Sửa quy định về giao dịch liên kết để gỡ khó cho doanh nghiệp

Sửa Nghị định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính dự kiến loại trừ các giao dịch vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp ra khỏi phạm vi 'giao dịch liên kết' trong trường hợp hai bên không có mối quan hệ điều hành, kiểm soát hoặc góp vốn. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Gỡ vướng cho doanh nghiệp, phù hợp với thực tế

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng kiến nghị của doanh nghiệp.

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 132, Bộ Tài chính đã sửa điểm d, Khoản 2 của Điều 5 theo hướng loại trừ các giao dịch vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp ra khỏi phạm vi “giao dịch liên kết” trong trường hợp hai bên không có mối quan hệ điều hành, kiểm soát hoặc góp vốn.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ không bị khống chế chi phí lãi vay ở mức 30% tổng lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay cộng chi phí khấu hao (EBITDA) và được khấu trừ toàn bộ chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập.

Hướng sửa đổi này sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thời gian qua, phù hợp với thực tế hoạt động vay vốn ngân hàng của nhiều doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá.

Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị sửa đổi quy định này. Bởi lẽ, theo họ, vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh là hoạt động phổ biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam và đây cũng là hoạt động kinh doanh thông thường (hoạt động cấp tín dụng) của ngân hàng.

Doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi phí thực tế phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc khống chế và loại chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp trong trường hợp này là không phù hợp.

Đặc biệt theo quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, các doanh nghiệp dự án PPP (bao gồm doanh nghiệp dự án BOT) được phép huy động các nguồn vốn hợp pháp (ngoài nguồn vốn chủ sở hữu) lên đến 85% tổng mức đầu tư dự án (không bao gồm phần vốn Nhà nước tham gia dự án PPP).

Chi phí lãi vay theo cơ cấu vốn vay nêu trên được cơ quan Nhà nước phê duyệt trong phương án tài chính thu hồi vốn. Vì vậy, khi doanh nghiệp dự án PPP bị khống chế chi phí lãi thì ảnh hưởng đến phương án tài chính thu hồi vốn mà doanh nghiệp đã được phê duyệt.

 Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Nên áp dụng từ kỳ tính thuế nào?

Dù hoan nghênh sửa đổi này song VCCI cũng lo ngại nếu quy định này được thông qua và được áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 thì chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nền kinh tế.

Theo VCCI, năm 2022 và 2023, do biến động kinh tế vĩ mô, lãi suất trên thị trường tín dụng tăng mạnh, khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt mức 30% EBITDA. Thực tiễn này, cộng với quy định tại điểm d, Khoản 2 Điều 5 của Nghị định 132 khiến nhiều doanh nghiệp bị loại chi phí lãi vay vượt ngưỡng, dù họ không hề có biểu hiện chuyển giá do lãi suất khoản vay ngang với mặt bằng chung của thị trường. Năm 2024, khi mặt bằng lãi suất trên thị trường trở về bình thường, những vướng mắc của doanh nghiệp do sự bất hợp lý của điểm d, Khoản 2 Điều 5 đã giảm rất nhiều.

Bên cạnh đó, trong khuyến nghị của mình, OECD cũng thừa nhận rằng cố định một mức khống chế không phản ánh chính xác sự thay đổi của lãi suất theo thời gian, và đề xuất nên có cơ chế linh hoạt tăng – giảm mức trần chi phí lãi vay trong tình huống lãi suất tăng mạnh bất thường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp địa phương.

“Đối với Việt Nam, nếu giữ nguyên mức trần chi phí lãi vay trong các kỳ tính thuế 2022 và 2023 không bảo đảm tính công bằng, phù hợp với nguyên tắc linh hoạt phản ánh theo mức lãi suất thị trường trong tình huống bất thường theo khuyến nghị của OECD. Đồng thời, các doanh nghiệp phải chịu nghĩa vụ thuế bất hợp lý như trên đã phân tích”, VCCI bày tỏ quan điểm.

Từ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép áp dụng nội dung sửa đổi điểm d, Khoản 2 Điều 5 hồi tố cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp 2022 và 2023.

Theo đó, nếu doanh nghiệp đã bị loại bỏ chi phí hợp lý của khoản vay vượt ngưỡng thì sẽ được giảm trừ nghĩa vụ thuế vào các năm tiếp theo. Việc áp dụng hồi tố này không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do không làm tăng nặng trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định giới hạn chi phí lãi vay 30% EBITDA tại điểm a, Khoản 3 Điều 16 của Nghị định 132 trước đó. Như vậy, trong trường hợp hai doanh nghiệp liên kết nội địa, không có chênh lệch thuế suất làm ăn với nhau thì giao dịch cho vay lại bị giới hạn chi phí lãi vay.

VCCI cho rằng, quy định này không hợp lý vì giữa hai doanh nghiệp nội địa không có chênh lệch thuế suất thì không có nhiều động cơ để chuyển giá.

Theo VCCI, không có cam kết quốc tế nào buộc Việt Nam phải áp dụng bình đẳng mức khống chế chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nội địa và giao dịch liên kết quốc tế. Đây là một hiểu nhầm thường thấy trong các cuộc thảo luận về giao dịch liên kết tại Việt Nam.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sua-quy-dinh-ve-giao-dich-lien-ket-de-go-kho-cho-doanh-nghiep-post391756.html