Tàu chiến Đức thăm Nhật Bản lần đầu tiên sau 20 năm

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết chuyến thăm của tàu khu trục nhỏ Bayern nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quốc tế chống lại những nỗ lực 'thay đổi hiện trạng' trong khu vực bằng vũ lực.

Berlin đã tăng cường can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và công bố một cách tiếp cận chiến lược mới đối với khu vực

Tàu khu trục nhỏ Bayern của hải quân Đức đã cập cảng Tokyo hôm thứ Sáu (5/11), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố chuyến thăm đầu tiên của tàu chiến Đức trong hai thập kỷ là một minh chứng quan trọng cho mối quan hệ an ninh gắn bó hai quốc gia.

Tilo Kalski, thuyền trưởng tàu khu trục nhỏ Bayern của Hải quân Đức và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi. Ảnh: Getty

Tàu Bayern rời Đức vào tháng 8 đã tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển ngoài khơi Tokyo hôm thứ Năm (4/11) với các tàu và máy bay từ Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Con tàu dự kiến sẽ ở lại Tokyo cho đến ngày 12 tháng 11.

Berlin trong những tháng gần đây đã tăng cường tham gia vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, sau khi công bố một cách tiếp cận chiến lược mới đối với khu vực này vào tháng 9 năm 2020.

Sự thay đổi chiến lược đó phản ánh mối quan tâm rộng rãi hơn của quốc tế về ảnh hưởng ngày càng tăng và sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã đơn phương chiếm đóng và củng cố các đảo mà các nước khác tuyên bố chủ quyền.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nhật Bản cũng đã tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây và hiện đứng trong số 10 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, về mặt chính thức, Tokyo vẫn tự giới hạn trong khả năng tự vệ và đã cấm các cuộc tấn công chủ động theo hiến pháp hòa bình sau Thế chiến II.

Chuyến thăm của con tàu là một bước ngoặt quan trọng trong việc theo đuổi một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Bộ trưởng Quốc phòng Kishi nói

"Đây là sự tiếp nối của những gì chúng tôi đã thấy với các đối tác khác trong những tháng gần đây, với các tàu chiến từ Pháp, Hà Lan và Anh đều được mời đến khu vực như một phần trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm củng cố quan hệ đồng minh hiện có với Mỹ bằng các đối tác bổ sung", James Brown, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại cơ sở Tokyo của Đại học Temple nói.

Mai Anh (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tau-chien-duc-tham-nhat-ban-lan-dau-tien-sau-20-nam-post165422.html