Sử dụng giống ngô mới đem lại năng suất, chất lượng cao

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị vừa chỉ đạo thực hành mô hình CSA nhân rộng trên cây ngô tại HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, có 130 hộ nông dân tham gia. Đây là bước thực hành của dự án 'Cải thiện nông nghiệp có tưới' (WB7) với mục tiêu cải thiện tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp được cung cấp dịch vụ tưới tiêu đã nâng cấp, hiện đại hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất và bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.

 Ruộng ngô mô hình nhân rộng CSA tại Vĩnh Giang phát triển tốt

Ruộng ngô mô hình nhân rộng CSA tại Vĩnh Giang phát triển tốt

Ông Lê Chẩn, Giám đốc HTX Cổ Mỹ cho biết, mô hình “CSA nhân rộng trên cây ngô” sử dụng giống mới VS 36 cấp giống xác nhận. Đây là giống ngô lai do Viện Nghiên cứu ngô lai tạo, có năng suất cao, thích ứng rộng, đặc biệt là khả năng chịu hạn và rét rất tốt. Cây ngô có thể trồng trên nhiều chân đất nhưng thích hợp nhất vẫn là thịt nhẹ, cát pha, đất phù sa được bồi đắp hằng năm, đất đủ ẩm và chủ động tưới tiêu. Để trồng ngô có năng suất cao cần phải lên luống, việc phân luống tùy theo từng chân đất và địa hình. Đối với chân đất cao, dễ thoát nước lên thành từng băng rộng 4- 6 m hoặc từ 10-12 m và cách 2-3 băng bố trí một rãnh thoát nước mưa. Với chân đất thấp, dễ bị ngập úng khi mưa cần lên luống cao từ 20-30 cm hoặc cao hơn tùy điều kiện cụ thể để ruộng dễ thoát nước và thoát nước nhanh, mặt luống rộng 1,2-1,5 m.

Theo tỉ lệ khoa học thì lượng giống dùng cho 1 ha 20 kg là thích hợp nhất. Khi gieo mỗi hốc chỉ cần 1 hạt, mỗi sào nên gieo dự phòng vào khoảng trống 2-3 hàng để dặm. Mỗi héc ta ngô đủ chuẩn cần có mật độ từ 4,7- 6,6 vạn cây, trong đó chú ý vụ đông xuân và thu đông nên gieo dày hơn vụ hè thu.

Cây ngô thích nghi rất cao đối với đạm, không có hiện tượng lốp đổ khi bón nhiều phân như lúa. Nhu cầu phân bón cho ngô cao nhưng phải bón cân đối đúng lúc, đúng kĩ thuật để phát huy hết tiềm năng về năng suất. Trước hết cần bón đủ phân hữu cơ đã hoai mục như phân chuồng, phân xanh, nếu thiếu hoặc không có loại phân này thì thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh. Toàn bộ phân hữu cơ (hoặc phân hữu cơ vi sinh), phân lân, vôi bột nên trộn đều, rồi ủ vài ngày trước khi bón để tăng hiệu quả sử dụng phân. Chú ý bón lót 100% phân hữu cơ, lân, 1/3 đạm urê, trộn đều và rải xuống rãnh, lấp một lớp đất mỏng lên phân rồi mới gieo hạt, tốt nhất hạt găm sát mép rãnh, tránh hạt tiếp xúc với phân.

Khi cây ngô ở giai đoạn 4-5 lá cần bón thúc lần thứ nhất 1/3 lượng đạm, 1/2 lượng kali, kết hợp làm cỏ vun gốc. Ngô chuẩn bị xoắn nõn (9-10 lá) bón thúc lần hai với 1/3 lượng đạm, 1/2 lượng kali, kết hợp vun gốc lần 2 để chống đổ. Để cây ngô phát triển tốt, phát huy hiệu quả tối đa của phân bón, phải bón đạm, kali xa gốc 5-7cm, tuyệt đối không được trộn lẫn đạm với kali, bón xong phải lấp đất không nên bón phân khi đất quá khô hoặc quá ẩm.

Theo ông Lê Chẩn, ngô thường có sâu bệnh nên người trồng được khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV phổ tác dụng hẹp. Khi mật độ quần thể sâu, bệnh hại đạt đến số lượng nhất định (ngưỡng kinh tế) thì mới sử dụng các loại thuốc phổ tác dụng hẹp để phun diệt trừ. Sử dụng đúng chủng loại thuốc BVTV cho từng đối tượng sâu, bệnh hại, đúng liều lượng và nồng độ hướng dẫn. Phun thuốc đúng kĩ thuật theo từng đối tượng sâu, bệnh hại. Sau đó nếu thu hoạch ngô tươi, cần thu sau phun thuốc 18-20 ngày (66-68 ngày sau gieo); nếu bắp khô thì nên thu hoạch giai đoạn 95-100 ngày sau gieo.

Ông Nguyễn Văn Hoạt, nông dân của HTX tham gia mô hình phân tích cho thấy các chỉ tiêu sinh trưởng của ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà, do ngô được gieo với mật độ dày, tận dụng triệt để dinh dưỡng trong đất. Đồng thời ruộng mô hình bón phân đầy đủ và cân đối tỉ lệ NPK, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, nên cây phát triển nhanh và khỏe hơn. Ruộng mô hình có tổng số quả/cây cao hơn ruộng đại trà, đây là các chỉ số quan trọng góp phần tăng năng suất. Thực tế cho thấy năng suất ruộng mô hình CSA nhân rộng trên cây ngô bình quân đạt 52 tạ/ha, cao hơn đại trà 12 tạ/ha, sản lượng tăng lên so với ruộng đại trà cùng giống 8,4 tấn trên diện tích 7 ha. Lợi nhuận kinh tế ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà gần 5, 9 triệu đồng/ha.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, trong quá trình thực hiện nông dân HTX Cổ Mỹ đã tuân thủ quy trình kĩ thuật của dự án. Việc bón phân tập trung giai đoạn đầu đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, cây trồng hấp thu hết và không lãng phí ra môi trường xung quanh, hạn chế bay hơi, rửa trôi, lượng phân được cân đối giữa lượng hữu cơ và vô cơ. Đặc biệt nhờ áp dụng phương pháp phòng trừ sâu, bệnh hại theo phương pháp quản lí dịch hại tổng hợp (IPM) nên đã giảm số được số lần phun thuốc trên đồng ruộng, giảm chi phí mua thuốc BVTV.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Giang Nguyễn Văn An lí giải việc trồng ngô theo mô hình CSA nhân rộng đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Ông An đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là nâng cấp và xây dựng lại hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh, phục vụ sản xuất ngô tập trung theo hướng hàng hóa, ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn. Còn người dân Vĩnh Giang mong muốn dự án tiếp tục hỗ trợ, xây dựng mô hình CSA trên đại trà, nhằm mở rộng đối tượng tham gia, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận khoa học kĩ thuật vào sản xuất.

Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết hiệu quả mô hình nhân rộng CSA trên cây ngô là rất lớn. Ngô là cây trồng cạn nên rất thích hợp với nhiều chân ruộng tại địa phương này. Do biến đổi khí hậu và thời tiết khô hạn nhiều diện tích ruộng của huyện thiếu nước, trồng lúa năng suất thấp nên huyện chủ trương chuyển qua cây trồng cạn như trồng ngô, đậu xanh để phục vụ phát triển chăn nuôi và nhiều mục đích khác. Việc tiếp tục nhân rộng mô hình CSA trên cây ngô, lúa, lạc cũng phù hợp với chủ trương của huyện giúp nông dân tăng thu nhập trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Khi nông dân có thêm kiến thức, kĩ thuật phát triển các cây trồng cạn cho năng suất cao, giải quyết được thức ăn tại chỗ cho chăn nuôi thì cùng lúc trồng trọt và chăn nuôi đều phát triển, bài toán kinh tế này cho hiệu quả cao, cần được các cấp ngành ủng hộ, nhân rộng.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144105