Sản xuất nông nghiệp hữu cơ 'Hút' nhà nông phố thị

Thành phố Tuyên Quang hiện có 3 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gồm Hợp tác xã sản xuất sachi hữu cơ Tuyên Quang, xã An Khang; Hợp tác xã sản xuất Dịch vụ thương mại Quỳnh Nhi, xã Đội Cấn; Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ canh nông, phường Nông Tiến. Các hợp tác xã này đang dần khẳng định uy tín với khách hàng, góp phần mang lại giá trị sạch cho người tiêu dùng. Đây là xu hướng tất yếu, bởi sản phẩm không bảo đảm an toàn sẽ không có đất sống, không thể tồn tại được.

Đinh lăng được trồng dưới giàn gấc tại Hợp tác xã sản xuất Dịch vụ thương mại Quỳnh Nhi,
xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang).

Theo đuổi nghiệp nông

Dọc con đường vào thôn 13, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) là không gian xanh mênh mang của đất rừng. Đồi nối tiếp đồi, thảm cây xanh dược liệu trồng theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất Dịch vụ thương mại Quỳnh Nhi dưới nắng vàng rực tựa như một bức tranh. Chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã lộc cộc đôi ủng, bộ đồ bảo hộ lao động thấm đẫm mồ hôi nhưng nở nụ cười thật tươi khi gặp khách. Tay chị phe phảy chiếc nón lá quạt cho mọi người, rồi bảo, cái sướng của làm nông nghiệp sạch là mình như được hòa vào với thiên nhiên vậy. Trong không gian trong mát với những gấc, giảo cổ lam, sachi, đinh lăng lá xanh mịn màng, chị kể về quãng thời gian làm nông nghiệp hữu cơ mang theo đầy khát vọng.

Chị cho biết, hợp tác xã được thành lập đầu tháng 3 năm nay, nhưng thực tế các thành viên đã liên kết với nhau để trồng cây dược liệu từ năm 2018. 7 ha đất đồi được hợp tác xã quy hoạch trồng 4 ha gấc, hơn 1 ha đinh lăng, hơn 1 ha sachi còn lại là giảo cổ lam. Chị Huyền bảo, chị vốn là công nhân Nhà máy Z113, không có kiến thức về nông nghiệp nhưng vì đam mê mà bỏ nghề đã gắn bó 13 năm để theo đuổi nghiệp nông. Cái rắn rỏi, tinh anh thể hiện qua từng cử chỉ hay ánh nhìn của chị. Chị bảo, thiếu kiến thức thì mình bù lấp bằng kiến thức, không ngại.

Thế là bắt đầu quá trình mày mò, tìm hiểu về kinh tế trang trại. Qua những thông tin trên báo chí, bạn bè, rồi đi đến khắp các nơi trồng cây sachi và cây đinh lăng, gấc có năng suất cao để học hỏi kinh nghiệm cách chăm sóc cây trồng rồi thị trường tiêu thụ... Sau một thời gian bỏ công sức mày mò, tìm hiểu qua nhiều chuyến đi thực tế, chị đi đến quyết định đầu tư, đưa cây sachi, đinh lăng, gấc vào trồng tại trang trại của mình. Cây sachi là loại thực vật họ dầu lần đầu tiên được chị Huyền trồng thử nghiệm trên đất Đội Cấn. Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm, trên 1 vạn gốc gấc bị úng chết khiến chị thiệt hại trên 60 triệu đồng. Giấc mơ sachi cũng tưởng như tiêu tan nhưng trong cái khó ló cái khôn. Chị nhìn ra giữa các cây trồng có sự tương thích, cây đinh lăng đến mùa đông có sương muối thường bị lụi, khó phát triển. Chị làm giàn với các cọc bằng thép chữ T cách nhau chừng 5 đến 7 m cao 1,8 m để gấc, sachi, giảo cổ lam leo lên, tựa như mái nhà chở che cho đám cây đinh lăng phía dưới. Nhờ đó, cây đinh lăng hầu như không bị sâu bệnh, cải tạo đất tơi xốp rất tốt sẽ tương hỗ tạo độ ẩm cho các loại cây khác phát triển.

Chị nhận thấy bài học muôn đời của nghề nông về giá trị của nguồn nước, vậy nên chị đầu tư khoan nước giếng ở độ sâu 70 m để có nguồn nước sạch hoàn toàn cho cây trồng. Theo chị, đây là cả một sự thay đổi nhận thức, bởi ngày xưa, người ta hay tận dụng các nguồn nước, kể cả nước không đảm vệ sinh tưới cho cây trồng là một sai lầm. Cây tưới nước bẩn sẽ dễ bị bệnh nấm, chất lượng sản phẩm giảm sút, khó mà cho giá trị sạch. Hợp tác xã đã chi hơn 1,5 tỷ đồng để làm hệ thống tưới ẩm và mua giống cây trồng. Được tưới nguồn nước sạch và bón phân chuồng ủ hoai, vườn thảo dược của hợp tác xã cứ lên mơn mởn, xanh mướt. Chị bảo, với ưu điểm là hỗn hợp từ phân gia cầm, gia súc, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông - lâm - thủy sản, phân xanh… được chế biến bằng kỹ thuật ủ truyền thống cung cấp chất dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu không chế biến kỹ hoặc sử dụng phân chuồng tươi sẽ mang mầm bệnh cho cây trồng, do lên men nên phân chuồng có chứa axit hữu cơ, khi bón sẽ làm chua đất, nên chị xử lý bằng cách bón kết hợp với vôi. Nhờ được các công ty dược phẩm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên đầu ra khá ổn định. Doanh thu năm đầu của hợp tác xã đạt trên 250 triệu đồng/năm.

Anh Trần Việt Trung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ canh nông, phường Nông Tiến
(TP Tuyên Quang) tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ canh nông tại tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) do anh Trần Việt Trung làm Giám đốc có hướng đi đúng đã cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Trên 7 ha đất, hợp tác xã phân bổ trồng 4 ha cam, 3 ha bưởi. Cây trồng được 4 năm thì đã có 3 năm anh áp dụng phương pháp nông nghiệp hữu cơ trong toàn bộ diện tích. Phân bón cho cây, anh dùng đỗ tương, phân gà đã ủ hoai mục, cá con qua sơ chế để có chế phẩm bón cho cây. Đến độ quả bắt đầu chín, anh bón cho cây thêm bột ngô để quả thêm đượm màu. Ở trang trại của anh Trung, khi nào anh cũng để cây cỏ cao chừng 20 cm giúp giữ độ ẩm cho đất vào mùa khô và chống xói mòn vào mùa mưa. Tuy nhiên, theo anh thì không nên để cỏ chen quá vào gốc hút chất của cây sẽ làm cho cây kém quả. Anh bảo, so với khi trồng năm đầu không áp dụng phương pháp nông nghiệp hữu cơ, cam chỉ bán được với giá 12 đến 15 nghìn đồng/kg, đến khi áp dụng phương pháp này giá đạt 22 đến 25 nghìn đồng/kg; quả bưởi có giá từ 10 đến 15 nghìn đồng/quả thì nay có giá bán 25 đến 28 nghìn đồng/quả. Doanh thu tăng dần, năm 2017 đạt trên 1 tỷ đồng, năm 2018 là trên 2 tỷ đồng, vụ năm nay doanh thu phải đạt 3,5 tỷ đồng - Anh Trung khẳng định.

Mong ước thương hiệu

Trung tuần tháng 7 này, anh Trung tiếp tục đầu tư mô hình nuôi giun quế để có nguồn cung phân bón màu mỡ cho cây trồng. Anh cũng tính chuyện chăn nuôi thêm gia cầm và đà điểu để thỏa đam mê, cung cấp ra thị trường các sản phẩm sạch. Tuy nhiên, điều mà anh Trung băn khoăn không phải là vấn đề đầu ra sản phẩm mà là sự đánh đồng giữa sản phẩm sạch và sản phẩm “ngậm” thuốc.

Anh Trung bảo, hai mối khách tại Hà Nội và Hải Dương cách đây 4 năm vì tin anh mà lên Tuyên Quang xem cách anh làm để từ đó “chia nhau” từng kg quả mang về xuôi bán. Nhưng với những khách hàng chưa một lần quen biết thì sản phẩm sẽ bị đánh đồng. Bởi vậy, tới đây, hợp tác xã sẽ hoàn thiện thủ tục đăng ký thương hiệu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đó là giấy thông hành cho sản phẩm sạch của hợp tác xã vươn tới các siêu thị lớn khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước - Anh Trung quả quyết.

Khác với anh Trung, Hợp tác xã sản xuất Dịch vụ thương mại Quỳnh Nhi của chị Nguyễn Thị Huyền toàn bộ sản phẩm đều được bao tiêu bởi các công ty dược, mọi việc chỉ cần kỹ thuật canh tác theo yêu cầu là đạt. Hiện chị ký hợp đồng đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật với người dân các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội trồng cây dược liệu với hơn 70 ha. Theo chị, những cây trồng như sachi, gấc, đinh lăng đều là những cây trồng dài hơi, bởi có tuổi khai thác từ 13 đến 15 năm. Chị khẳng định, điều quan trọng để có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì đòi hỏi nông dân phải tuân thủ những tiêu chí cơ bản như nguồn nước sử dụng trong canh tác hữu cơ phải sạch, không bị ô nhiễm; đất canh tác có ít nhất 3 năm không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; khu vực sản xuất phải được cách ly các nguồn ô nhiễm như nhà máy, khu công nghiệp, khu vực đang xây dựng, trục đường giao thông chính... Nhà nông tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng. Làm tốt điều này sẽ góp phần khẳng định được thương hiệu nông nghiệp xứ Tuyên, mang lại giá trị lớn cho người nông dân.

Khi người nông dân chuyên tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ là tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững, tạo sức bật mới để thêm các sản phẩm nông sản có giá trị “hút” khách du lịch đến với thành phố bên dòng Lô thơ mộng.

Phóng sự: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/san-xuat-nong-nghiep-huu-co-hut-nha-nong-pho-thi-120549.html