Thấy cái đòn gỗ là nhớ nhà!

Có lần định nói má bỏ đòn cũ mua ghế nhựa để ngồi, vậy mà cảm giác có lỗi. Bỏ sao được khi cái đòn đã là vật dụng quá thân thuộc, gắn với cuộc đời má qua bao sóng gió thăng trầm

Hỏi ông bạn kém vài tuổi là người Sài Gòn - có biết cái đòn không? Anh ngơ ngác, miệng làu bàu "đòn là gì không biết, anh chỉ biết cái đòn gánh". Dù tôi đã cố minh họa cho dễ mường tượng nhưng anh lắc đầu chịu thua. Nói chi xa, không ít người thuộc thế hệ 9X dân gốc rạ thứ thiệt không phải ai cũng biết cái đòn gỗ.

Đòn có thiết kế đơn giản, chỉ cần miếng gỗ bào nhẵn làm mặt với nhiều kích cỡ. Bên dưới đính hai khúc gỗ nhỏ làm chân đế rồi đóng đinh. Gỗ tốt, bảo quản kỹ thì đòn có thể sử dụng mấy mươi năm.

Hồi xa lắc xa lơ, đòn gỗ là một vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhất là gia đình vùng nông thôn. Nhà đông con, đòn càng nhiều. Đòn dùng để ngồi ăn cơm, rửa chén, giặt đồ, làm bếp… Nhà không thiếu đòn nhưng có gỗ tạp, ba đóng để dành. Má kỹ tánh, đòn ăn cơm là để gian nhà trên; đòn ngồi rửa chén, làm bếp là để gian bếp… đâu ra đó.

Cái đòn gỗ là vật dụng thân thuộc trong gia đình ở miền Trung

Cái đòn gỗ là vật dụng thân thuộc trong gia đình ở miền Trung

Thời ấy, mỗi lần đi coi hát, trẻ lót dép ngồi bệt, kỹ hơn thì gói theo tấm bạt hoặc bao ni-lông trắng bên trong bao phân u-rê để trải ngồi, cũng là để che khi trời mưa. Người lớn thường xách theo cái đòn. Ra chợ phiên, trên gánh rau, gánh cá của các bà, các chị không thể thiếu cái đòn.

Nhìn đòn cũng có thể đoán được nó là của nhà có của hay nhà nghèo. Đòn của nhà khá giả thường được đóng bằng gỗ sồi, xoan đào, trắc… Nhà nghèo thì có chi dùng nấy nhưng thường là gỗ vụn chắp vá từ gỗ mít, xoài hoặc vú sữa có trong vườn sau khi làm bộ phản hay cửa.

Lên tiểu học, học trò mới được ngồi băng ghế liền bàn cũ kỹ, xiêu vẹo tồn tại qua nhiều niên khóa. Đó là niềm ao ước của đám trẻ chúng tôi. Ngày đầu tiên được ngồi bàn, đứa nào cũng thấy lạ lẫm, thích thú. Tưởng đã thoát hẳn cảnh ngồi đòn, hai mắt cá chân thôi lấm lem bùn đất nhưng nó lặp lại vào mùa lụt.

Năm đó, trường ngập sâu nhiều ngày, nền đất ngập ngụa bùn non, bàn ghế đã hỏng hóc nay lại thêm mục nát, rệu rã. Để học trò không phải nghỉ học quá lâu, từ chạng vạng hôm trước, ông trưởng thôn kiêm vai "mõ làng" cuốc bộ từ đầu đến cuối thôn, tay cuộn cuốn tập giấy rơm đưa lên miệng: "Thông báo, thông báo, thông báo: Ngày mai các cháu trở lại trường, nhớ mang theo đòn để ngồi học". Bóng ông trưởng thôn mất hút sau bụi tre già, chỉ còn tiếng ông vọng lại, đám trẻ trong xóm nhao lên rồi nhảy bổ lên nhau vui sướng vì được đi học lại. Bỏ dở trò chơi trốn tìm, mỗi đứa rẽ một hướng chạy ào về nhà chuẩn bị tập sách, không quên lấy cái đòn để sẵn trước hiên.

Thời sinh viên, rong ruổi Sài Gòn thi thoảng bắt gặp cái đòn gỗ nhưng là vật dụng hỗ trợ di chuyển trong nhà hoặc ngoài đường dành cho người tàn tật. Những gánh hàng rong của các chị, các mẹ người miền Trung mưu sinh ở đất này cũng còn kẹp cái đòn vào quai gióng ngược xuôi. Thấy là nhớ nhà, thèm không khí gia đình quây quần bên mâm cơm đặt dưới nền đất, các thành viên ngồi đòn mà ăn.

Nhiều năm rồi, cái đòn gỗ không dễ tìm trong gia đình, kể cả nông thôn, thay vào đó là những chiếc ghế nhựa đa dạng mẫu mã, tiện lợi và độ bền cũng không kém. Riêng nhà tôi, má vẫn giữ mấy cái đòn, có cái ngót nghét 20 năm. Có lần định nói má bỏ đòn cũ mua ghế nhựa để ngồi, vậy thôi mà cảm giác có lỗi. Bỏ sao được khi cái đòn đã là vật dụng quá thân thuộc, gắn với cuộc đời má qua bao sóng gió thăng trầm. Chẳng phải đó là kỷ vật?

Hôm rồi về thăm nhà ngay lúc má nhóm lửa bắt cơm. Lưng má còng, dáng gầy hom hem trên cái đòn cũ, chợt khóe mắt cay cay.

Cười mà thương quá trò nghèo

Lúc bấy giờ, trường mẫu giáo trong làng nghèo đến nỗi không có bàn ghế, nhiều thế hệ chúng tôi phải ngồi đòn học. Đâu phải cái nào cũng mới, lành lặn, hầu hết là gỗ tạp nứt nẻ, chắp vá các kiểu. Có lắm chuyện vui buồn liên quan đến chiếc đòn mà thế hệ chúng tôi ngồi nhắc lại là không nhịn được cười. Nhiều gia đình có hai con mặc chung quần, không may bị đinh trồi lên móc rách, trưa về phải vá để kịp đi học buổi chiều. Hay chuyện thằng Đẹt mặc quần lò xo đứng dậy bị đinh móc, đòn nặng kéo quần xuống tới đất khiến cả lớp được một trận cười no...

Bài và ảnh: TRẦN TUY AN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/thay-cai-don-go-la-nho-nha-20200516201423101.htm