Số hóa hồ sơ sức khỏe

BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin, năm 2023, toàn ngành sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính... Trong đó, quyết tâm triển khai 2 hoạt động trọng tâm, đó là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế TPHCM.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Ảnh: Duy Tịnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Ảnh: Duy Tịnh.

Nhiều tiện lợi

Bà Lê Thị Thu Hiên (60 tuổi, quận Bình Thạnh) cho hay, do lớn tuổi nên mắc nhiều thứ bệnh nên hay quên trước, quên sau. Hồ sơ sức khỏe điện tử (SKĐT) có đầy đủ thông tin giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng bệnh. Mong rằng, kế hoạch phát triển hồ sơ SKĐT sớm triển khai, tạo thuận lợi cho người dân và bệnh viện. Trên thực tế, hồ sơ SKĐT giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời mang lại nhiều thông tin cho công tác quản lý sức khỏe người dân cho nhân viên y tế.

Nói về triển khai đề án Y tế giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 của UBND TPHCM, đặc biệt là hồ sơ SKĐT, ông Quách Kim Ưng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh cho biết, hồ sơ SKĐT rất tiện lợi. Với mã QR Code, người dân đi khám bệnh không còn cần dùng căn cước công dân hay thẻ bảo hiểm y tế. Dựa trên mã QR hay app bác sĩ biết được tiền sử bệnh của bệnh nhân, từng khám và điều trị ở đâu... Song song đó, hồ sơ SKĐT hỗ trợ cho đơn vị quản lý không bị trùng lắp số liệu bệnh nhân.

Theo ông Ưng, vừa qua thành phố có triển khai để phường 27, quận Bình Thạnh thí điểm cho người dân lập hồ sơ SKĐT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cũng chỉ dừng lại ở mức lập thông tin người dân chứ chưa kết nối được với các phòng khám và bệnh viện. Ông Ưng mong muốn, thời gian tới hồ sơ SKĐT được áp dụng đại trà, đồng thời áp dụng các bước kết nối tiếp theo.

Đề cập đến những chuyển đổi của ngành Y, BS Ngô Ngọc Quang Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện đang áp dụng chuyển đổi số và y tế thông minh một cách hiệu quả. Đối với khu vực ngoại trú, quy trình “một điểm dừng” được áp dụng như tiếp nhận - khám bệnh - xét nghiệm - kê đơn - lĩnh thuốc - thanh toán một lần. Cùng đó, bệnh viện số hóa hầu hết chứng từ như giấy chuyển viện, tờ điều trị, bác sĩ kê đơn thuốc, thí điểm bệnh án điện tử, áp dụng quy trình khám bệnh tiện lợi cho bệnh nhân. Bệnh viện Nhi đồng 1 có số bệnh nhân nội trú trung bình 1.500, cao điểm gần 2.200. Với lượng bệnh nhân nêu trên, bệnh viện phải ứng dụng công nghệ thông tin. Việc áp dụng y tế thông minh, đối tượng phục vụ đầu tiên là người bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ, nhân viên y tế được giải phóng khỏi công việc thủ công để tập trung cho chuyên môn.

Tập trung xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử

Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 của UBND TPHCM đang được triển khai. Trong đó, nổi bật là tạo lập hồ sơ SKĐT cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh. BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế thành phố đang ra sức thực hiện hóa thông điệp “chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai.

Ông Thượng thông tin thêm, hồ sơ SKĐT được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đơn vị sẽ tiếp nhận dữ liệu hành chính danh sách người dân tham gia bảo hiểm y tế cũng như mã định danh là số bảo hiểm xã hội do Bộ Y tế chuyển giao. Sau đó, UBND TPHCM sẽ bổ sung danh sách những người chưa tham gia bảo hiểm y tế, thu thập dữ liệu tiền sử sức khỏe. Giai đoạn 2, Sở Y tế thành phố xây dựng dữ liệu, từ đó tham mưu xây dựng chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ở giai đoạn này, áp dụng mã QR để người dân sử dụng điện thoại thông minh nhập thông tin dữ liệu và hồ sơ SKĐT của cá nhân. Giai đoạn 3 sẽ thực hiện kết nối liên thông hồ sơ SKĐT với bệnh án điện tử ở các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 7/2019 triển khai hồ sơ SKĐT. Mục tiêu đến 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khỏe. Hồ sơ SKĐT của một người sẽ cung cấp cho y bác sĩ đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ. Các dữ liệu bắt buộc phải có khi lập hồ sơ sức khỏe điện tử gồm: dữ liệu hành chính, dữ liệu tiêm chủng mở rộng (đối với trẻ em), tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, dữ liệu tiền sử bệnh tật,... dữ liệu chỉ số nhân trắc học (cân nặng, chiều cao; dữ liệu về nhóm máu; dữ liệu bệnh lý nền như huyết áp, đái tháo đường và các bệnh khác.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/so-hoa-ho-so-suc-khoe-5708646.html