Tân Trào kết nối tình hữu nghị quốc tế

Những ngày giữa tháng Tư, Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã có chuyến đi ý nghĩa tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Tuyên Quang.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đình Tân Trào. (Ảnh: Hồng Ninh)

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đình Tân Trào. (Ảnh: Hồng Ninh)

Đã trở thành truyền thống, hàng năm, VUFO đều phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình thăm quan di tích lịch sử, các công trình văn hóa và giao lưu với đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Hà Nội.

Sau hai năm phải tạm dừng do đại dịch Covid-19, chương trình giao lưu năm nay đã trở lại trên mảnh đất Tuyên Quang, trong không khí nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch...

Về chiến khu cách mạng

Là mảnh đất “thủ đô kháng chiến”, Tuyên Quang có truyền thống văn hóa giàu bản sắc của nhiều dân tộc và là một trong những điểm du lịch văn hóa, sinh thái ấn tượng của vùng Việt Bắc.

Chương trình giao lưu hữu nghị quốc tế càng đặc biệt hơn khi được tổ chức đúng vào năm kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về lại Tuyên Quang chỉ đạo toàn quốc kháng chiến, cũng là Năm Du lịch Tuyên Quang.

Đã từ lâu, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành niềm vinh dự, tự hào của nhân dân tỉnh Tuyên Quang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương đã ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Về thăm lại chiến khu cách mạng năm xưa, Đoàn đại biểu do Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga làm Trưởng đoàn đã có chương trình giao lưu hấp dẫn và nhiều kỷ niệm đẹp. Đoàn được lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Tuyên Quang và Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương đón tiếp thân tình và nồng hậu.

Địa điểm đầu tiên đoàn đặt chân đến là Lán Nà Nưa-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/1945 để chỉ đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa và lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Nằm trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng, căn lán do Bác trực tiếp đi chọn địa điểm vẫn đơn sơ dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng yêu cầu mà Bác đề ra: gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Đây cũng là nơi Người đã nói câu bất hủ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Nơi tham quan tiếp theo là Đình Tân Trào-địa điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề quyết tâm giành độc lập dân tộc trước Quốc dân Đại hội Tân Trào và Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng. Đặc biệt, các đại biểu còn được trực tiếp thưởng thức những làn điệu hát Then mượt mà, đằm thắm do các nghệ sĩ dân tộc Tày ở Tuyên Quang biểu diễn giữa khung cảnh thơ mộng trên hồ Nà Nưa.

Với Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila, chuyến đi rất hữu ích bởi đã giúp bà và bạn bè quốc tế có thể hiểu thêm được về những địa danh lịch sử của Việt Nam cũng như góp phần giáo dục truyền thống yêu nước.

Đại sứ chia sẻ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến thăm Romania và Người đã truyền cảm hứng về lòng yêu nước cho dân tộc chúng tôi cũng như nhiều nước trên thế giới. Chủ nghĩa yêu nước luôn được đề cao trên thế giới và giúp chúng ta chiến thắng, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia. Chính chủ nghĩa yêu nước cũng hun đúc và khơi dậy lòng tự hào dân tộc của người dân mỗi nước”.

Đoàn đại biểu tham quan và nghe giới thiệu về địa danh lán Nà Nưa. (Ảnh: Hồng Ninh)

Đoàn đại biểu tham quan và nghe giới thiệu về địa danh lán Nà Nưa. (Ảnh: Hồng Ninh)

Mở ra cơ hội hợp tác

Trở về thị trấn Sơn Dương, đoàn tiếp tục được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ truyền thống cùng những món ăn đặc sản mang hương vị riêng của núi rừng... Những món quà nhỏ như chè shan tuyết cổ thụ Hồng Thái-Na Hang, mật ong hương rừng... gửi tới các đại biểu cũng ấm áp như tình người và mảnh đất nơi đây.

Bày tỏ niềm vinh dự là điểm đến của chương trình giao lưu hữu nghị quốc tế năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh và nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết Tuyên Quang hiện có hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Là tỉnh có 22 dân tộc cùng chung sống, Tuyên Quang chính là nơi giao thoa của những sắc thái văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc với những lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, đặc biệt có di sản Then nằm trong Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đến Tuyên Quang, đoàn có cơ hội khám phá Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội Thành Tuyên, Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình với những cánh rừng nguyên sinh và hệ sinh thái động, thực vật phong phú. Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn suối khoáng nóng Mỹ Lâm nổi tiếng về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng với nhiệt độ nước khoáng trên 69 độ C.

Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn hy vọng những giá trị về truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, cảnh quan, nét đẹp của người Tuyên Quang sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu. Ông hy vọng các đại biểu sẽ trở thành cầu nối, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân các nước và tỉnh.

Đoàn đại biểu dâng hương tại lán Nà Nưa.

Đoàn đại biểu dâng hương tại lán Nà Nưa.

Đại sứ Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan cho biết ông rất xúc động khi được đến thăm những di tích lịch sử gắn liền với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do.

Đại sứ chia sẻ, ông và các đại biểu rất ấn tượng trước sự phát triển kinh tế-xã hội của Tuyên Quang cùng thiên nhiên tươi đẹp và truyền thống lịch sử, văn hóa đa sắc màu của tỉnh. Ông khẳng định: “Đối ngoại nhân dân, giao lưu nhân dân có vai trò quan trọng trong tăng cường hợp tác quốc tế, tình hữu nghị giữa nhân dân các nước, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Chúng tôi đánh giá cao hoạt động của VUFO. Chúng tôi sẽ trở lại Tuyên Quang và sẽ giới thiệu cho các đồng nghiệp, bạn bè, người thân về Tuyên Quang”.

Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga bày tỏ vui mừng vì chương trình giao lưu năm nay đã đem đến cho bạn bè quốc tế nhiều trải nghiệm thú vị về Tuyên Quang. Bà tin rằng những cơ hội hợp tác mới giữa các bạn bè quốc tế với địa phương sẽ được mở ra trong thời gian tới.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-trao-ket-noi-tinh-huu-nghi-quoc-te-181016.html