Tập trung xử lý rác thải rắn

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền nhằm từng bước thực hiện đề án xử lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2022, huyện Nam Sách sẽ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đối với 79 thôn, khu dân cư trong toàn huyện

Trong năm 2022, huyện Nam Sách sẽ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đối với 79 thôn, khu dân cư trong toàn huyện

Trong đó, UBND cấp huyện tập trung xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại, thu gom và xử lý CTR sinh hoạt.

Đặt mục tiêu cụ thể

Cuối tháng 8.2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Xử lý CTR trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện đề án trên địa bàn. Theo đề án, trong năm 2022 cấp huyện sẽ lựa chọn thực hiện thí điểm việc phân loại rác thải tại nguồn ở 2 xã. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, huyện Nam Sách đã chỉ đạo thực hiện đồng loạt. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách, trong năm nay huyện sẽ thực hiện phân loại CTR tại nguồn đối với 79 thôn, khu dân cư, chiếm khoảng 85% tổng số thôn, khu dân cư toàn huyện. Theo kế hoạch đã xây dựng, 100% CTR sinh hoạt sau khi phân loại sẽ được vận chuyển bảo đảm đúng quy định.

Những năm trước, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP Chí Linh đạt hơn 70%. Thành phố đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt, riêng năm 2022 phấn đấu tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90%. Cũng trong năm nay, TP Chí Linh xây dựng kế hoạch thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đối với 80% số hộ của 2 xã Hưng Đạo và Lê Lợi, đến năm 2024 sẽ nhân rộng mô hình đến 50% số xã, phường và thực hiện tại 100% các xã, phường vào năm 2025.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh gần 1.300 tấn CTR sinh hoạt. Trong đó chỉ khoảng 28% được xử lý bằng phương pháp đốt, còn lại là chôn lấp. Quá trình thu gom, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại. Tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ tại bãi chôn lấp CTR sinh hoạt của các địa phương còn xảy ra. Trước thực trạng này, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án "Xử lý CTR trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” rất quan trọng.

Trong bối cảnh nhiều bãi rác tập trung gây ô nhiễm môi trường, việc sớm thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt rất cần thiết

Trong bối cảnh nhiều bãi rác tập trung gây ô nhiễm môi trường, việc sớm thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt rất cần thiết

Nhiều giải pháp

Hiện nay, các xã của huyện Nam Sách đều đã xây dựng kế hoạch cụ thể và thành lập ban chỉ đạo thực hiện phân loại, thu gom và xử lý CTR sinh hoạt. Theo đó, CTR sinh hoạt phát sinh từ các hộ, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm gồm thành phần hữu cơ dễ phân hủy; có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải khác. Nhóm thành phần hữu cơ dễ phân hủy được vận chuyển về các ô ủ rác tập trung của thôn, khu dân cư, hoặc của xã, thị trấn để làm phân compost. Nhóm CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế có thể tận dụng làm đồ dùng hữu ích cho gia đình, bán hoặc chuyển cho tổ thu gom rác thải. Nhóm CTR sinh hoạt khác được thu gom về các điểm tập kết và xử lý tại nhà máy xử lý rác thải theo quy định. Huyện Nam Sách đã xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể đối với các địa phương thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn.

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, TP Chí Linh đã rà soát thực trạng và tình hình hoạt động của các bãi rác trên địa bàn. Chỉ đạo các địa phương quy hoạch bãi rác tập trung hoặc mở rộng diện tích bãi rác hiện có. Thành phố cũng đã quy hoạch 10 ha tại phường Cộng Hòa để xây dựng nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt tập trung của thành phố. Phê duyệt kế hoạch thu gom, phân loại và xử lý CTR, thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện đề án.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Chí Linh, đến nay đã có 13 xã, phường quy hoạch được bãi rác tập trung và mở rộng bãi rác hiện có với quy mô mỗi bãi rác từ 0,5-2 ha. Các địa phương đang thực hiện thủ tục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai xây dựng. Đối với các địa phương không còn quỹ đất để quy hoạch bãi rác tập trung thì bố trí các điểm tập kết, trung chuyển để cơ sở thu gom đến vận chuyển đi xử lý. 2 xã thí điểm phân loại rác thải tại nguồn đã xây dựng kế hoạch triển khai và đang tuyên truyền đến các hộ dân để thực hiện.

Ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, hiện nay đơn vị đã hoàn thành xây dựng nội dung sổ tay hướng dẫn thực hiện phân loại CTR sinh hoạt và thiết kế bảng hướng dẫn trực quan thực hiện phân loại. Phối hợp tổ chức tập huấn phổ biến các nội dung cơ bản của đề án; hướng dẫn phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn và ủ mùn compost. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo quy định về quản lý CTR sinh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế phương án phân loại tại nguồn; quy định phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh trên địa bàn tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định ban hành.

PHAN ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/tap-trung-xu-ly-rac-thai-ran-202014