'Thời gian' - triển lãm của họa sĩ Lê Văn Nhường

Sinh năm 1960, từng là sĩ quan quân đội, họa sĩ Lê Văn Nhường đã mở nhiều triển lãm cá nhân: Năm 1999 - Triển lãm 'Lê Văn Nhường', năm 2009 - Triển lãm '& tôi' đều tại TP Hồ Chí Minh; năm 2015 - Triển lãm 'Mưa' tại Huế; năm 2016 - Triển lãm 'Màu thời gian' tại Hà Nội. Và ngày 26-7 tới đây, Triển lãm 'Thời gian' của anh sẽ được khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, 15 Lê Lợi, TP Huế.

Tôi được làm bạn với họa sĩ Lê Văn Nhường từ những năm 80 thế kỷ trước, khi tôi mới chỉ là chú bé mười ba tuổi. Lê Văn Nhường lúc đó đã là Thượng úy, cán bộ Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Anh là sĩ quan quân đội được đào tạo chính quy, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 loại ưu tú, được Báo Quân đội nhân dân chụp ảnh, viết bài biểu dương, khen ngợi. Trước đó, anh là Quân tình nguyện, chiến đấu ở chiến trường Campuchia.

 Họa sĩ Lê Văn Nhường trước Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (15 Lê Lợi, TP Huế), nơi sẽ diễn ra Triển lãm "Thời gian". Ảnh: Tôn Nữ Thùy Trang.

Họa sĩ Lê Văn Nhường trước Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (15 Lê Lợi, TP Huế), nơi sẽ diễn ra Triển lãm "Thời gian". Ảnh: Tôn Nữ Thùy Trang.

Tôi nhớ, nhiều đêm trong Đồn Mang Cá ở Huế, những mùa hè nóng bức, Lê Văn Nhường cởi trần, gầy giơ lồng ngực ngồi vẽ cho đến sáng… Những bức tranh sơn dầu của Lê Văn Nhường quả là bí ẩn trước con mắt thiếu niên của tôi. Tôi chỉ cảm nhận đơn sơ rằng đó là những đường nét, hình thù, màu sắc, mảng miếng máu thịt đời lính của anh. Như là, có một bức anh vẽ cái khăn mặt bộ đội vắt ngang các song chấn cửa sổ, bối cảnh đằng xa là cái lô-cốt cũ của quân đội Mỹ nghễu nghện trên bờ tường gạch thành quách Huế xưa cũ… Và tôi cảm thấy chúng quen thuộc, gần gũi vô cùng... Tôi thường đứng đằng sau xem anh vẽ, xem tranh của anh từ những nét cọ đầu tiên vạch lên toan trắng cho đến lúc hoàn thành.

Rất nhiều năm sau, khi tôi cũng tốt nghiệp một trường sĩ quan, trở về Huế thăm anh, thì Lê Văn Nhường không còn ở trong quân đội nữa. Anh được cấp trên cho phép phục viên, đi học Đại học Mỹ thuật Huế. Rồi, anh trở thành họa sĩ tự do, sống với niềm yêu và cây cọ của mình. Anh vẽ rất nhiều, tham dự nhiều triển lãm. Giờ đây, tranh của anh màu sắc vàng phai, hoàng hoa, có bức tráng lệ như một giấc mơ, có bức nâu thẫm đất đai thâm trầm. Đường vẽ uyển chuyển nhịp điệu, nét vẽ bay bướm mang hồn mỹ thuật truyền thống Huế. Màu ngày càng dày lên, sờ tay lên mặt tranh thấy nham nháp, lồi lõm, cảm nhận sự chất chứa tình cảm và trí óc của người họa sĩ từng mặc áo lính. Và rồi, những dáng hình, khuôn mặt người con gái trong các bức tranh của anh, thật lạ, sao tôi cũng thấy thân quen vô cùng. Bức “Ký ức Cửa Tùng” khi còn treo trong gallery ở Huế, thấy tôi đứng xem quá lâu, Lê Văn Nhường mới nói: “Bức này, anh vẽ về mẹ của em đó”. Tôi vỡ òa, và tin rằng tôi dù không hiểu gì về hội họa, nhưng với riêng tranh của Lê Văn Nhường, tôi sẽ cảm nhận được, theo cách của tôi.

Họa sĩ Lê Văn Nhường đã đến Trường Sa, đến cực Nam, đến biên giới phía Bắc... đi nhiều và vẽ nhiều nhưng mảnh đất miền Trung vẫn là đề tài chính như “Miền nắng gió”, “Miền gió cát”, “Phù sa”… Và Huế, nơi anh sinh ra, sống và vẽ, vẫn được thể hiện nhiều nhất như “Mưa”, “Nắng”, “Trăng”, “Dấu tích”, “Tiếng thời gian”, “Thời gian”…

Họa sĩ Lê Văn Nhường vẽ với nhiều phong cách, trường phái khác nhau qua nhiều giai đoạn nhưng tựu trung vẫn là một Lê Văn Nhường rất Huế, đằm thắm trong ý tưởng cũng như ngôn ngữ hội họa.

Thời gian, dường như là ý niệm ám ảnh họa sĩ Lê Văn Nhường nhiều nhất. Bức “Tiếng thời gian”, hai dáng hình người con gái nhưng thực ra là một người có thật trong đời anh, ôm cây đàn tì bà hư không, thả vào không gian màu sắc Huế một tiếng vọng người nào đó, rất buồn. Có lần, khi tôi còn là chú bé, Lê Văn Nhường tâm sự với tôi, chúng ta, sống trong thời gian nhưng lại vừa sống ngoài thời gian. Chao ôi, tôi khi đó làm sao hiểu nổi mệnh đề triết học siêu nghiệm ấy được. Đến bây giờ, sự siêu thực của thời gian, không gian mà Lê Văn Nhường đã nói dạo đó, tôi chỉ nắm bắt được phần nào lý lẽ của nó thôi. Nhưng tôi biết, “Thời gian” của anh là thời gian đông kết, dịch chuyển và biến hóa mơ hồ, ẩn khuất vào trong từng khoảnh khắc vi diệu hành trình của mỗi người.

Hay là mưa. “Mưa 1”, “Mưa 2”, “Mưa 3”, “Mưa 4”… các bức sơn dầu của anh vẽ mưa đều chỉ là một cơn mưa siêu thực, ảo ảnh. Đấy là cơn mưa trong hồn, mưa trong tim, mưa trong nỗi buồn nhân thế, mưa đá, mưa trong, mưa đục và cả mưa kim loại, mưa bê-tông... Tôi cảm nhận được những cơn mưa không lường trước được, rớt xuống cuộc đời chúng ta... Mưa trong một nỗi nhớ hoài kiếp mà sắc màu trầm, thẫm cùng những khối hình nghiêm cẩn... Chính là mưa Huế, thời gian Huế, thời gian của anh và của nhiều người, của chúng ta.

Triển lãm “Thời gian" của họa sĩ Lê Văn Nhường lần này là tập hợp nhiều tác phẩm mượn lại từ Bảo tàng Mỹ thuật Huế, các nhà sưu tập và đang còn sở hữu của họa sĩ, là một khái quát về quá trình hoạt động và phong cách của họa sĩ Lê Văn Nhường.

Triển lãm trưng bày 46 tác phẩm chất liệu sơn dầu, acrylic, trong đó có tác phẩm “Nhớ Đà Lạt” được vẽ từ năm 1994 và mới nhất là “Chân dung Tôn Nữ”, “Nắng” vẽ trong mùa hè 2020... cùng với những tác phẩm khác hy vọng sẽ tạo nên một triển lãm đáng để đến xem.

Một số ảnh chụp tranh Lê Văn Nhường sẽ trưng bày tại Triển lãm "Thời gian":

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thoi-gian-trien-lam-cua-hoa-si-le-van-nhuong-627783