Tạo sức bật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy nội lực

Là thành phần quan trọng, chủ lực của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của tỉnh đang từng bước lớn mạnh cả về quy mô, số lượng, giúp tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, DNNVV gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do được ký kết như hiện nay. Để DNNVV vững bước hội nhập, tỉnh cần triển khai các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, chiều sâu, phù hợp với đặc điểm quy mô DNNVV và tình hình thực tiễn, từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh nội tại của doanh nghiệp (DN).

Được sự hỗ trợ của tỉnh, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) từng bước tạo dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường, trở thành đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp FDI, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.Ảnh: Chu Kiều

Được sự hỗ trợ của tỉnh, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) từng bước tạo dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường, trở thành đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp FDI, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.Ảnh: Chu Kiều

Với mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025, DNNVV được xác định đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế với số lượng vượt trội, chiếm tới 97% tổng số DN trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2013 - 2020, DNNVV đóng góp hơn 15% GRDP của tỉnh, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; nộp ngân sách Nhà nước hàng năm chiếm 4,4% tổng thu ngân sách; tạo thêm khoảng 70 nghìn việc làm mới, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu đặt ra, DNNVV của tỉnh phải từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh, cung ứng được sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực; có khả năng liên kết, hợp tác với các DN FDI tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.

Thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động, DNNVV lại đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chiếm số lượng lớn trong tổng số DN nhưng DNNVV trên địa bàn tỉnh đa phần có quy mô nhỏ, thiếu mặt bằng SXKD, khả năng tiếp cận vốn tín dụng hạn chế, trình độ quản lý, trình độ công nghệ và sức sáng tạo thấp…

Mặt khác, từ năm 2020 đến nay, dưới tác động của đại dịch Covid - 19, hơn 400 DNNVV trên địa bàn tỉnh đã phải giải thể và tạm dừng kinh doanh.

Xác định rõ vai trò và những khó khăn, thách thức đối với DNNVV, công tác hỗ trợ DNNVV được tỉnh quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt các nhiệm kỳ.

Đặc biệt sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời và có hiệu lực, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DNNVV tại tỉnh từng bước được hoàn thiện, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho DN phát triển.

Giai đoạn 2013- 2020, tỉnh đã giới thiệu 188 địa điểm cho các DNNVV thực hiện dự án riêng lẻ với tổng diện tích gần 260 ha; ký hợp đồng thuê đất đối với hơn 500 tổ chức trên tổng diện tích 3.000 ha; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 650 doanh nghiệp trên tổng diện tích 700 ha.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cho hơn 17.100 lượt DNNVV vay vốn với tổng số tiền gần 67.800 tỷ đồng; trong số này, đã có hàng nghìn DNNVV SXKD thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ được hưởng chính sách hỗ trợ như miễn giảm lãi vay, ưu đãi lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn thuế đất, miễn giảm tiền điện...

Tỉnh cũng đã tổ chức 400 lớp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DNNVV với gần 15.500 lượt học viên tham gia.

Xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc gia nhập các Hiệp định Thương mại như: AFTA, APEC, WTO đặt ra thách thức lớn đòi hỏi các DNNVV phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để DNNVV phát triển trong bối cảnh kinh tế hội nhập, tỉnh đã đề ra các nhóm mục tiêu chính gồm triển khai đồng bộ, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ DNNVV của Trung ương trên cơ sở Luật hỗ trợ DNNVV; khuyến khích DNNVV thành lập mới, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập DN.

Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong DN, tạo điều kiện cho DN khai thác lợi ích từ công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong DNNVV, nâng cấp DN, từng bước nâng cao chất lượng của một bộ phận DNNVV hoạt động trong nền kinh tế có khả năng cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

Tỉnh đang xây dựng Đề án Hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021- 2025 trình HĐND tỉnh xem xét. Nếu được thông qua trong thời gian tới, bên cạnh việc bổ sung, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cũ phù hợp với tình hình mới, DNNVV sẽ được hỗ trợ sâu hơn trong các vấn đề liên quan đến thông tin tư vấn pháp lý; thành lập DN; tham gia chuỗi giá trị... theo hướng có trọng tâm, thời hạn phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực.

Hơn nữa, nếu DNNVV được hưởng các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ, DN sẽ được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DNNVV của tỉnh trong thời gian tới, khối DNNVV sẽ từng bước lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng, đóng góp chiếm tỉ lệ cao hơn trong cơ cấu thu ngân sách của tỉnh, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71165/tao-suc-bat-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-huy-noi-luc.html