Sản xuất lạc an toàn theo mô hình nông nghiệp thông minh

Cam Lộ là địa phương có nhiều diện tích đất bãi bồi ven sông phù hợp để phát triển cây lạc và thực tế loại cây này đã trở thành cây trồng chủ lực truyền thống của huyện. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lạc nên sản xuất lạc ở Cam Lộ chưa thực sự bền vững. Để cải thiện tình hình sản xuất lạc, huyện Cam Lộ được dự án 'Cải thiện Nông nghiệp có tưới' hợp phần 3 là 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu' (CSA) đầu tư các mô hình sản xuất lạc theo phương pháp mới và đã mang lại hiệu quả tích cực, hình thành tập quán canh tác tiến bộ cho nông dân.

 Mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình thâm canh lạc thích ứng với biến đổi khí hậu tại HTX Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ theo kĩ thuật canh tác của CSA sau 4 vụ triển khai thực hiện đã đạt mục tiêu chính là tăng lợi nhuận, giảm chi phí, giảm tác động bất lợi đến môi trường, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật tưới tiêu và thâm canh vào sản xuất đã góp phần giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng thích nghi với hạn hán, sử dụng bền vững tài nguyên nước và đất, phân bón, đem lại hiệu quả sản xuất cao, kết nối được các bên trong chuỗi sản xuất làm tăng thêm giá trị sản xuất...

Bắt tay vào thực hiện thí điểm từ vụ đông xuân năm 2018, hơn 200 hộ dân ở HTX Quật Xá lần lượt được tham gia chương trình trồng lạc theo CSA với bình quân mỗi vụ trồng 55 ha. Cũng sử dụng giống lạc địa phương L14 nhưng các hộ tham gia dự án gieo dày hơn, 42- 45 khóm/m2 (trước đây 32- 35 khóm/m2 ). Lạc được gieo bằng máy tạo độ đồng đều để dễ chăm sóc và hấp thu dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Nông dân được hỗ trợ 50% giá trị máy gieo lạc, giống lạc, phân bón và hỗn hợp sinh học để tiêu hủy thân cây lạc sau khi thu hoạch, chú trọng bón phân hữu cơ. Giám đốc HTX Quật Xá, Cam Thành, Cam Lộ Trần Văn Lương cho biết: “Sản xuất lạc theo mô hình CSA bền vững hơn so với trước đây nhờ các kĩ thuật tiến bộ thuận theo tự nhiên, khoa học nên tiết kiệm nguồn lực đầu tư. Các biện pháp kĩ thuật CSA không khó nên nông dân dễ tiếp thu, thực hành và rất phấn khởi khi hiệu quả sản xuất đưa lại cao hơn nhiều so với sản xuất lạc trước đây”.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị là đơn vị triển khai hợp phần 3 của dự án WB7 đã triển khai, nhân rộng mô hình CSA trên cây lạc, lúa và đậu xanh tại một số HTX thuộc vùng đồng bằng của tỉnh; đối với cây lạc chỉ tiến hành tại HTX Quật Xá, Cam Thành, Cam Lộ. Một trong những hoạt động trọng tâm của hợp phần 3 là tổ chức sản xuất cánh đồng lớn theo hướng hàng hóa nhằm chuyển ngành nông nghiệp từng bước sản xuất tập trung với quy mô lớn, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện tốt việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để thực hiện các hoạt động ở cơ sở có hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi, chỉ đạo kĩ thuật cũng như tập huấn đầu vụ tại các mô hình CSA trên cây lạc. Tổ chức các cuộc họp dân, họp xã viên để phổ biến, quán triệt và rà soát lại các nội dung cũng như thống nhất về kế hoạch, chương trình, đề xuất loại giống, thời gian gieo trồng, công khai các định mức đầu tư, hỗ trợ và quán triệt trách nhiệm, nhiệm vụ của các thành viên liên quan cũng như nghĩa vụ và quyền lợi của người dân khi tham gia mô hình.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: “Vào đầu vụ, Trung tâm tiến hành tập huấn hướng dẫn kĩ thuật đến toàn bộ nông dân tham gia mô hình theo kế hoạch, tiến độ và mùa vụ gieo trồng của từng địa phương. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo, đôn thúc cán bộ kĩ thuật thường xuyên bám sát địa bàn để hướng dẫn nông dân từ khâu thiết kế đồng ruộng, công tác làm đất, vệ sinh đồng ruộng, ngâm ủ hạt giống, gieo trồng, cách bón phân, điều tiết nước tưới phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lạc, xử lí tình hình thiên tai, dịch bệnh... cho đến công tác thu hoạch, tính toán năng suất và hiệu quả kinh tế, bảo quản sản phẩm theo đúng quy trình kĩ thuật và kế hoạch đề ra”.

Được sự hướng dẫn kĩ thuật tận tình của cán bộ khuyến nông, các mô hình canh tác lạc theo CSA ở Quật Xá thực hiện đồng bộ các giải pháp kĩ thuật nên đạt hiệu quả cao, năng suất bình quân đạt 24- 25 tạ/ha, cao hơn mô hình đối chứng 4- 6 tạ/ha. Điều đáng chú ý là ngoài số lượng quả nhiều hơn thì chất lượng lạc cũng tăng đáng kể thể hiện qua tỉ lệ quả chắc và trọng lượng 100 quả cao hơn nhiều so với trước đây. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự vượt trội về năng suất của ruộng mô hình trồng lạc CSA so với ruộng sản xuất đại trà.

Kết quả của dự án sản xuất lạc theo mô hình nông nghiệp thông minh đã khẳng định qua 4 vụ triển khai ở HTX Quật Xá. Đây là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng các tiến bộ KHKT và tiết kiệm các nguồn lực sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Qua việc triển khai mô hình cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân về thích ứng với BĐKH đề từ đó tổ chức sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lạc nói riêng một cách hiệu quả và bền vững ở quy mô sản xuất hàng hóa.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143330