Sống tiếp phần đời sáng đẹp

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông hy sinh một phần thân thể cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đất nước hòa bình, trở về cuộc sống đời thường, ông đã sống tiếp phần đời sáng đẹp: Vượt qua khó khăn, khuyết tật để tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con học hành đến nơi đến chốn và nỗ lực hết mình vì cuộc sống cộng đồng. Ông là thương binh hạng 2/4 Nguyễn Quang Phúc, ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.

 Niềm hạnh phúc lớn nhất của ông Phúc khi tuổi xế chiều là sum vầy bên người thân, gia đình- Ảnh: L.N

Niềm hạnh phúc lớn nhất của ông Phúc khi tuổi xế chiều là sum vầy bên người thân, gia đình- Ảnh: L.N

Một chân... trên biển

Đón chúng tôi trong ngôi nhà ba gian khang trang nằm cuối thôn Thái Lai bằng nụ cười hiền từ, chất phác, ông Nguyễn Quang Phúc chia sẻ: “Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bản thân tôi vẫn luôn tin tưởng và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Không ngại khó ngại khổ, tôi luôn nỗ lực vươn lên, chiến thắng bản thân để làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình”.

Dòng hồi ức của ông Phúc đưa chúng tôi ngược thời gian trở về 60 năm trước. Sinh ra và lớn lên ở làng biển Thái Lai, từ nhỏ, chàng trai Nguyễn Quang Phúc đã làm quen với sóng, gió và những chuyến ra khơi. Năm 1960, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Phúc lên đường bảo vệ quê hương khi tuổi tròn 21, biên chế vào lực lượng công an giới tuyến. Đến năm 1964, ông được điều động bổ sung vào Tỉnh đội Quảng Trị.

Năm 1967, trong một lần làm nhiệm vụ, ông bị pháo từ Hạm đội 7 của Mỹ bắn bị thương phải cưa 1/2 chân trái và được đưa đi điều trị tại Quân y viện 108 Hà Nội, sau đó ông được chuyển về Trại điều dưỡng thương binh Ninh Bình. Là người nhanh nhẹn, tháo vát, chăm học hỏi nên trong thời gian điều dưỡng, ông Phúc luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ, hoàn thành lớp trung cấp may mặc.

Tại đây, ông đã gặp và kết duyên cùng bà Trần Thị Vân, một thanh niên xung phong đến từ Thừa Thiên Huế. Tháng 2/1976, ông Phúc trở về làng biển Thái Lai với tỉ lệ thương tật 71%, thương binh hạng 2/4.

“Hồi đó, làng biển quê tôi nghèo xác xơ. Tôi trở về quê khi cơ thể không còn nguyên vẹn, gia đình ly tán, ba mẹ đều đã mất. Những mất mát đau thương tưởng chừng như không gì hàn gắn nổi. Tuy nhiên, ngay giữa lúc khó khăn nhất, tôi nhận ra mình còn may mắn hơn rất nhiều so với các đồng đội đã ngã xuống khi tuổi còn đôi mươi. Nghĩ vậy tôi nguyện với bản thân mình là phải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của đồng đội”, ông Phúc xúc động nhớ lại.

Dựng tạm căn nhà nhỏ giữa bời bời gió cát, ông chọn nghề may để mưu sinh qua ngày. Vốn sáng dạ, khéo léo nên tay nghề của ông nhanh chóng được khẳng định bằng những sản phẩm đẹp, làm vừa lòng khách hàng gần xa. Ban ngày miệt mài may vá, đêm đêm, ông tranh thủ ra biển đánh bắt tôm, cá… để cải thiện cuộc sống.

Cuộc sống bình dị của ông cứ lặng lẽ trôi qua như thế cho đến một ngày khi các sản phẩm may mặc sẵn xuất hiện nhiều, nghề may không còn hưng thịnh như trước. Là trụ cột trong gia đình, ông Phúc chuyển dần sang nghề biển để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học.

Nghề biển vốn nặng nhọc, đối với một thương binh nặng đã mất đi 71% sức lao động, việc bám biển chắc ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn? Tôi hỏi. Đăm chiêu một lúc rồi ông Phúc bộc bạch: “Những ngày đầu trở lại nghề biển với đôi chân khập khiễng và những vết thương chưa quen sóng gió, tôi gặp khá nhiều rắc rối giữa biển cả mênh mông. Ngày ấy chân giả được làm bằng nhôm nên không thể ngâm được trong nước biển. Mỗi chuyến ra khơi, tôi thường cởi bỏ chân giả để dùng nạng gỗ. Việc vận chuyển ngư lưới cụ, chèo thuyền, buông lưới chỉ với 1 chân quả thật không dễ dàng với tôi.

Tuy nhiên, dường như suốt thời gian trong quân ngũ đã luyện rèn cho tôi ý chí, nghị lực vượt khó nên khi đối diện với những vất vả trong cuộc sống đời thường, tôi đã kiên trì vượt qua để vững vàng bám biển. Trên cơ sở kế thừa những nghề biển truyền thống của cha ông, tôi có nhiều sáng kiến riêng nhằm phù hợp với điều kiện đánh bắt và sức khỏe của bản thân, do vậy hiệu quả đánh bắt mang lại khá cao”.

“Quyết tâm để chữ lại cho con!”

Năm tháng trôi qua, nhờ miệt mài, tận tụy với nghề biển đã đem lại cuộc sống mới cho gia đình ông Phúc. Với số tiền tích cóp, ông đã sắm được chiếc thuyền nhỏ để chủ động hơn trong mỗi chuyến ra khơi. Đến bây giờ, trong tâm thức của nhiều người dân xã Vĩnh Thái vẫn chưa quên hình ảnh ngư dân một chân trở về bờ khi mặt trời ló rạng, trên thuyền đầy ắp cá tôm sau đêm dài vươn khơi bám biển.

 Trong “phòng truyền thống” nhà mình, vợ chồng ông Phúc luôn giáo dục các cháu chăm ngoan, học giỏi để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của gia đình - Ảnh: L.N

Trong “phòng truyền thống” nhà mình, vợ chồng ông Phúc luôn giáo dục các cháu chăm ngoan, học giỏi để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của gia đình - Ảnh: L.N

Là trụ cột của gia đình trong phát triển kinh tế, ông Phúc còn là chỗ dựa tinh thần cho các con, luôn truyền cảm hứng tốt để các con quyết tâm học tập, trở thành người có ích cho xã hội. “Thay vì để lại gia tài của cải, vợ chồng tôi quyết tâm để chữ lại cho các con dù phải vượt qua nhiều gian nan, thử thách”, ông Phúc chia sẻ.

Thời bấy giờ, đối với xã vùng biển như Vĩnh Thái, việc chăm lo cho các con học tập đến nơi đến chốn đối với các gia đình không dễ dàng. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nên từ nhỏ, ngoài một buổi đến trường, những đứa trẻ vùng biển thường theo cha ra khơi hoặc phụ giúp mẹ gánh gồng cá, tôm ra chợ bán. Bởi miếng ăn hằng ngày còn thiếu trước hụt sau nên đường đến trường đối với các em thêm gập ghềnh. Không ít trẻ em ở vùng quê này buộc phải bỏ học giữa chừng để theo cha mẹ mưu sinh.

Với quyết tâm để chữ lại cho con, sau khi các con hoàn thành chương trình THCS tại địa phương, ông Phúc là người đầu tiên của xã Vĩnh Thái lặn lội lên thị trấn Hồ Xá mượn đất, dựng nhà tạm để các con tiếp tục học THPT.

“Ngày ấy không có nhà trọ như bây giờ, tôi đã tìm và hỏi mượn mảnh đất nhỏ của một người tốt bụng tại thị trấn Hồ Xá rồi dựng tạm lều nhỏ bằng tre, nứa lá vừa bỏ đủ chiếc giường và cái bàn học. Hằng tuần, vợ chồng tôi tiếp tế khoai, gạo, cá… cho các con yên tâm học tập. Cứ thế, năm này nối năm khác, căn lều nhỏ trở thành nơi gieo con chữ, nuôi dưỡng ước mơ tương lai cho cả 5 con chúng tôi”, ông Phúc nhớ lại.

Và với niềm tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ông Phúc luôn giáo dục các con phải trung thành với Đảng, biết ơn các thế hệ đi trước, sống yêu thương, chan hòa với mọi người xung quanh. Hiện nay, các con ông đều đã trưởng thành và có vị trí nhất định trong xã hội, xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc.

Trong căn nhà ba gian xinh xắn bên bờ biển, ông Phúc dành riêng một gian nhỏ để làm “phòng truyền thống”, nơi trưng bày bằng khen, giấy khen của các thành viên trong gia đình. Với ông Phúc, gian nhà chính là niềm tự hào, là minh chứng cho sự nỗ lực suốt hơn nửa thế kỷ của một người lính trở về quê khi cơ thể không còn nguyên vẹn.

Bạn đồng hành của người khuyết tật

Không chỉ là chỗ dựa vững chắc của gia đình, ông Phúc còn là một người hết mình vì cộng đồng, là bạn đồng hành, sẵn sàng sẻ chia với khó khăn của những người cùng cảnh ngộ. Năm 2003, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Vĩnh Linh.

“Là một người không may mất đi một phần cơ thể, hơn ai hết tôi hiểu được những mất mát mà những người khuyết tật phải gánh chịu. Vẫn biết đảm nhận công việc này vất vả nhưng tôi mong muốn được đóng góp một phần sức lực của mình để đem lại niềm vui, niềm hy vọng mới cho người khuyết tật trên địa bàn huyện”, ông Phúc cho hay.

Trên chiếc xe máy cũ, ông Phúc đã đặt chân đến từng xã để vận động người khuyết tật tham gia hội, đồng thời tìm kiếm những người có năng khiếu thể thao để tham gia các hội thi do Hội Người khuyết tật các cấp tổ chức. Để các hội viên vượt qua mặc cảm, thêm tự tin tham gia các thi đấu thể thao, bản thân ông Phúc đã gương mẫu đi đầu, ngày đêm miệt mài tập luyện, tham gia thi đấu nhiều môn thể thao dành cho người khuyết tật như cử tạ, bơi lội, ném lao…

Những tấm huy chương vàng môn bơi lội mà ông Phúc nhận được tại các giải thi đấu như một minh chứng để củng cố thêm niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ. Lan tỏa tinh thần của ông Phúc, người khuyết tật tại địa phương nhiệt tình tham gia các phong trào thể dục, thể thao, các hội thi, giải đấu. Trong nhiều năm liền, Hội Người khuyết tật Vĩnh Linh luôn dẫn đầu toàn đoàn trong các hội thi thể dục thể thao người khuyết tật do tỉnh tổ chức. Qua hoạt động này, mỗi người khuyết tật thêm tự tin hơn vào bản thân, từng bước vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Riêng tại xã Vĩnh Thái, với vai trò là Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Người khuyết tật xã, ông Phúc đã tích cực tập hợp các thành viên sinh hoạt, nỗ lực gây nguồn quỹ riêng để duy trì sinh hoạt của CLB.

“Đa số những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự nộp quỹ như các hội, đoàn thể khác, là chủ nhiệm CLB, tôi đã tích cực kêu gọi, tranh thủ sự hỗ trợ của dự án trên địa bàn hay các nhà hảo tâm để CLB có kinh phí hoạt động thường xuyên. Mỗi dịp tết đến xuân về, tôi trích một phần kinh phí để mua quà thăm động viên các thành viên CLB”, ông Phúc cho hay.

Cũng từ nguồn quỹ vận động được, ông Phúc đã mua ảnh Bác Hồ để tặng cho tất cả những người khuyết tật tại địa phương, đến tận từng nhà hướng dẫn thành viên CLB chọn nơi trang trọng nhất để treo ảnh Bác. Khi được hỏi về lý do tặng ảnh Bác cho người khuyết tật, ông Phúc cười hiền: “Lời dạy của Bác Hồ đã giúp bản thân tôi thay đổi cuộc đời. Để lan tỏa tinh thần ấy đến tất cả những người khuyết tật tại địa phương, tôi nảy sinh ý tưởng tặng ảnh Bác Hồ cho người khuyết tật. Việc đặt ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất trong nhà sẽ nhắc nhở mỗi người thực hiện tốt lời Bác dạy “tàn nhưng không phế”. Qua đó tạo thêm động lực để những người yếu thế vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội”.

Với cách làm sáng tạo đó, vào năm 2000, CLB Người khuyết tật xã Vĩnh Thái trở thành tập thể đầu tiên tại địa phương thực hiện nghiêm túc việc treo ảnh Bác Hồ trong gia đình thành viên CLB.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167992&title=song-tiep-phan-doi-sang-dep