Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn mới

Với quan điểm 'Giao thông mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển', thời gian qua, bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và sự đồng lòng, tham gia đóng góp của người dân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, hàng loạt công trình giao thông nông thôn được triển khai, tạo động lực cho huyện Cái Bè thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

NHÂN DÂN ĐỒNG LÒNG

Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Cái Bè về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2020 - 2025, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, các ngành, các cấp, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhờ đó, phong trào làm đường giao thông nông thôn tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện thu hút đông đảo người dân tham gia bằng nhiều việc làm cụ thể, tạo sự lan tỏa, chuyển biến tích cực.

Tân Hưng là địa phương xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cái Bè, được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018 và đang nỗ lực phấn đầu ra mắt xã NTM nâng cao vào năm 2024. Kể từ khi đạt chuẩn NTM, bộ mặt xã thay đổi rõ rệt, trong đó đáng chú ý là kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được khang trang, hoàn thiện.

Công trình cầu dây văng bắc qua sông Cổ Cò góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Công trình cầu dây văng bắc qua sông Cổ Cò góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Ông Trần Văn Bé, người dân ngụ ấp 1, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, cho biết: “Từ những ngày đầu triển khai xây dựng xã NTM Tân Hưng, được các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, tôi nhận thức được việc xây dựng NTM không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, mà người dân mới giữ vai trò chính và là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. Khi nhà nước phát động phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, gia đình tôi sẵn lòng hiến phần đất dài 36 m, ngang 4 m. Sau khi đã hiến đất và làm đường xong, tôi nhận thấy, đời sống của người dân rất thoải mái”.

Còn với ông Nguyễn Văn Còn (ấp Hậu Phú A, xã Hậu Mỹ Bắc A), mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, thế nhưng khi nghe chính quyền xã Hậu Mỹ Bắc A triển khai kế hoạch xây dựng NTM, trong đó có việc mở rộng và nâng cấp tuyến đường Tây kinh 8, Quan Cư, gia đình ông đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào và căn nhà trị giá 300 triệu đồng làm đường. Bên cạnh đó, ông còn là một tuyên truyền viên vận động người dân trong ấp tích cực hiến đất, di dời cây trồng, vật kiến trúc, đóng góp ngày công lao động, cùng với chính quyền xây dựng các tuyến đường nông thôn.

Theo UBND xã Hậu Thành, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hậu Thành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Cùng với đó, xã đã thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Hậu Thành đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động để mở những con đường liên ấp, liên xã, chẳng hạn: Tuyến đường từ cầu Cái Nứa đến kinh Đất Sét dài 1.000 m, nền 5 m, mặt 3,5 m; tuyến từ Ba Tre đến cầu Sập dài 2.170 m, nền 5 m, mặt 3 m; tuyến Tây kinh số 7 dài 2.380 m, nền 4 m, mặt 3 m,…

Ông Bé và ông Còn là một trong rất nhiều cá nhân tiêu biểu cho phong trào hiến đất làm đường, xây dựng NTM ở huyện Cái Bè. Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cái Bè, để xây dựng thành công huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2023, huyện Cái Bè đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân hiến 56.376 m2 đất làm công trình, 4.133 ngày công lao động, 4,5 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn…

TẠO DIỆN MẠO MỚI

Thời gian qua, huyện Cái Bè luôn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có khoảng 90 km đường nông thôn đã được đầu tư xây dựng nâng cấp khang trang, trong đó đường xã có mặt rộng từ 3 m trở lên chiếm khoảng 50%, còn lại là đường xóm ấp có mặt rộng từ 2m…

Cùng với đó, huyện cũng quan tâm, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án do tỉnh, Trung ương đầu tư như: Hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; thi công cầu Mỹ Thuận 2; đường dẫn đầu cầu: Rạch Miễu, Bà Lâm, Mỹ Đức Tây trên tuyến Quốc lộ 1A. Trong khả năng nguồn lực của huyện, kết hợp nguồn tỉnh phân cấp, bổ sung có mục tiêu, UBND huyện đã triển khai và đưa vào sử dụng một số tuyến đường nội ô, đường huyện, đường liên xã góp phần tạo thuận lợi cho đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành một số công trình giao thông lớn vừa là điểm nhấn như: Mở rộng đường tỉnh 875, đường Nguyễn Văn Tốt, nâng cấp tuyến đường dọc kinh 28 (từ Quốc lộ 1A đến đường tỉnh 863), cầu Vàm Cái Thia, cầu qua sông Mỹ Đức Tây, đường Làng nghề bánh phồng…

Hạ tầng giao thông huyện Cái Bè ngày càng được hoàn thiện.

Hạ tầng giao thông huyện Cái Bè ngày càng được hoàn thiện.

Theo đánh giá của UBND huyện Cái Bè, thời gian qua, cùng với Trung ương, tỉnh Tiền Giang, huyện Cái Bè đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các công trình giao thông trọng điểm như cầu Vàm Trà Lọt, đường Xẻo Mây, đường dọc sông Tiền, đường Nguyễn Văn Tốt… Có thể thấy, các công trình giao thông trọng điểm đã và đang triển khai thực hiện góp phần làm tăng tính liên kết giữa Cái Bè với các địa phương trong tỉnh, giữa Cái Bè với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ở phần lớn các xã có sự thay đổi tích cực, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân được nâng lên. Hầu hết các xã đều có đường xe ô tô 4 bánh đến trụ sở UBND xã, thị trấn. Đây được xem là chiến lược quan trọng thúc đẩy huyện Cái Bè phát triển toàn diện về mọi mặt trong thời gian tới.

Để tạo được quy hoạch đồng bộ cho huyện, bên cạnh nguồn vốn ngân sách của Trung ương và của tỉnh đầu tư, trong thời gian tới, huyện Cái Bè tiếp tục kêu gọi, vận động xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư các dự án, công trình mang tính cấp thiết, phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn.

ĐỖ PHI - T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202409/chuyen-trang-truyen-thong-va-giam-ngheo-ve-thong-tin-huyen-cai-be-tap-trung-dau-tu-ha-tang-giao-thong-nong-thon-moi-1022415/