Thông điệp mạnh mẽ chống nạn buôn người

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vừa chính thức áp đặt lệnh trừng phạt đối với 6 cá nhân đứng đầu các mạng lưới tội phạm buôn người và tổ chức đưa người di cư vượt biên trái phép ở Libya. Quyết định này đánh dấu việc lần đầu tiên những kẻ phạm tội buôn người bị liệt vào 'tầm ngắm' của cơ quan quyền lực nhất LHQ.

Cái tên nổi bật trong “danh sách đen” là Mus'ab Abu-Qarin, được biết đến là “đầu đàn” của một tổ chức buôn người có mạng lưới phủ khắp Libya, châu Âu và các quốc gia thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara. Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2015, Abu-Qarin và đồng bọn đã đưa 45.000 người di cư trái phép vượt biển Địa Trung Hải để tìm đường tới châu Âu.

Lệnh trừng phạt, bao gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản, là một nỗ lực của Hà Lan và được các thành viên của HĐBA như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức... ủng hộ sau khi Hà Lan đệ trình lên cơ quan này một bản báo cáo về các tổ chức tội phạm buôn người đang lợi dụng những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng ở Libya để hoành hành.

Những con tàu chở quá đông người di cư bất hợp pháp là nguyên nhân dẫn đến các thảm kịch trên biển Ảnh: ANSA.

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan, ông Stef Blok, nhấn mạnh tới trách nhiệm của Hà Lan và cộng đồng quốc tế trong việc cải thiện điều kiện sống của người di cư và người nhập cư ở Libya, giúp họ tránh những hành trình bão táp vượt Địa Trung Hải, cũng như xóa bỏ thị trường buôn bán người ở quốc gia Bắc Phi này. “Danh sách đen” nói trên dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng.

Tháng 11-2017, truyền thông thế giới đồng loạt đăng tải một đoạn video ghi hình những người di cư châu Phi đang mắc kẹt tại Libya bị đưa ra chợ bán đấu giá như những nô lệ, làm dấy lên quan ngại của lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế về thực trạng “chợ người” đáng báo động ở quốc gia này. Tháng 12-2017, Liên minh châu Phi (AU) cho rằng có khoảng nửa triệu người nhập cư hiện đang bị giam giữ tại hơn 40 trại tập trung khắp Libya, hầu hết trong điều kiện sống dưới mức cho phép. Theo một báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của LHQ, tính từ đầu năm đến ngày 8-6 vừa qua, số người di cư đi theo đường từ Địa Trung Hải, trong đó có qua Libya, để đến châu Âu đã lên tới hơn 33.000 người. Họ là miếng mồi ngon cho các tổ chức tội phạm buôn người. Đầu năm nay, IOM cũng cảnh báo chính phủ Libya cần chú trọng an ninh tại những điểm tập trung đông người di cư sau khi nhận được báo cáo về sự tồn tại của một “thị trường nô lệ” tại Libya qua lời khai của các nạn nhân buôn người từ một số quốc gia châu Phi.

Chính vì vậy, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley khẳng định lệnh trừng phạt 6 cá nhân nói trên gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, cộng đồng quốc tế sẽ chung tay giải quyết vấn đề tội phạm buôn người và nằm trong một nỗ lực quốc tế lớn hơn nhằm đưa ra ánh sáng những kẻ buôn người và tổ chức đưa người di cư vượt biên trái phép. “Không có chỗ nào trên Trái Đất chứa chấp chúng!”-bà Nikki Haley nhấn mạnh.

Lâu nay, Libya luôn là một trong những điểm trung chuyển quan trọng để người di cư từ nhiều nước châu Phi bắt đầu hành trình vượt Địa Trung Hải sang châu Âu với hy vọng kiếm tìm một cuộc sống mới. Cuộc khủng hoảng di cư ở các nước châu Âu nhiều năm qua đã khiến hàng trăm nghìn người mắc kẹt lại tại các cửa ngõ như Libya. Bên cạnh đó, quốc gia Bắc Phi này cũng đang quay cuồng trong cảnh bom đạn và tranh giành quyền lực giữa các phe phái sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi năm 2011. Những điều này dẫn đến bất ổn chính trị, bạo lực và tình trạng an ninh lỏng lẻo, vô hình chung tạo điều kiện cho hàng loạt tổ chức tội phạm thực hiện việc vận chuyển trái phép người di cư vượt Địa Trung Hải sang châu Âu, buôn bán người, hoặc tuyển mộ người di cư cho các nhóm “thánh chiến”…

Hiện một lực lượng đặc nhiệm ba bên giữa AU, EU và LHQ đang tăng cường hỗ trợ những người di cư châu Phi bị mắc kẹt tại Libya và triệt phá các mạng lưới buôn người có tổ chức. IOM đang tích cực giúp người di cư ở Libya hồi hương. EU đang hỗ trợ đáng kể cảnh sát biển Libya nói riêng và lực lượng an ninh châu Phi nói chung để ngăn chặn dòng người di cư trước khi họ vượt qua Địa Trung Hải. Tuy nhiên, dòng người di cư từ châu Phi đổ về Libya không ngừng gia tăng khiến cho những nỗ lực đó, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn như muối bỏ bể...

Lệnh trừng phạt nói trên của HĐBA LHQ được kỳ vọng là bước khởi đầu cho một chương trình tổng thể của quốc tế để chấm dứt tình trạng buôn bán người di cư ở Libya cũng như ở các nước khác.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thong-diep-manh-me-chong-nan-buon-nguoi-541391