Tấm lòng của người bảo vệ với học trò nghèo

Em nào cần xe đạp để đến trường thì ông tặng xe đạp, cần bàn học ông tặng bàn học, cần bút viết, sách vở… thì ông tặng phù hợp với nhu cầu của từng em. Với người bảo vệ này, việc làm của ông như một cách bù đắp lại những sai lầm trong quá khứ mà ông chưa thể chăm lo cho gia đình và các con đến nơi đến chốn.

Ông Nguyễn Hữu Trọng trao tặng những phần quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ông là Nguyễn Hữu Trọng, người đã gắn bó với công việc bảo vệ hơn 10 năm qua tại Trường Tiểu học (TH) Võ Thị Sáu (huyện Đạ Tẻh). Một ngày nọ, bỗng dưng ông xin Ban Giám hiệu nhà trường cho nghỉ phép mấy ngày, việc làm xưa nay hiếm đối với ông. Ông bảo, ông cần đi vài ngày để thực hiện một tâm nguyện và tâm nguyện đó của ông sau này mọi người mới biết đó là kiếm một ít tiền để mua quà tặng học trò nghèo nhân dịp khai giảng năm học mới. Ông làm điều đó chỉ vì một sự thôi thúc trong lòng là các cháu học sinh còn nhiều khó khăn, như các con của ông trước đây, cần có sự động viên, khích lệ để các cháu có thêm động lực vươn lên trong học tập.

Ðiều đặc biệt là số tiền 21,6 triệu đồng ông “vận động” được lại từ chính các con của ông đóng góp.

Ông chia sẻ: “Các con hiểu tâm nguyện của bố nên khi đặt vấn đề là chúng nó đồng ý ngay. Số tiền không lớn nhưng bản thân tôi làm được một việc hữu ích cho các cháu học trò còn khó khăn thì nó trở nên vô cùng ý nghĩa”.

Có tiền rồi, ông nhờ giáo viên trong trường tập hợp danh sách các em học sinh nghèo khó. Các em có nhu cầu gì thì ông tặng nấy, từ bán ghế học tập, xe đạp đến gạo mắm hoặc tiền mặt. Có 18 em đã được nhận những phần quà của bác bảo vệ vốn đã thân thương với các em trong nhiều năm học. Ông Trọng chia sẻ: “Khi các con còn nhỏ, tôi chưa lo đến nơi đến chốn nên các con chịu nhiều thiệt thòi, giờ tôi muốn làm điều có ý nghĩa để bù đắp cho sự tắc trách của mình trước đây. Sự bù đắp đó không gì tốt hơn là chăm lo cho các cháu học sinh. Bởi lẽ, chính vì mình đã từng trải qua nên hiểu rằng khi bước vào năm học mới mà các cháu không có quần áo, tập sách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, ảnh hưởng đến việc học của các cháu rất nhiều”. Đây là lần đầu tiên ông dùng số tiền lớn để lo cho các em học sinh, còn trong suốt thời gian làm bảo vệ tại trường, ông vẫn thường xuyên quan tâm giúp đỡ các em học sinh trong trường hoặc các em có hoàn cảnh khó khăn khác tại địa phương. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Sâm chia sẻ, mỗi năm, bác Trọng đều giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của bác cứ âm thầm, lặng lẽ không cần ai biết đến. Ngay như khi nhận số tiền làm thêm vào cuối năm, bác cũng dành hết lại để mua quà cho các cháu. Cách bác làm đã tạo được sự lan tỏa rất lớn trong nhà trường. Ai cũng nghĩ lương bác bảo vệ dù ít ỏi nhưng bác vẫn làm được nên mỗi giáo viên trong trường cũng nâng cao tinh thần chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và vận động phụ huynh hỗ trợ thêm. Từ đó, đã tạo sự lan tỏa tình yêu thương mạnh mẽ trong nhà trường. “Đến nay, hoạt động từ thiện nhân đạo trong nhà trường được thực hiện rất tốt, nhất là phong trào nuôi heo đất để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nhà trường còn vận động các mạnh thường quân giúp đỡ mỗi năm 2 địa chỉ nhân đạo trong trường, vận động làm sổ tiết kiệm cho học sinh nghèo…” - cô Sâm cho biết thêm.

Về phần mình, ông Trọng không hứa trước sẽ làm điều gì tiếp theo để giúp đỡ các em học sinh nhưng trong thâm tâm ông luôn mong muốn thực hiện điều gì đó có ý nghĩa hơn nữa. Nhưng với tôi, điều ý nghĩa ông đã làm được không chỉ là những phần quà tặng các cháu học sinh mà còn là sự giáo dục về đạo đức, lối sống, biết thương yêu mọi người, quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Điều này được chính cháu nội của ông Trọng là Nguyễn Thị Thảo My học được từ ông của mình. Cháu là một trong hai học sinh của Trường TH Võ Thị Sáu đã có hành động đẹp khi trả lại số tiền lớn cho người bị đánh rơi bóp vào cuối tháng 5 vừa qua. Hành động đẹp của cháu My như một bài học đạo đức mà My học được từ chính người ông của mình.

Hơn 10 năm về làm bảo vệ Trường TH Võ Thị Sáu, ông Trọng còn được xem là người đàn ông trụ cột của ngôi trường này. Bởi lẽ, giáo viên trong trường chủ yếu là nữ nên mọi việc từ sửa chữa điện, bàn ghế, máy bơm nước đến cắt tỉa, chăm lo cho khuôn viên cây xanh trong trường đều do một tay ông cáng đáng. Dẫu biết rằng, đó là một phần công việc ông phải làm nhưng nếu không có tinh thần trách nhiệm, không có lòng yêu thương thì ông khó chăm chút, tỉ mỉ cho công việc đến thế. Như ông chia sẻ, thực hiện được tâm nguyện là ông nghĩ mình về hưu được rồi. Thế nhưng, tình cảm dành cho các em học sinh mới vào, tình cảm dành cho thầy cô trong trường, dành cho cả những cô làm bếp thì ông lại muốn làm nhiều hơn cho nhà trường.

Nghĩa cử cao đẹp của người bảo vệ Nguyễn Hữu Trọng đã được ghi nhận và biểu dương như một tấm gương sáng về học tập và làm theo gương Bác của huyện Đạ Tẻh.

ÐÔNG ANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201908/tam-long-cua-nguoi-bao-ve-voi-hoc-tro-ngheo-2958149/