Sức lan tỏa từ các mô hình học tập Chỉ thị số 05 ở huyện Tân Lạc

Sau 4 năm (2016-2020), việc thực hiện các nội dung học tập Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị theo chuyên đề từng năm, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trên địa bàn huyện Tân Lạc. Một trong những điểm nổi bật là sức lan tỏa sâu rộng từ các mô hình học tập trên mọi lĩnh vực chính trị, KT-XH có tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân.

Từ mô hình "Đoạn đường phụ nữ nở hoa" của Chi hội Phụ nữ khu 6, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) đã lan tỏa sâu rộng ra toàn thị trấn và nhiều xã khác trong huyện.

Từ mô hình "Đoạn đường phụ nữ nở hoa" của Chi hội Phụ nữ khu 6, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) đã lan tỏa sâu rộng ra toàn thị trấn và nhiều xã khác trong huyện.

Toàn huyện xây dựng được 48 mô hình điển hình trong học tập Chỉ thị số 05, trong đó, có 19 cá nhân, 29 tập thể tiêu biểu. Các mô hình được xây dựng mới, duy trì, phát triển rộng khắp ở tất cả các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn. Để việc thực hiện tránh hình thức, ngay từ khâu xây dựng mô hình dưới cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền xét duyệt, chỉ đạo định hướng đúng đắn, mang lại hiệu quả cao.

Điển hình như chi hội Phụ nữ khu 6, thị trấn Mãn Đức với mô hình "Đoạn đường phụ nữ nở hoa”. Bà Đỗ Thị Nhung, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ khu 6, tác giả của mô hình này chia sẻ: "Trước đây, tôi chứng kiến thường xuyên hình ảnh hai bên đoạn đường trong khu dân cư mọc nhiều cỏ dại, vật liệu xây dựng của các gia đình đổ ra gây mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm. Do đó, vấn đề này được đưa ra họp bàn, sau nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi thống nhất quyết tâm thực hiện việc trồng hoa dọc hai bên đường để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Sáng kiến này được sự thống nhất cao của 100% hội viên chi hội”.

Từ hiệu quả mô hình trồng hoa của chi hội Phụ nữ khu 6 đã lan rộng ra các khu khác trong toàn thị trấn, với hơn 7 km đường hoa được trồng. Đặc biệt, lan rộng và phát triển mạnh ở các xã khác trong huyện như: Tử Nê, Nhân Mỹ, Đông Lai, Phong Phú… Ngoài ra, một số địa phương khác đã đến học tập kinh nghiệm của chi hội Phụ nữ khu 6 như Hội LHPN huyện Cao Phong, Đà Bắc.

Về cá nhân tiêu biểu trên lĩnh vực kinh tế có bà Đinh Thị Quyết, xã Quyết Chiến, người đứng ra tập hợp các hộ dân thành lập HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến năm 2017. Tổng diện tích sản xuất ban đầu là 6,5 ha, với 39 hộ tham gia. Sau 3 năm hoạt động, HTX phát triển mạnh mẽ với tổng diện tích sản xuất nâng lên 20 ha (tăng 13,5 ha), số hội viên tăng lên 45 hộ. Trong đó, 17 ha trồng su su theo tiêu chuẩn VietGAP, 3 ha trồng các loại khác như cải bắp, đậu cô ve, cà chua. Với cách chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, nên các sản phẩm xuất bán đều đạt chất lượng, năng suất đạt 63 tấn ngọn su su/ha, củ cải Hàn Quốc 40 tấn/ha, cải bắp 40 tấn/ha. Hoạt động hiệu quả, hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 20 – 25 lao động địa phương, thu nhập ổn định. Ngoài các sản phẩm chính, bà Quyết còn tích cực vận động các thành viên mạnh dạn phát triển thêm nhiều loại hình kinh tế khác. Đến nay, các hộ tham gia HTX có thu nhập bình quân từ 120 - 200 triệu đồng/năm, tiêu biểu như: Đinh Văn Thiện, Đinh Thị Nha, Đinh Thị Bằng...

Đồng chí Bùi Thị Thương, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Lạc cho biết: "Huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình có hiệu quả, để tạo điều kiện cho Nhân dân được hưởng lợi toàn diện. Đặc biệt, chú trọng vào chất lượng hoạt động mô hình, nghiên cứu điều kiện thực tế từng nơi, để xây dựng mô hình phù hợp, hiệu quả, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Thanh Sơn

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/141539/suc-lan-toa-tu-cac-mo-hinh-hoc-tap-chi-thi-so-05-o-huyen-tan-lac.htm