Tạo thuận lợi cho học sinh chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD&ĐT đề xuất. Theo đó, thay vì Kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm, các địa phương sẽ tổ chức kỳ thi với mục đích lấy kết quả để xét tốt nghiệp.

Không còn kỳ thi “2 trong 1”

Được tổ chức từ năm 2015, Kỳ thi THPT quốc gia là sự kiện quan trọng của ngành giáo dục, được xã hội đặc biệt quan tâm. Đây là kỳ thi “2 trong 1” với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (CĐ, ĐH). Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT trước đó, phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh, kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8 tới đây. Do vậy, kỳ thi năm nay sẽ không như mọi năm mà chỉ với một mục đích là để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là tổ chức an toàn, nghiêm túc, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường CĐ, ĐH sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đóng vai trò chỉ đạo, ban hành quy chế hướng dẫn, cung cấp các phần mềm chấm thi, phần mềm quản lý thi, tiến hành thanh tra, giám sát. Nếu như năm ngoái, Bộ GD&ĐT cử cán bộ các trường đại học coi thi thì năm nay, cán bộ coi thi dự kiến hoàn toàn của các địa phương. Các địa phương là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc tổ chức từ khâu coi thi, chấm thi, được công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp.

Một điểm mới nữa của kỳ thi năm nay là ngoài lực lượng thanh tra của bộ, thanh tra của sở, dự kiến kỳ thi sẽ lập thêm lực lượng thanh tra thi của UBND các tỉnh. Để bảo đảm tính thống nhất trong cả nước cũng như tính khách quan, công bằng trong đánh giá giữa các địa phương, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ sử dụng đề thi chung của bộ, dự kiến gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.

Mỗi bài thi tổ hợp được chấm chỉ với một đầu điểm, không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây. Dựa trên nguyên tắc “học gì thi nấy”, nội dung đề thi sẽ phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ II lớp 12 đã được Bộ GD&ĐT công bố; sẽ dễ hơn, giảm độ phân hóa so với các năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 Các thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Các thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Vừa mừng vừa lo

Những thay đổi của kỳ thi THPT năm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh, phụ huynh lẫn các nhà trường. Tuy đề thi năm nay sẽ “dễ thở” hơn so với các năm trước nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hà (thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), có con đang học lớp 12 Trường THPT Đa Phúc, không khỏi lo lắng: “Tôi sợ con bị áp lực khi phương án thi thay đổi đột ngột. Năm học này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thay vì học trực tiếp trên lớp, các con phải học bằng hình thức trực tuyến trong khoảng thời gian dài. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới việc học tập của các con”.

Trong khi đó, dù có một chút áp lực nhưng em Nguyễn Đỗ Thành Hưng, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lạc Long Quân (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Kế hoạch ôn thi của em không thay đổi nhiều. Kiến thức cơ bản em nắm khá chắc nên những thay đổi của kỳ thi sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới việc học tập của em”.

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã nhanh chóng lên kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ nay đến khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, thời gian không còn nhiều. Việc bộ đưa ra phương án thi bất ngờ vào lúc này chắc chắn khiến tâm lý học sinh lo lắng. Tuy nhiên, trường đã chủ động trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng, tư duy để giải quyết các vấn đề đặt ra của kỳ thi năm nay từ trước. Hiện tại, để bảo đảm việc thi tốt nghiệp, nhà trường tập trung dạy và ôn tập những kiến thức cơ bản theo đúng nội dung tinh giản của Bộ GD&ĐT. Đối với các em có học lực khá, giỏi, trường sẽ trang bị cho các em những kiến thức nâng cao để có đủ năng lực tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học tốp đầu”.

Giữ tinh thần học tập nghiêm túc

Chia sẻ với các học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có hoàn cảnh khó khăn, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Bộ sẽ sớm công bố đề thi tham khảo phù hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa công bố”. Như vậy, đây sẽ là lần thứ hai Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo trong năm nay. Bộ cũng đang triển khai ngay các công việc cụ thể để chuẩn bị tổ chức tốt nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đánh giá cao phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của Bộ GD&ĐT. Thay đổi này của kỳ thi THPT sẽ đẩy nhanh tốc độ cải tiến, đổi mới của ngành GD&ĐT, vừa phù hợp thực tiễn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa đáp ứng xu thế phát triển của giáo dục hiện đại. TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên: “Dù hình thức thi nào thì thầy cô cũng phải dạy tốt, học sinh cũng phải học tốt thì mới đạt được kết quả cao. Các em học sinh phải tập trung học tập và ôn thi nghiêm túc. Đây cũng là dịp để các em trau dồi kỹ năng tự học, đề cao năng lực bản thân”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tao-thuan-loi-cho-hoc-sinh-chuan-bi-ky-thi-tot-nghiep-thpt-616360