Tăng cường phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ đông xuân

ĐBP - Hiện nay, ở các tỉnh phía Bắc, nhiều diện tích cây trồng vụ đông xuân bị sâu bệnh gây hại, chủ yếu là bệnh đạo ôn lá. Trước tình hình đó, sáng nay (7/4) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến về 'Tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ đông xuân các tỉnh thành phố phía Bắc'.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Thời tiết vụ đông xuân 2019 - 2020 đang có những diễn biến khó lường, từ cuối tháng 3 đến nay có mưa nhỏ, ẩm độ cao liên tục là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, thậm chí là bệnh bạc lá.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá tại các tỉnh Bắc Trung Bộ khoảng 3.610ha (tăng 178% so cùng kỳ năm trước); trong đó 245ha nhiễm nặng, 18,5ha cháy chòm phân bố tại các tỉnh: Thanh Hóa (11,23ha); Nghệ An (1.830,7ha), Hà Tĩnh (775ha), Quảng Bình (426ha), Quảng Trị (567ha). Bệnh đạo ôn cổ bông đã phát sinh gây hại trên diện tích nhiễm 204,2ha (tăng 283% so cùng kỳ năm trước), phân bố tại Nghệ An (1,2ha), Quảng Bình (10ha), Huế (193ha). Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh trên diện tích 4.281ha (tăng 115% so cùng kỳ năm trước); trong đó nhiễm nặng 58,2ha, mật độ phổ biến 3-15 con/m2, cao 20-70 con/m2; tập trung nhiều nhất tại các tỉnh: Nghệ An (601ha), Quảng Bình (1.004ha) Quảng Trị (126ha), Thừa Thiên Huế (2.501ha)…

Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại từ đầu tháng 3/2020 trên trà lúa sớm và tăng nhanh, gây hại nặng từ cuối tháng 3 đến nay. Bệnh gây hại trên lá, cổ lá đòng ở hầu hết các tỉnh trong vùng trên các giống: BC15, J02, TBR225, nếp thơm… tỷ lệ phổ biến 1-5%, cao 10-20%, cá biệt 70-80% số lá. Tổng diện tích nhiễm 9.948ha. Rầy nâu, rầy lưng trắng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và Trung du Miền núi phía Bắc cũng đang bùng phát mạnh với tổng diện tích nhiễm rầy lứa 1 là 1.156ha (tăng 1.043ha so cùng kỳ năm trước), hại diện hẹp giai đoạn cuối đẻ - phân hóa đòng mật độ phổ biến 50-100 con/m2, cao 200-500 ccon/m2, cá biệt 800-1.500 con/m2 tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 vũ hóa rộ từ đầu đến giữa tháng 3/2020, sâu non hại từ giữa đến cuối tháng 3/2020 trên lúa xuân sớm, xuân chính vụ với diện tích nhiễm 5.662ha (tăng 5.568 ha so cùng kỳ năm trước).

Tại Điện Biên, tình hình sinh vật gây hại vụ đông xuân 2019-2020 diễn biến khá phức tạp. Bệnh đạo ôn lá xuất hiện gây hại chủ yếu trên giống lúa Séng cù, Bắc thơm số 7... mức độ gây hại tăng so với cùng kỳ năm trước với tổng diện tích nhiễm là 1.044ha; diện tích nhiễm bệnh khô vằn 286ha; bệnh bạc lá vi khuẩn gây hại 91ha. Bên cạnh đó, sâu keo mùa thu gây hại trên ngô với tổng diện tích nhiễm 24,1ha; châu chấu tre đẻ trứng trên rừng họ tre trúc tại 5 huyện với tổng diện tích nhiễm 5ha.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương nắm chắc tình hình sâu bệnh hại. Trong 1 tháng tới là thời điểm quyết định đến năng suất, sản lượng lúa, do đó, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác dự báo tình hình sâu, bệnh hại trên các trà lúa đông xuân. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện công tác phòng, trừ sâu bệnh. Các địa phương cần đặc biệt chú ý đến sâu keo mùa thu hại ngô, lúa; châu chấu tre phát sinh tại chỗ và di thực từ Lào sang. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, các tỉnh tổ chức tái đàn lợn nhanh nhưng cần đảm bảo an toàn. Chăn nuôi gia cầm cần đa dạng các loại giống để đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm.

Tin, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/177084/tang-cuong-phong-chong-sinh-vat-gay-hai-cay-trong-vu-dong-xuan