Thị trường năng lượng thế giới khó lường

Theo tờ Financial Times, việc các quốc gia phương Tây áp trần giá dầu của Nga, cùng với đó là những thông lệ trước đây của ngành năng lượng đã thay đổi, các chuyên gia chỉ ra bức tranh mới đầy biến động của thị trường dầu mỏ.

Sự xáo trộn chưa từng có

Vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu phải lao đao, vì vậy Mỹ, Ảrập Xêút, Nga và các quốc gia G20 phải ngồi lại để cùng nhau đưa ra những giải pháp khắc phục tình hình. Điều này đã đánh dấu một bước tiến mới, chấm dứt cuộc chiến giá của OPEC+ và khôi phục sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, khi chiến sự giữa Nga và Ukraine xảy ra, sự hợp tác về năng lượng giữa các quốc gia giờ đây đã hoàn toàn xa vời. Các quốc gia nhập khẩu nguồn cung khí đốt từ Nga giờ đang phải chật vật để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho quốc gia của mình, khiến cho thị trường ngày càng cạnh tranh và khó khăn hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, sự rạn nứt trong mối quan hệ của Ảrập Xêút và Mỹ khiến cho khả năng trật tự cũ trên thị trường dầu mỏ thay đổi; châu Âu cũng đang cố gắng áp trần giá dầu của Nga.

Các chuyên gia trong ngành năng lượng cho biết, những ngày sắp tới sẽ đánh dấu thời điểm khó lường của thị trường dầu mỏ, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn phụ thuộc sâu sắc vào loại tài nguyên này. Họ cho rằng, các chuẩn mực địa chính trị đã bị xói mòn trong năm qua, và các chuỗi cung ứng tồn tại trong nhiều thập kỷ hiện đang bị đảo lộn. Thế giới gần đây đã chứng kiến được rõ quá trình biến đổi này, khi Nga sẵn sàng “cắt đứt” mối quan hệ buôn bán khí đốt ở châu Âu, và quyết định cắt giảm nguồn cung dầu của Ảrập Xêút vào tháng 11. Cùng với đó các nước nhập khẩu dầu cũng có động thái đáp trả, từ việc Mỹ sẵn sàng rút hết kho dự trữ dầu khẩn cấp để giảm giá xăng dầu, cho đến nỗ lực của phương Tây nhằm loại bỏ năng lượng từ Nga khỏi nền kinh tế của họ. Một nhà phân tích dầu mỏ lâu năm tại S&P Global Commodity Insights tại Washington Roger Diwan cho biết, những thay đổi sắp tới sẽ mang tính quyết định, và không ai nắm rõ bức tranh tổng thể ngành năng lượng trong tương lai, nhưng chắc chắn nó sẽ mang tính đối đầu và bất định hơn bao giờ hết.

Nguồn: The Economics Times

Nguồn: The Economics Times

Liệu giá cả có tăng?

Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy giá sẽ tăng đột biến, nhưng một số nhà phân tích tin rằng thị trường vẫn đang xem nhẹ những rủi ro tiềm ẩn bắt nguồn từ lệnh trừng phạt mới của EU và mức giá trần. Theo Trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn Energy Aspects Amrita Sen, sự hoang mang xung quanh mức giá trần khiến thị trường nghĩ rằng EU có khả năng mua dầu của Nga, nhưng thực tế việc áp trần giá là một phần của lệnh cấm vận, và thị trường dầu sẽ bị “thắt chặt" đáng kể vào mùa xuân năm 2023. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, những cảnh báo trước đó về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khó trở thành hiện thực. Đầu năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga có thể khiến sản lượng của nước này giảm gần 1/3 trong vòng vài tháng - một dự đoán đáng báo động đã giúp đẩy giá toàn cầu lên cao và góp phần khiến các quốc gia phương Tây quyết định giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định rằng, chính mức giá trần có thể kích hoạt tăng, những bất ổn hiện đang nhen nhóm trong ngành dầu mỏ Nga sẽ bùng nổ vào năm tới, tác động đáng kể lên thị trường toàn cầu. Khoảng 2,4 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga sẽ cần tìm một nhà tiếp nhận mới ngoài các nước EU và G7, những “ứng cử viên sáng giá” như Ấn Độ, Trung Quốc và những nước khác dự kiến sẽ bù đắp phần nào sự thiếu hụt này. Ước tính Nga có thể cần tới 100 tàu bổ sung sẵn sàng hoạt động mà không có bảo hiểm vận chuyển EU để giữ vững sản lượng dầu. Đây là mức mà các chuyên gia nghĩ rằng Nga sẽ khó khăn để đạt được ngay cả khi nước này có thể sử dụng các tàu chở dầu của các nước cũng bị trừng phạt khác như Iran. Do đó, có thể nguồn cung sẽ giảm, đẩy giá lên 120 USD một thùng vào năm tới, bất chấp sự suy thoái kinh tế đang rình rập.

Còn rất nhiều vấn đề đang bỏ ngỏ, trong cuộc họp tại Vienne vừa qua, các quốc gia vùng Vịnh OPEC như Ảrập Xêút và UAE khẳng định, họ sẽ không đứng về phía Nga và chỉ nỗ lực quản lý một thị trường hỗn loạn vì lợi ích của nền kinh tế thế giới. Nhưng các nước này cũng phản đối mức giá trần vì lo ngại rằng lịch sử sẽ lặp lại với chính mình. Họ đã đưa ra nghịch lý trong động thái của các nước phương Tây như việc yêu cầu sản lượng cao hơn đi kèm giá thấp hơn, điều mà ngành này cho rằng đang cản trở nguồn đầu tư, khiến thị trường không đủ sức chống chọi với cuộc khủng hoảng lần này và hệ quả của nó.

Quyết định tích cực từ OPEC+

Bên cạnh những động thái khiến thị trường năng lượng đối mặt với nhiều biến động,thị trường dầu mỏ thế giới đã có phản ứng tích cực với quyết định giữ nguyên sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+). Tại cuộc họp ở Vienna, Áo, Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và OPEC+ đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu trong bối cảnh Nhóm Các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga.

Theo đó, mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được OPEC+ đưa ra vào tháng 10 vẫn tiếp tục có hiệu lực đến năm 2023. Các quan chức OPEC+ khẳng định, mọi quyết định của tổ chức đều dựa trên dữ liệu thị trường dầu mỏ và nhằm bảo đảm sự ổn định của thị trường này. Trước đó vào tháng 10, OPEC+ đã khiến Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây khác quan ngại với quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới, có hiệu lực từ tháng 11.2022 đến hết năm 2023. Song, OPEC+ lập luận rằng, nguyên nhân khiến họ cắt giảm sản lượng là vì triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Kết quả khảo sát của hãng tin Reuters công bố hôm 30.11 cho thấy, sản lượng dầu của OPEC đã giảm trong tháng 11 vừa qua, sau khi OPEC+ cam kết cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.

Các nhà phân tích nhận định quyết định của OPEC+ đã nằm trong dự đoán của thị trường, khi các nhà sản xuất dầu lớn đều đang chờ đợi tác động của lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) và chính sách áp giá trần 60 USD/thùng của G7 đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Trong khi đó, Nga đã cảnh báo cắt giảm nguồn cung đối với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ chính sách áp giá trần, do đó quyết định của OPEC+ phản ánh rõ tình trạng khó đoán trước của cung và cầu trong những tháng tới.

Theo Phó Chủ tịch công ty tư vấn Wood Mackenzie Ann - Louise Hittle, EU sẽ cần thay thế dầu thô của Nga bằng dầu từ Trung Đông, Tây Phi và Mỹ. Bà vẫn nhấn mạnh rằng, giá dầu vẫn đang chịu sức ép trước triển vọng tăng trưởng nhu cầu giảm tốc, bất chấp các lệnh trừng phạt bổ sung của phương Tây đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga. Lệnh cấm nhập khẩu dầu và chính sách áp giá trần là nhân tố hỗ trợ tạm thời đối với giá dầu. Bên cạnh chính sách sản lượng của OPEC+ và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu Nga, thị trường dầu mỏ sẽ còn chịu tác động từ chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc. Song, hiện nhiều thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, và các chuyên gia tin rằng đây là tín hiệu tích cực đối với giá dầu.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/thi-truong-nang-luong-the-gioi-kho-luong-i310270/