Thị trường điện thoại cũ trị giá hàng tỷ USD đang bị giết chết

Chỉ thị về thiết bị vô tuyến của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ yêu cầu tất cả các thiết bị di động phải hỗ trợ sạc USB-C.

Khi chỉ thị được thực hiện, chỉ trong một thời gian ngắn, 2/5 lượng smartphone đã qua sử dụng trong khu vực trở nên lỗi thời vì không có sạc USB-C. Về lâu dài, quy định mới có thể dẫn đến sự đổi mới trong công nghệ sạc không dây và các mô hình kinh doanh mới tập trung vào việc chuyển sang cổng USB-C. Chỉ thị cũng có thể thúc đẩy các nhà sản xuất khám phá nhiều vật liệu bền vững hơn để giảm rác thải điện tử.

Rất nhiều người dùng Châu Âu thích mua smartphone đã qua sử dụng.

Luật này nhằm mục đích giảm rác thải điện tử bằng cách chuẩn hóa bộ sạc, nhưng tác động thực tế của nó sẽ khiến khoảng 8 triệu smartphone đã qua sử dụng, tương đương với doanh số tiềm năng 2,22 tỷ USD, trở nên lỗi thời trong khu vực. Tác động của nó sẽ rất sâu rộng, ảnh hưởng đến cả thị trường smartphone chính và phụ. CCS Insights ước tính rằng 60% smartphone cũ sẽ không hỗ trợ USB-C khi chỉ thị được triển khai.

Phó chủ tịch nghiên cứu Simon Bryant tại CSS Insight cho biết: “Yêu cầu bắt buộc đối với USB-C sẽ gây sức ép lên ngành công nghiệp tuần hoàn mới nổi, vốn đã chứng kiến một số công ty ngừng giao dịch trong năm nay do điều kiện thị trường khó khăn. Nó cũng có nguy cơ đẩy giao dịch vào các kênh không được quản lý và thúc đẩy nhập khẩu song song bỏ qua hải quan EU”.

Các thiết bị cũ sử dụng cổng USB-C mới được nhập khẩu vào EU.

EU là nước nhập khẩu điện thoại đã qua sử dụng lớn, chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản và Singapore. Lệnh cấm áp dụng cho các mẫu điện thoại nhập khẩu, nhưng điện thoại đã qua sử dụng có cổng không tuân thủ vẫn có thể được bán trong các quốc gia thành viên.

Chỉ thị này đã được phát triển trong nhiều năm, với các cuộc thảo luận về việc chuẩn hóa bộ sạc được đưa ra vào năm 2011. Vào năm 2014, microUSB ban đầu được chấp thuận là thiết kế đầu nối được lựa chọn. Tiêu chuẩn sạc chung được đề xuất vào tháng 1/2020 và được thông qua với 582 phiếu thuận và 40 phiếu chống.

Apple ban đầu phản đối quy định này, viện dẫn những lo ngại về việc kìm hãm sự đổi mới, nhưng sau đó đã thay đổi hoàn toàn và xác nhận rằng họ sẽ chuyển sang USB-C cho dòng iPhone 15 vào năm ngoái. Công ty này là một thế lực lớn trên thị trường smartphone cũ toàn cầu, chiếm 62% tổng khối lượng, tương đương 17 triệu iPhone, trong khi Samsung chiếm 20% thị phần. Năm ngoái, 117 triệu điện thoại cũ đã được vận chuyển trên toàn thế giới và CCS Insights dự kiến rằng năm nay con số sẽ còn lớn hơn nữa.

Sự xuất hiện của iPhone 16 có thể thúc đẩy nhiều người nâng cấp.

Hiện tại, việc ra mắt iPhone 16 có thể sẽ làm tràn ngập thị trường các mẫu iPhone cũ có cổng Lightning, giả sử nếu Apple Intelligence đủ sức thuyết phục người tiêu dùng từ bỏ các thiết bị hiện tại và mua sản phẩm mới nhất của Apple.

Mặt khác, người tiêu dùng giữ điện thoại cũ của họ lâu hơn và khi đổi điện thoại, nhiều người sẽ chọn các mẫu đã qua sử dụng. Trong một cuộc khảo sát do Vodafone (Anh) thực hiện vào đầu năm nay, một nửa số người được hỏi cho biết cân nhắc mua smartphone tân trang thay vì hoàn toàn mới, với lý do chính là vì giá mua thấp hơn và các mối quan tâm đến vấn đề môi trường.

Nguyên Khang

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doi-song-24h/thi-truong-dien-thoai-cu-tri-gia-hang-ty-usd-dang-bi-giet-chet-223669.html