Tạo việc làm cho lao động nông thôn: Cách làm của huyện Kim Sơn

Từ năm 2012 đến nay, huyện Kim Sơn đã thực hiện đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, trong đó riêng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia đào tạo gần 5.000 lao động, tổng số kinh phí đào tạo nghề từ nguồn xã hội hóa là trên 4 tỷ đồng. Với sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, lao động nông thôn sau khi được học nghề đều đảm bảo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.

Từ đôi bàn tay tài hoa của người thợ, nhiều sản phẩm cói đã được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, tìm mua. Ảnh: PV

Từ đôi bàn tay tài hoa của người thợ, nhiều sản phẩm cói đã được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, tìm mua. Ảnh: PV

Hiện nay, Xí nghiệp Cói Năng Động (huyện Kim Sơn) đang sở hữu lượng lao động lên tới hàng ngàn người, trong đó chủ yếu là lao động vệ tinh, rải đều ở các huyện như Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thành phố Tam Điệp… và một số tỉnh lân cận. Mức lương mỗi tháng đối với lao động làm đều đặn vào khoảng trên 5 triệu đồng. Công việc chính của những lao động này là làm các sản phẩm mỹ nghệ từ cói.

Ông Đỗ Như Phong, Giám đốc Xí nghiệp Cói Năng Động cho biết: Xí nghiệp được thành lập từ năm 1991 với loại hình sản xuất, kinh doanh là xuất khẩu hàng cói mỹ nghệ. Với nỗ lực trong suốt nhiều thập kỷ qua, hiện nay, các sản phẩm của doanh nghiệp có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, xí nghiệp xuất từ 250-300 container hàng sang các thị trường này.

"Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ vốn rất kỹ tính, có sự cạnh tranh gay gắt. Yêu cầu đặt ra cho mỗi sản phẩm là phải thể hiện được kỹ thuật, độ tinh xảo cao, do đó những người thợ đòi hỏi phải có đôi bàn tay thực sự lành nghề, khéo léo và cẩn thận. Mỗi lô hàng trong hợp đồng mới lại có mẫu mã khác nhau. Để thực hiện được, xí nghiệp phải liên tục cập nhật kỹ thuật, bắt kịp các xu thế mới để thích ứng và đảm bảo chất lượng và mẫu mã cho từng lô hàng. Như vậy, việc đào tạo nghề cho người lao động là một nhiệm vụ mà xí nghiệp phải thực hiện rất thường xuyên, liên tục"- ông Đỗ Như Phong khẳng định.

Theo đó, trước khi bước vào sản xuất lô hàng mới, xí nghiệp đều cử cán bộ kỹ thuật đi dạy nghề cho lao động vệ tinh. Với cách làm "cầm tay chỉ việc", người biết dạy người chưa biết nên việc cập nhật mẫu mã mới đối với lao động không khó khăn và tốn thời gian. Trong thời gian học nghề, lao động được doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí, ngoài ra, vẫn có thể tạo ra sản phẩm, có thêm thu nhập.

Dẫu chi phí cho công tác đào tạo nghề không phải ít, tuy nhiên, theo lãnh đạo xí nghiệp thì đó là cái giá xứng đáng. Vì tay nghề người lao động sẽ quyết định chất lượng sản phẩm của lô hàng. Với cách làm này, xí nghiệp đã ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế trong hàng chục năm qua.

Nghề phụ nhưng mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều lao động nông thôn. Ảnh: Đào Hằng

Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh, các đơn vị, các doanh nghiệp… đã thực hiện đào tạo và liên kết đào tạo nghề cho trên 10.000 lao động nông thôn. Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức dạy nghề cho 4.905 lao động nông thôn, cam kết tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm cho người lao động.

Kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hỗ trợ là trên 4,5 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, điển hình như: Doanh nghiệp tư nhân Ba Lan với nghề đan cói, bèo bồng; Doanh nghiệp Thùy Dung với nghề may công nghiệp; Doanh nghiệp Chiếu cói Quang Phong; Doanh nghiệp Chiếu cói Kim Sơn...

Đối tượng học nghề bao gồm: Lao động nông nhàn, lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp, lao động chuyển đổi nghề, lao động là người tàn tật và dạy nghề phục vụ cho công tác xuất khẩu lao động... Đáng chú ý, nhờ có sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp trong việc dạy nghề nên vấn đề tạo việc làm cho người lao động sau học nghề đạt trên 90%, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động. Không chỉ dừng lại ở đó, nguồn lao động này tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tay nghề hàng năm để đáp ứng kịp sự thay đổi của công nghệ và xu thế kỹ thuật trên thị trường, vị trí việc làm và mức thu nhập cũng vì thế mà được nâng cao hơn.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn khẳng định: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp căn cơ nhất nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, công tác tuyên truyền luôn được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng và tăng cường chỉ đạo thông qua nhiều hình thức. Từ đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm…

Đặc biệt, một thành công lớn trong công tác đào tạo nghề ở Kim Sơn, đó là địa phương đã huy động sự tham gia rất tích cực của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút đa dạng đối tượng học nghề. Dù là dạy nghề phổ thông hay đào tạo tay nghề có kỹ thuật thì khi doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo nghề, người học sẽ được đảm bảo việc làm nếu đạt yêu cầu sau đào tạo. Trong quá trình học, người lao động được tiếp cận thực tế nhanh chóng, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.

Qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho thấy, để triển khai hoạt động đào tạo nghề, doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, xây dựng giáo trình cũng như đội ngũ giáo viên giảng dạy có chất lượng. Khi tham gia đào tạo nghề, doanh nghiệp cũng chủ động chương trình đào tạo, sát với nhu cầu của đơn vị. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, phục vụ hiệu quả nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Đối với người lao động, khi được các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề một cách bài bản, họ sẽ tiếp thu được các kiến thức tại cơ sở đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua thực hành tại doanh nghiệp. Ngoài ra, người lao động cũng được tiếp xúc, làm việc với những thiết bị tiên tiến, kỹ thuật hiện đại do doanh nghiệp đầu tư, từ đó họ không bị tụt hậu với sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-cach-lam-cua-huyen-kim/d20220812142555915.htm