Theo dấu những con tàu

Cà Mau hiện có trên 5.000 tàu đánh cá, trong đó có khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Trước đây, việc kiểm tra, giám sát chưa đồng bộ nên số vụ tàu cá của địa phương vi phạm quy chế vùng biển thường xuyên xảy ra, hoặc có tàu còn cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nhận biết các vùng biển được phép đánh bắt hải sản theo quy định. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ Đồn Biên phòng Sông Đốc phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nhận biết các vùng biển được phép đánh bắt hải sản theo quy định. Ảnh: Lê Khoa

Cùng với biện pháp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các lực lượng chức năng, từ năm 2019, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên các tàu cá nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác hải sản.

Trung tâm điều hành giám sát tàu cá hiện được UBND tỉnh Cà Mau giao cho BĐBP Cà Mau quản lý, vận hành. Từ Trung tâm điều hành giám sát tàu cá, qua 2 màn hình tivi 55inch, cán bộ làm công tác vận hành nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá, cả số đang hoạt động và neo đậu trong bờ hay ngoài biển.

Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông số như ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại, đang ở kinh độ, vĩ độ nào... đều hiện rõ trên màn hình. Vì vậy, việc lắp đặt thiết bị GSHT đã giúp cơ quan chức năng và chủ tàu kiểm soát được hành trình của tàu cá trên biển.

Thiết bị GSHT có độ phủ sóng rộng trên toàn vùng Biển Đông và vịnh Thái Lan, có khả năng gửi nhật ký, báo cáo điện tử, nhận thông tin bão, áp thấp nhiệt đới, có nút ấn khẩn cấp khi tàu gặp nạn. Khi lắp đặt xong, thiết bị tự động thông báo vị trí về Trung tâm điều hành giám sát tàu cá đặt tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau.

Nếu trung tâm phát hiện có phương tiện đang trong hải trình gần vùng biển giáp ranh với các nước, BĐBP sẽ sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc để kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho chủ phương tiện biết và kịp thời điều khiển phương tiện quay trở lại. Tàu nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào dữ liệu này để xử lý.

Đến nay, tỉnh Cà Mau đã vận động 1.455/1.499 tàu cá trên địa bàn lắp đặt thiết bị GSHT, còn lại 44 tàu chưa lắp đặt do đã bán cho ngư dân các tỉnh khác hoặc hư hỏng không khai báo... Qua hệ thống giám sát, các cơ quan chức năng đã phát hiện và kêu gọi 61 tàu cá vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài quay về vùng biển Việt Nam, xử lý vi phạm hành chính 12 trường hợp cố tình vi phạm.

Điển hình, vào ngày 13/9/2022, thừa ủy quyền của UBND tỉnh Cà Mau, cơ quan nghiệp vụ BĐBP Cà Mau đã triển khai Quyết định số 2314/QĐ-XPVPHC ngày 7/9/2022 của UBND tỉnh Cà Mau về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Khải, trú tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chủ tàu đánh cá CM99772TS và thuyền trưởng Lê Văn Buôn với số tiền trên 1,4 tỷ đồng; đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện.

Qua điều tra, xác minh của BĐBP, ông Khải và ông Buôn đã vi phạm các quy định như: Giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn; tàu cá đã lắp thiết bị GSHT nhưng chủ tàu tháo khỏi tàu khi tàu cá hoạt động trên biển; đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; không đăng ký lại tàu cá theo quy định; không có nhật ký khai thác thủy sản; không mua bảo hiểm thuyền viên; không thông báo cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời cảng cá theo quy định; thuyền trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn; không có giấy tờ tùy thân theo quy định. Các hành vi trên đã vi phạm theo quy định tại khoản 6, Điều 73, Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Cán bộ BĐBP Cà Mau gặp gỡ, trao đổi với ngư dân để nắm tình hình trên biển và tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ BĐBP Cà Mau gặp gỡ, trao đổi với ngư dân để nắm tình hình trên biển và tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: Lê Khoa

Đại tá Phạm Anh Chương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Cà Mau cho biết, việc lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá không chỉ nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài, mà còn hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.

Anh Tô Thành Lợi, ngư dân ở thị trấn Sông Đốc khẳng định về tác dụng của thiết bị GSHT: “Trước đây, khi giao tàu cho thuyền trưởng, ra biển rồi thì mình không biết tàu đang ở đâu, thuyền trưởng nói ở đâu mình biết ở đó. Bây giờ ngồi ở nhà,chỉ cần mở điện thoại là biết tàu của mình đang ở vị trí nào, hoạt động hay không hoạt động. Nếu tàu ra gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài là có tín hiệu báo ngay, hoặc cán bộ đồn Biên phòng điện ngay cho mình nhắc nhở, kêu gọi tàu quay trở vào”.

Theo ông Đoàn Quốc Lượm, ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, rất nhiều chủ phương tiện không trực tiếp đi tàu mà giao toàn bộ tài sản cho thuyền trưởng. Trước kia, tàu đánh bắt ở đâu, họ rất khó kiểm soát. Nay chỉ với một chiếc điện thoại thông minh là chủ tàu đã giám sát, bảo vệ được tài sản của mình.

Với quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, thời gian qua, BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở tập trung tuyên truyền cho chủ phương tiện và thuyền trưởng để họ trở thành cộng tác viên tuyên truyền cho những ngư dân khác chấp hành tốt các quy định trong khai thác thủy, hải sản.

Lê Khoa - Mai Lan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/theo-dau-nhung-con-tau-post455758.html