ RCEP. (Nguồn: ASEAN Post)

RCEP có thể tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 16 nước thành viên, chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu và gần 50% dân số thế giới.

Kể từ khi được bắt đầu năm 2012, các cuộc đàm phán RCEP gần như không đạt được tiến bộ do sự bất đồng giữa các nước thành viên, chẳng hạn như Ấn Độ lo ngại về nguy cơ tràn ngập hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tham gia hiệp ước còn có các quốc gia thành viên ASEAN, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Các nhà phân tích cho rằng tốc độ thảo luận của những vấn đề còn tồn tại đã được đẩy nhanh trong năm nay, do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng quan ngại về sự tăng trưởng kinh tế và an ninh khu vực. Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Viện Yusof Ishak ở Singapore nhận định: "Có ý kiến cho rằng đã thấy 'ánh sáng ở cuối đường hầm', và đây là một đường hầm ngắn... Hiện nay, các chính trị gia đã có động lực để hoàn tất nó (RCEP)".

Thái Lan, Chủ tịch luân phiên ASEAN 2019, cho biết tính đến tháng này, các cuộc đàm phán về tiếp cận thị trường đã hoàn tất được 80,4% và các thành viên đã nhất trí được 14/20 chương.

Theo thống kê, các thành viên của RCEP đều có thăng dự thương mại lớn với Mỹ, và thực tế này khiến Tổng thống Donald Trump lo lắng. Quan hệ thương mại Mỹ-Thái Lan đã rơi vào tình trạng căng thẳng, với việc Washington đình chỉ ưu đãi thương mại đối với 1,3 tỷ USD hàng hóa của Thái Lan hôm 25/10 với cáo buộc nước này không bảo vệ quyền của người lao động.

Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore nhận định: "Những căng thẳng thương mại là dấu hiệu cảnh báo cuối cùng cho thấy các nước châu Á cần phải có một diễn đàn tập thể và một nơi để gắn kết trong các vấn đề kinh tế". Theo ông Elms, nếu các nhà lãnh đạo không thể tuyên bố RCEP thành công trong cuộc họp tới đây tại Bangkok, coi như một "cơ hội lớn đã bị bỏ lỡ".

RCEP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại khu vực. Ngoài ra, RCEP còn được coi là có tầm quan trọng mang tính biểu tượng trong bối cảnh Chính quyền của Tổng thống Donal Trump không "mặn mà" các hiệp định thương mại đa phương. Phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh hôm 28/10, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggeng nói: "Việc hoàn tất đàm phán RCEP càng sớm càng tốt là một trong những điều quan trọng nhất giúp khu vực có được sự ổn định lâu dài, thịnh vượng và phát triển. Các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn nước rút cuối cùng".

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/rcep-trai-ngot-cua-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-103571.html