Thách thức của Đồng Nai

Đồng Nai hiện là địa phương có số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập đứng hàng thứ 4 cả nước, chứng tỏ sự phát triển mạnh của địa phương cũng như môi trường thu hút đầu tư, cơ hội khởi nghiệp.

Có đến 90% trong tổng số doanh nghiệp ở Đồng Nai là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ảnh minh họa). Ảnh: Văn Thế

Có đến 90% trong tổng số doanh nghiệp ở Đồng Nai là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ảnh minh họa). Ảnh: Văn Thế

Ngày càng có nhiều DN được thành lập, tham gia vào các hoạt động kinh tế là đáng mừng, song nhìn nhận một cách khách quan, thách thức vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, cần cải thiện chất lượng chính sách hỗ trợ sau thành lập để DN có điều kiện phát triển bền vững

* Chỉ phân nửa DN thực sự hoạt động

Hằng năm, số lượng DN tăng thêm của Đồng Nai từ 3-4 ngàn, những năm gần đây, lượng DN thành lập mới ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, số lượng đông chưa hẳn là đã đi đôi với chất lượng DN.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tại thời điểm 31-12-2018, tổng số DN trên địa bàn tỉnh là 17,8 ngàn DN, tăng 21,1%, tương ứng tăng 3,1 ngàn DN so với năm 2017. Đây là những DN mà Cục Thống kê điều tra được đang hoạt động và thu thập được số liệu để tính toán. So với con số 36 ngàn DN đã đăng ký thì chưa đến phân nửa.

Từ kết quả điều tra, Cục Thống kê Đồng Nai nhận định hoạt động của cộng đồng DN ở Đồng Nai vẫn còn nhiều thách thức. Theo đó, số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn khá lớn nhưng xét về quy mô lao động và quy mô vốn phổ biến vẫn là DN nhỏ và vừa. Do vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh thấp, trình độ quản lý còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp... nên hiệu quả mang lại không cao; số DN thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hằng năm khá lớn.

Mặt khác, thủ tục cấp phép thành lập DN ngoài nhà nước hiện nay khá đơn giản, trong khi công tác quản lý DN sau cấp phép chưa chặt chẽ. Tình trạng DN tự chuyển đổi địa điểm kinh doanh; ngưng, nghỉ hoạt động khá phổ biến nhưng khả năng kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng rất hạn chế.

Những điều nêu trên làm cho khối DN trong nước, đặc biệt là khối DN dân doanh mờ nhạt hơn so với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2018, khu vực FDI trên toàn địa bàn có 1.094 DN nhưng doanh thu thực hiện 705,8 ngàn tỷ đồng. Các DN có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn như: giày da, may mặc, cơ khí linh kiện điện tử... đã thu hút một lực lượng lao động lớn lên tới 576,5 ngàn. Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước (DN dân doanh) có 16,7 ngàn DN chỉ tạo ra doanh thu 475,8 ngàn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với DN FDI. Điều này chứng tỏ DN FDI có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đóng góp vào kết quả kinh doanh trong toàn thành phần kinh tế.

* Cần hỗ trợ “hậu đăng ký kinh doanh”

Trên bình diện quốc gia, theo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù nhiều điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm nhưng gánh nặng kiểm tra chuyên ngành còn cao, thủ tục xuất nhập khẩu còn phức tạp đè trên vai DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa. DN đang rất mong mỏi cơ quan chức năng tăng cường minh bạch thông tin để dễ dàng nắm bắt hơn.

Dưới góc độ hội ngành nghề, ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho rằng, có tới 90% DN Đồng Nai là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Riêng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có gần 500 hội viên nhưng chất lượng DN có thể nói là rất thấp. Đa phần các hội viên là DN siêu nhỏ với quy mô chỉ vài chục người. Thành lập DN thì dễ nhưng để duy trì hoạt động rất khó khăn bởi mọi thứ đều thiếu. Khó khăn về vốn, đất đai, cơ sở sản xuất lẫn thông tin thị trường, những thủ tục hành chính… vẫn đè nặng lên nhiều DN.

Tương tự, khi làm việc với Đồng Nai về tình hình thành lập DN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang DN không nên vì thành tích mà thực hiện ồ ạt. Điều này sẽ dẫn đến chất lượng DN sau chuyển đổi không cao. “Thực tế có những DN sau khi chuyển đổi lên đã không phát triển được, thậm chí có DN quá khó khăn phải phá sản. Do đó, đây là vấn đề rất quan trọng phải làm từng bước, đặt hiệu quả lên hàng đầu” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đề nghị.

Ở góc độ chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, tỉnh luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong sản xuất, kinh doanh và điều này đã thực hiện lâu dài từ trước đến nay, qua nhiều nhiệm kỳ chứ không phải chỉ thực hiện trong giai đoạn ngắn.

Đối với vấn đề DN đang “đói” thông tin, mà cụ thể là các thông tin về thực thi pháp luật, quy định, thông tin quy hoạch, cơ chế chính sách…, lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để minh bạch hóa thông tin nhiều hơn. Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn phía DN cần mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách bởi chính từ những khó khăn của DN mới là đóng góp thiết thực nhất để có thể triển khai vào thực tiễn.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/thach-thuc-cua-dong-nai-2979982/