Thời điểm F0 lớn tuổi dễ bị đột quỵ

Theo nghiên cứu mới từ nhóm chuyên gia Mỹ, nguy cơ đột quỵ ở người lớn tuổi mắc Covid-19 cao nhất trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm họ có chẩn đoán nhiễm nCoV.

Nghiên cứu do các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện, sẽ được trình bày tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế do Hiệp hội Đột quỵ Mỹ tổ chức ngày 8-11/2.

Nhóm tác giả kiểm tra hồ sơ sức khỏe của 37.379 người từ 65 tuổi trở lên trong mạng lưới Medicare. Họ được chẩn đoán mắc Covid-19 trong giai đoạn từ ngày 1/4/2020 đến ngày 28/2/2021 và nhóm nhập viện vì đột quỵ từ ngày 1/1/2019 đến ngày 28/2/2021.

Đột quỵ có thể xảy ra trước hoặc sau khi bệnh nhân mắc Covid-19. Những trường hợp xảy ra 7 ngày trước hoặc 28 ngày sau thời điểm dương tính với nCoV được gọi là giai đoạn kiểm soát. Những người tham gia có độ tuổi trung bình là 80, trong đó, 57% là phụ nữ.

Kết quả cho thấy nguy cơ bị đột quỵ cao nhất ở người lớn tuổi mắc Covid-19 là trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm họ có chẩn đoán nhiễm nCoV. Nguy cơ này cao hơn 10 lần so với giai đoạn kiểm soát. Sau 3 ngày khởi phát triệu chứng/nhận chẩn đoán mắc Covid-19, nguy cơ đột quỵ của họ sẽ giảm xuống, song, vẫn cao hơn giai đoạn kiểm soát.

Cụ thể, giữa các ngày 4-7, nguy cơ đột quỵ cao hơn 60%, giữa các ngày 8-14, nguy cơ đột quỵ cao hơn 44% so với giai đoạn kiểm soát. Thời điểm F0 lớn tuổi có nguy cơ đột quỵ thấp nhất là sau 15-28 ngày khởi phát triệu chứng hoặc có chẩn đoán mắc Covid-19. Song, nguy cơ này vẫn cao hơn 9% so với giai đoạn kiểm soát.

Đặc biệt, nhóm nhỏ F0 65-74 tuổi có nguy cơ đột quỵ cao hơn sau khi mắc Covid-19. Không có sự khác biệt về nguy cơ ở các giới, chủng tộc, dân tộc.

Các nghiên cứu trước đó đã phân tích nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi khi mắc Covid-19. Tuy nhiên, các phát hiện không nhất quán và ít tập trung vào người lớn tuổi - nhóm có nguy cơ đột quỵ cao nhất. Do đó, theo TS Quanhe Yang, CDC, tác giả chính, những phát hiện này có thể giúp chẩn đoán, điều trị và chăm sóc đột quỵ ở các bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn về nguy cơ này ở các độ tuổi khác nhau.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 5 ở Mỹ, xảy ra khi mạch máu đến não bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra, cản trở oxy, chất dinh dưỡng đến não. Theo CDC và Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tiêm vaccine Covid-19 là cách tốt nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV cũng như nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong, đặc biệt là ở những người bị bệnh tim mạch, bệnh lý nền khác.

Theo CDC, để nhận biết dấu hiện đột quỵ, chúng ta cần ghi nhớ nguyên tắc F.A.S.T. Trong đó, F (face) là biểu hiện của gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng. A (arm): Kiểm tra tình trạng hiện yếu hoặc liệt tay, chân; S (speech): Ngôn ngữ bất thường; T (time): Thời gian, nếu xuất hiện một trong 3 dấu hiệu kể trên, người bệnh có nguy cơ đột quỵ rất cao, chúng ta cần khẩn trương gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.

Ngoài ra người bệnh có yếu tố nguy cơ cao (cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao, hút thuốc lá…) cần khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ chế độ điều trị của thầy thuốc.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-diem-f0-lon-tuoi-de-bi-dot-quy-post1294138.html