Theo chân thợ câu kiều

Biển Sáu Biển động, chiếc vỏ lãi lắc lư mạnh. Người thợ câu kiều nhanh tay kéo luồng câu lên khỏi mặt nước, những con cá ngát mắc câu giãy giụa tìm đường thoát, song chúng nhanh chóng nằm gọn trong vợt của người thợ câu lành nghề…

Một ngày hè, chúng tôi theo chân thợ câu kiều Nguyễn Văn Khởi, ngụ ấp Sáu Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) lênh đênh trên biển bắt cá. Như thường lệ, sáng sớm, anh Khởi nổ máy, rồ ga đưa vỏ lãi lao nhanh về phía cửa biển. Dọc hai bên rạch Thứ Sáu Biển, hàng chục ngôi nhà sàn san sát nhau chất đầy những dụng cụ khai thác hải sản được ngư dân vận chuyển xuống xuồng ra khơi bắt đầu cho cuộc mưu sinh. Sau 30 phút, chiếc vỏ lãi đến khu vực thả câu. Anh Khởi tắt máy, quăng mỏ gạt tìm luồng câu được thả trước đó. Vừa kéo mỏ gạt anh Khởi vừa giải thích: “Câu kiều không cần dùng mồi. Dưới mặt biển, hàng ngàn chiếc lưỡi câu đu đưa theo chiều nước, cá bơi đi tìm mồi, gặp chướng ngại vật, cá quay đầu hoặc quẫy đuôi liền mắc vào lưỡi câu. Cá càng ngọ nguậy cố thoát càng mắc sâu vào lưỡi câu”.

Phăng theo luồng dây câu, anh Khởi hào hứng: “Có cá, cá bự. Nó miết dây câu lắm… Luồng câu mới này trúng rồi”. Nép sát người xuống mũi vỏ lãi, hai tay anh Khởi men theo dây câu kéo lên khỏi mặt nước con cá ngát khá to. Con cá ngát mắc câu giãy giụa tìm đường thoát song chúng nhanh chóng nằm gọn trong chiếc vợt của người thợ câu lành nghề.

Theo anh Khởi, nghề câu kiều có thể làm quanh năm nhưng dính cá nhiều nhất là từ tháng 7-11. Khi đó, trên vùng biển An Biên, mưa gió làm biển động, các luồng cá chạy tứ tung dễ mắc câu. Để dính nhiều cá, người câu kiều nhìn con nước để thả câu xiên theo dòng chảy hoặc buông câu mỗi điểm từ 2-3 ngày là dời chỗ khác… “Nghề này dễ làm, dụng cụ làm nghề gồm dây câu, cây nỏ gỡ cá, cây mỏ gạt tìm dây câu và xuồng máy đi câu là được. Lưỡi câu kiều làm bằng thép cứng, không ngạnh, buộc vào luồng câu và cứ 2m gắn một phao nhỏ để khi thả câu xuống biển luồng câu sẽ nổi cách đáy từ 10-15cm đón luồng cá. Một luồng câu dài 220m tôi cắm một cột cờ đánh dấu đường câu và để báo hiệu cho các phương tiện khác biết”, anh Khởi nói.

Thợ câu kiều Nguyễn Văn Khởi gỡ cá mắc câu.

Thợ câu kiều Nguyễn Văn Khởi gỡ cá mắc câu.

Theo anh Khởi, thuở mới vào nghề anh gặp nhiều khó khăn, chuyện bị lưỡi câu móc vào tay túa máu là bài học vỡ lòng mà người thợ câu kiều nào cũng phải trải qua. Đến nay, anh Khởi có thể một mình xử lý hết công việc từ thả câu, thăm câu trên biển. “Trong câu kiều, quan trọng nhất là khoảng cách cột lưỡi câu phải đều nhau và không thưa hoặc dày quá để khi cá mắc câu nếu vùng vẫy thì bị dính vào những lưỡi bên cạnh, không bị sẩy cá”, anh Khởi chia sẻ.

Vừa thăm câu vừa trò chuyện cùng khách, anh Khởi liên tục gỡ cá ngát, cá vồ chó, cá đuối, cá lạc, mực, tôm tích. Cá nhỏ anh thả về biển như cách góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản đang cạn kiệt. Theo anh Khởi, với 6 luồng câu, mỗi luồng dài 220m, trung bình mỗi đêm anh bắt được 10-15kg cá ngát. Giá cá ngát được vựa mua 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu 300.000-400.000 đồng/ngày, có khi nhiều hơn.

Theo những người thợ câu kiều, nghề câu kiều bấp bênh do phụ thuộc vào nhiều yếu tố luồng cá trong tự nhiên. Việc thả câu trên xuồng, ghe máy thô sơ lênh đênh giữa biển vào lúc sóng to, gió lớn và tình trạng luồng câu bị ghe cào bờ kéo mất câu, đứt vốn là thách thức những người thợ phải đối mặt.

Thoáng đó, 6 luồng câu kiều được anh Khởi thăm xong. Chiếc thùng đựng cá đầy ắp nên anh Khởi phải chạy ôxy đảm bảo cho cá sống để bán giá cao. Chiếc vỏ lãi của anh Khởi lao nhanh về hướng rạch Thứ Sáu Biển, tiếng va chạm giữa chiếc võ lãi và sóng biển làm chúng tôi e ngại, thậm chí có phần sợ, vậy mà người thợ câu kiều lại vui bởi đơn giản khi biển động cá mắc câu nhiều hơn. Hôm nay, anh Khởi bán gần 15kg cá ngát được 600.000 đồng.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/theo-chan-tho-cau-kieu-9168.html