Siết chặt quản lý bếp ăn bán trú

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 bếp ăn tập thể trường học. Cùng với nâng cao chất lượng các bữa ăn, việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể đã được các trường học chú trọng thực hiện. Chất lượng bữa ăn bán trú nâng lên, không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho học sinh mà còn đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em trong các nhà trường.

Giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Mầm non Lai Đồng, huyện Tân Sơn.

Kiểm soát chặt bếp ăn bán trú

Mới đây, sự việc hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú, trong đó có một trẻ tử vong nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội. Các nhà trường, những người làm công tác quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh không khỏi trăn trở bởi lẽ đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục. Vấn đề ATTP cần thêm sự phối hợp, cùng vào cuộc tích cực của các ngành liên quan như Nông nghiệp, Công thương, Y tế... trong việc giám sát, kiểm tra, cấp chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, từ đó mới có thể có những bữa ăn an toàn, chất lượng cho học sinh bán trú.

Tại Trường Tiểu học Thanh Đình, thành phố Việt Trì, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Tính - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với gần 500 học sinh thực hiện bán trú, Trường luôn xác định đảm bảo vệ sinh ATTP là nhiệm vụ hàng đầu. Hiện tại, bếp ăn của Trường được thiết kế theo quy trình một chiều. Việc tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh ở trường được thực hiện đúng theo quy trình. Nhân viên hàng năm được tham gia các lớp tập huấn kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ. Nhà trường đã ký hợp đồng với các đơn vị để cung ứng thực phẩm như rau xanh, thịt, cá và một số sản phẩm đã qua chế biến. Theo quy định, tất cả các đơn vị cung ứng đều phải có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và điều kiện kinh doanh cần thiết. Sau khi thực phẩm được chuyển đến, nhà trường yêu cầu nhân viên nhà bếp thực hiện đúng chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm.

Nhìn chung, thời gian qua, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các bếp ăn tập thể đã được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện khá chặt chẽ. Tới thăm Trường Mầm non Lai Đồng, huyện Tân Sơn, chúng tôi được biết, nhà trường có 315 học sinh, 100% học sinh ăn bán trú. Xác định việc đảm bảo ATTP có ý nghĩa quan trọng, nhà trường xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế; lên thực đơn ăn uống theo khẩu phần, hàng ngày, hàng tuần, theo mùa… đảm bảo cân đối dinh dưỡng.

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Cùng với nhiệm vụ dạy kiến thức, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Bên cạnh bố trí đầy đủ cơ sở vật chất khu vực bếp nấu, chế biến thức ăn, dụng cụ phục vụ, Trường lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm uy tín, có địa chỉ rõ ràng để ký hợp đồng cung cấp. Toàn bộ nhân viên cấp dưỡng trong Trường đều có kiến thức và thực hành tốt về ATTP. Trong quá trình nấu ăn, nhân viên cấp dưỡng đều thực hiện nghiêm quy tắc ATTP từ khâu sơ chế, chế biến đến bảo quản, lưu mẫu theo đúng quy định.

Theo đồng chí Đinh Thị Bình - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 5.000 học sinh ăn bán trú tại các nhà trường. Để tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, ATTP, các cơ sở giáo dục trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Đồng thời, không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về ATTP, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Nhân viên dinh dưỡng Trường Tiểu học Thanh Đình, thành phố Việt Trì chế biến thực phẩm tại trường học.

Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra

Năm 2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể tại 57 trường học trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, bếp ăn tập thể các trường đều có đủ hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan về ATTP, 100% nhân viên trong các bếp ăn có kiến thức và thực hành tốt về ATTP. Các bếp ăn sử dụng thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực phẩm chế biến bao gói sẵn có đầy đủ nhãn mác và còn hạn sử dụng.

Ngay từ đầu năm học 2022-2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề, trong đó đề nghị Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị chỉ đạo các trường học trên địa bàn; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề có bếp ăn tập thể cải tạo, sửa chữa, tu bổ nâng cấp cơ sở vật chất bếp ăn tập thể; kiểm tra điều kiện sức khỏe và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức cơ bản về ATTP cho nhân viên phục vụ nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định về điều kiện bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể; kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể của nhà trường: Chỉ ký hợp đồng, mua/nhập thực phẩm của các tổ chức,cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có uy tín, chấp hành tốt các quy định về ATTP; thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, sạch, an toàn đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, xác nhận về ATTP theo quy định và còn hiệu lực…

Đặc biệt, hàng năm, trong quá trình kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các trường học thực hiện các quy định đối với bếp ăn trường học. Các trường học, nhất là các trường mầm non đã chú trọng đầu tư xây dựng, tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất khu vực bếp ăn; thực hiện tốt kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng, tuân thủ đúng quy trình chế biến, lưu mẫu thức ăn… góp phần hạn chế tình trạng mất vệ sinh ATTP, ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Trưởng Phòng nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Mặc dù kết quả đạt được đáng ghi nhận song vấn đề vệ sinh ATTP tại bếp ăn bán trú cần được siết chặt quản lý bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, các trường học có bếp ăn bán trú cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm ATTP; chỉ ký hợp đồng với các cơ sở có uy tín, chấp hành tốt các quy định về ATTP; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ đầu vào các loại thực phẩm, phụ gia, nước uống, đảm bảo các thực phẩm đưa vào nhà trường đều có nguồn gốc, còn hạn sử dụng. Đối với sản phẩm bao gói sẵn cần kiểm tra kỹ nhãn mác, thông tin chi tiết về sản phẩm, hạn sử dụng. Cùng với đó, chú trọng nâng cao kiến thức và thực hành đúng về ATTP cho cán bộ phụ trách, nhân viên phục vụ tại bếp ăn.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/siet-chat-quan-ly-bep-an-ban-tru/189221.htm